Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Kết thúc vụ nuôi tôm năm 2015 tái diễn điệp khúc được mùa rớt giá

Kết thúc vụ nuôi tôm năm 2015 tái diễn điệp khúc được mùa rớt giá
Ngày đăng: 23/10/2015

Thu hoạch tôm thẻ chân trắng tại vùng nuôi tôm xã Hoài Mỹ (huyện Hoài Nhơn).

Dịch bệnh giảm, năng suất tăng

Bước vào niên vụ nuôi tôm năm nay, việc nuôi tôm ở tỉnh ta gặp không ít khó khăn do tình trạng hạn hán kéo dài, thiếu nguồn nước ngọt cung cấp cho các vùng nuôi tôm; nhiều hộ nuôi tôm gặp khó khăn về nguồn vốn đầu tư.

Song, nhờ sự nỗ lực đầu tư, chăm sóc của bà con nuôi tôm, nên năng suất, sản lượng tôm nuôi tăng khá.

Ông Võ Đình Tâm, Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản thuộc Sở NN&PTNT, cho biết: Toàn tỉnh đã có 2.223 ha mặt nước được đưa vào nuôi tôm trong cả 2 vụ.

Trong đó, diện tích nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh đạt gần 470 ha, còn lại là nuôi xen tôm với các đối tượng thủy sản khác.

Đến nay, các địa phương đã thu hoạch được gần 1.721 ha, sản lượng tôm nuôi đạt 4.095 tấn, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm 2014 (TTCT đạt 3.516 tấn, tăng 3,1% và tôm sú đạt 545,8 tấn, tăng 2,8%).

Năng suất bình quân TTCT là 6,5 tấn/ha; tôm sú đạt bình quân 0,43 tấn/ha/vụ.

Để đạt được kết quả đó, công tác phòng chống dịch bệnh tôm nuôi thời gian qua đã mang lại nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Trong cả 2 vụ nuôi chính trong năm, diện tích tôm bị dịch bệnh trên địa bàn toàn tỉnh chỉ có 33,8 ha (vụ 1 là 32,7 ha; vụ 2 là 1,1 ha; trong đó, bệnh do vi-rút đốm trắng 2,6 ha, bệnh do môi trường 31,2 ha), chiếm 1,4% tổng diện tích nuôi tôm cả năm.

Nhiều vùng nuôi tôm trước đây thường xuyên bị dịch bệnh tôm nuôi như xã Phước Hòa, Phước Sơn (huyện Tuy Phước), Mỹ Chánh, Mỹ Thành (huyện Phù Mỹ), Hoài Hải, Hoài Mỹ (huyện Hoài Nhơn) thì trong niên vụ vừa qua cũng đã giảm đáng kể.

Theo ngành chức năng, tình hình dịch bệnh tôm năm nay được khống chế thành công là nhờ người nuôi tôm đã tuân thủ đúng các giải pháp kỹ thuật và lịch thời vụ thả tôm mà ngành Nông nghiệp tỉnh khuyến cáo từ đầu vụ.

Tại những vùng nuôi tôm tập trung, các điều kiện về cơ sở hạ tầng, hệ thống thủy lợi đã được Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng khá hoàn chỉnh, đáp ứng yêu cầu nuôi tôm bền vững.

Ngoài ra, công tác khuyến ngư cũng được tăng cường, các mô hình trình diễn nuôi tôm thân thiện với môi trường, nuôi tôm quảng canh cải tiến được xây dựng rộng khắp, góp phần làm cho dịch bệnh nuôi tôm giảm đáng kể.

Niềm vui chưa trọn

Vụ nuôi tôm 2015, toàn tỉnh có trên 80% số hộ nuôi tôm được mùa, nhưng hầu hết người nuôi tôm vẫn không vui, bởi giá tôm năm nay khá thấp, giảm từ 20-30% so với mọi năm.

Giá TTCT bình quân cả vụ khoảng 110 ngàn đồng/kg (loại 100 con/kg); tôm sú 160 ngàn đồng/kg (loại 40-50 con/kg); bình quân giảm 15-20 ngàn đồng/kg.

Ông Nguyễn Văn Hòa, một hộ nuôi tôm ở khu vực hồ Đồng, thôn Kim Đông, xã Phước Hòa, (huyện Tuy Phước), cho biết: Năm nay, tôi nuôi 2ha TTCT, năng suất tôm đạt 7,5 tấn/ha/vụ; tưởng sẽ trúng đậm, nhưng khi thương lái đến xem tôm chỉ mua xô 95.000 đồng/kg, giảm gần 20.000 đồng so với vụ nuôi tôm năm 2014.

Giá tôm thấp, trong khi suất đầu tư cho nuôi tôm năm nay tăng khá cao do giá tôm giống, thức ăn, nhân công đội lên từng ngày.

Đầu vụ nuôi, một bao thức ăn 20kg cho tôm nuôi có giá 650 ngàn đồng, nhưng đến giữa vụ tăng lên đến 750 ngàn đồng/bao.

Chi phí sản xuất tăng, nhưng giá tôm giảm làm cho thu nhập của người nuôi tôm bị giảm sút.

Ông Nguyễn Văn Tâm, một hộ nuôi tôm ở thôn Vinh Quang 2, xã Phước Sơn (huyện Tuy Phước), cho biết thêm: Năm ngoái, TTCT (cỡ 90-100 con/kg) giá 130-140 ngàn đồng/kg, nhưng năm nay giá tôm thường xuyên giảm, có thời điểm giảm mạnh.

Những năm trước, đến thời điểm thu hoạch tôm, riêng tại xã Phước Sơn có đến hàng chục thương lái đến tranh nhau mua tôm, nhưng năm nay chỉ có một vài thương lái đặt cơ sở thu mua; vì thế, người nuôi thường xuyên bị ép giá, thua thiệt.

Theo ông Võ Đình Tâm, nguyên nhân làm cho giá tôm năm nay xuống thấp so với mọi năm là do người nuôi tôm trong cả nước được mùa.

Bên cạnh đó, tại một số quốc gia trong khu vực châu Á như Indonesia, Thái Lan, Ấn Độ cũng được mùa tôm.

Trong khi các nhà máy chế biến trong khu vực không giải quyết hết lượng tôm nguyên liệu, dẫn đến tình trạng nguồn cung vượt cầu.

Điều đáng lo trong nuôi trồng thủy sản ở tỉnh ta nói riêng và cả nước nói chung thời gian qua là hầu hết đều chưa có doanh nghiệp nào đứng ra ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho người nuôi tôm.

Do vậy, mỗi khi tôm nuôi được mùa, tình trạng “ép cấp, ép giá” thường xuyên xảy ra.

Để phát triển nuôi tôm bền vững, sản phẩm tôm nuôi có nơi tiêu thụ, giá cả ổn định, đã đến lúc cần tạo sự liên kết giữa người nuôi tôm và các doanh nghiệp chế biến thủy sản.

Các cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương cũng cần có sự phối hợp, làm việc với các công ty chế biến thủy sản trên địa bàn tỉnh để có hướng ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho người nuôi tôm; tạo mối liên kết hài hòa giữa người chăn nuôi với doanh nghiệp; tránh để tái diễn điệp khúc “được mùa, mất giá” hay “mất mùa, được giá” như đã từng xảy ra.


Có thể bạn quan tâm

Thương Lái Gom Hàng Giá Heo Tăng Mạnh Thương Lái Gom Hàng Giá Heo Tăng Mạnh

Thời gian gần đây, giá heo tại Bà Rịa - Vũng Tàu nói riêng, vùng Đông Nam bộ nói chung, đã tăng mạnh do thương lái ồ ạt thu mua heo mỡ. Giá heo tăng làm cho người chăn nuôi phấn khởi sau một thời gian dài lỗ nặng, tuy nhiên cũng tiềm ẩn không ít rủi ro nếu như thương lái ngừng mua.

13/09/2013
Bảo Vệ Hồ Đập Nuôi Tôm Trong Mùa Mưa Lũ Bảo Vệ Hồ Đập Nuôi Tôm Trong Mùa Mưa Lũ

Hải Lăng (Quảng Trị) có diện tích nuôi trồng thủy sản khá lớn với hơn 500 ha diện tích ao hồ. Trong đó diện tích nuôi tôm trên cát ven biển ở hai xã Hải An và Hải Khê chiếm gần 100 ha. Nhiều năm qua nhờ phát triển nuôi tôm nên nhiều hộ gia đình đã trở nên giàu có, tuy nhiên do nằm sát với bờ biển nên rất dễ bị thiên tai tàn phá. Trước thực trạng đó, để đảm bảo an toàn ao hồ nuôi trồng thủy sản trong mùa mưa bão năm 2013, huyện Hải Lăng đang tiến hành triển khai nhiều biện pháp hữu hiệu nhằm giúp người nuôi tôm bảo vệ tốt tài sản của mình.

14/09/2013
Bấp Bênh Đầu Ra Ngao Thương Phẩm Bấp Bênh Đầu Ra Ngao Thương Phẩm

Những năm gần đây, nuôi ngao thực sự là nghề “nóng” của người dân ven biển huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An), bởi nó mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên hiện nay, giá bán ngao thương phẩm đang giảm mạnh, thị trường tiêu thụ gặp rất nhiều khó khăn. Người dân phát triển nuôi ngao ồ ạt, tự phát, không theo quy hoạch sẽ khó tránh khỏi những hệ lụy xấu...

14/09/2013
Hướng Mở Từ HTX Nuôi Nghêu Đất Mũi Hướng Mở Từ HTX Nuôi Nghêu Đất Mũi

Đã qua rồi thời hỗn loạn, người thì nuôi, kẻ khai thác tranh giành nguồn lợi từ con nghêu của bãi bồi Đất Mũi (Cà Mau). Sau khi sắp xếp lại một cách toàn diện, vùng nuôi nghêu bãi bồi đang dần đi vào ổn định.

16/09/2013
Hạn Chế Nuôi Tôm Trong Vùng Ngọt Hóa Hạn Chế Nuôi Tôm Trong Vùng Ngọt Hóa

Thời gian gần đây do nuôi tôm thẻ chân trắng được mùa, lợi nhuận cao nên một số hộ dân ở Bình Đại (Bến Tre) tự phát đào ao, khoan giếng nước mặn nuôi tôm biển trong vùng qui hoạch, có lúc lên đến trên 1.000 giếng khoan. Để khắc phục tình trạng trên, Ban Thường vụ Huyện ủy Bình Đại đã ban hành Chỉ thị số 05, UBND huyện Bình Đại có Kế hoạch số 2184 nhằm khắc phục những bất hợp lý vừa qua.

16/09/2013