Kết Quả Xử Lý Ra Hoa Cho Bưởi Ở Phú Thọ

Hiện nay trên địa bàn Đoan Hùng có trên 500ha bưởi vẫn chưa cho quả, trong đó có nhiều diện tích cây đã trên 5 năm tuổi, có khung tán và cành lá phát triển tốt, hoàn toàn có thể mang quả, đặc biệt là các diện tích được trồng ngoài bãi soi.
Để bưởi có thể ra hoa, cây cần trải qua thời kỳ phân hóa mầm hoa, điều kiện thích hợp trong giai đoạn này là ẩm độ và nhiệt độ thấp; trong khi đó thời tiết những năm gần đây có những biến đổi bất thuận, không theo quy luật, ảnh xấu đến khả năng ra hoa và đậu quả của cây bưởi.
Để giải quyết vấn đề trên, Trung tâm Khuyến nông Phú Thọ đã phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện Đoan Hùng tiến hành thử nghiệm biện pháp xử lý ra hoa đối với vườn bưởi đến giai đoạn kết thúc thời kỳ kiến thiết cơ bản.
Mô hình thử nghiệm được triển khai trên giống bưởi Chí Đám có độ tuổi 5-6 năm trên quy mô 2ha tại vườn bưởi được trồng ngoài bãi soi thuộc khu 1, xã Chí Đám. Biện pháp được áp dụng là chặt rễ kết hợp với bón phân. Thời gian xử lý từ ngày 2-10/1/2014. Tiến hành đào rãnh với độ rộng từ 1/4-1/3 khoảng cách từ mép tán vào thân, sâu 20-30cm để làm đứt bớt các rễ có đường kính 1-1,5cm. Sau đó phơi rãnh từ 3-5 ngày để cho các vết thương ở rễ se bớt lại trước khi bón phân.
Lượng phân bón cho 1 cây là 5 kg phân vi sinh Sông Lô, 30-50 kg phân chuồng hoai mục, 2kg phân NPK12.5.10 và 1kg vôi bột trộn đều và bón cho cây. Biện pháp này được áp dụng đối với những cây sinh trưởng khỏe, không bị sâu bệnh, lá đã thành thục (không có lộc, lá non). Kết quả cho thấy với 520 cây xử lý đã có 432 cây ra hoa, đạt 80% số cây đã xử lý, vượt trội hơn hẳn so với đối chứng của các cây không xử lý.
Với kết quả trên các hộ tham gia mô hình rất phấn khởi hiện đang tích cực chăm sóc, tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật và đang tiến hành thụ phấn bổ sung cho vườn bưởi.
Có thể bạn quan tâm

Đầu vụ, dưa chuột được bán với giá từ 7.000 – 8.000 đ/kg. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay giá giảm xuống một nửa chỉ còn từ 3.000 – 4.000 đ/kg.

Có lẽ chưa năm nào người dân thôn Linh Chiểu, xã Ân Phong, huyện Hoài Ân (Bình Định) trồng rau lại lâm cảnh khốn khó như lúc này.

Bước vào nuôi tôm vụ 1 năm nay, người nuôi tôm ở thị xã Hoàng Mai đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn như hệ thống ao đầm bị ô nhiễm, hư hỏng sau đợt lũ lịch sử tháng 10 năm ngoái, điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp, không thuận lợi cho con tôm phát triển. Và đặc biệt là khan hiếm nguồn tôm giống, khiến cho việc thả tôm hiện nay đang diễn ra khá chậm và tiềm ẩn không ít rủi ro.

Từ ngày 12 - 16/5/2014, Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư (KNKN) Hải Phòng tổ chức lớp tập huấn “Kỹ thuật nuôi tôm thẻ chân trắng theo hướng VietGAP” nhằm cung cấp kỹ năng, kiến thức cho khuyến nông viên và cộng tác viên khuyến nông về quy phạm VietGAP trong nuôi tôm thẻ chân trắng.

“Hiện nay, Trung Quốc mua cả xoài chín, xoài sống, trúng tâm lý nhà vườn sợ giá tụt xuống nữa nên hái cả những trái chưa chín độn vào lô hàng bán tại vựa”...