Huyện Phước Long (Bạc Liêu) Phát Triển Mô Hình Chăn Nuôi Động Vật Hoang Dã

Xuất phát từ nhu cầu của thị trường, nhiều nông dân ở huyện Phước Long (Bạc Liêu) đã đầu tư vốn để phát triển mô hình chăn nuôi các loại động vật hoang dã. Điều này không chỉ góp phần làm giảm áp lực từ việc săn bắt, khai thác động vật hoang dã trong tự nhiên, mà còn nâng cao hiệu quả kinh tế cho người nuôi.
Hiện nay, ở huyện Phước Long có hàng trăm hộ nuôi cá sấu theo mô hình trang trại từ 3.000 - 5.000 con trở lên, và rất nhiều hộ nuôi cá sấu thương phẩm với số lượng từ 50 - 100 con. Phần lớn những hộ nuôi cá sấu đều thu lợi nhuận cao.
Điển hình như hộ ông Nguyễn Hoàng Đấu (ngụ ấp Hành Chính, thị trấn Phước Long), từ khi nuôi cá sấu, ông Đấu đã giàu lên nhanh chóng. Mỗi đợt ông Đấu nuôi từ 2.000 - 3.000 con cá sấu, mỗi lần xuất bán thu lời từ 200 - 300 triệu đồng. Hiện giá cá sấu thương phẩm ở mức trên 200.000 đồng/kg nên lợi nhuận mang lại cao gấp nhiều lần so với các hình thức chăn nuôi, trồng trọt khác.
Người nuôi cá sấu ít tốn công chăm sóc và cá ít nhiễm bệnh. Thêm vào đó, huyện Phước Long có diện tích đất nuôi trồng thủy sản lớn, nguồn cá phi tự nhiên trong ruộng, ao nuôi tôm khá dồi dào. Đây chính là nguồn thức ăn cho cá sấu.
Ngoài nuôi cá sấu, người dân huyện Phước Long còn nuôi các loại động vật hoang dã khác như: chim cu, ba ba, trăn, rắn, ếch… Tuy tổng đàn không nhiều, nhưng cũng phần nào đem lại nguồn thu khá ổn định cho người dân.
Huyện Phước Long hiện có 190.700 cá thể thuộc loại động vật hoang dã. Trong đó, cá sấu là 178.000 con; trăn, rắn, ba ba là 12.000 con. Ngoài ra, người dân còn phát triển thêm các loại động vật hoang dã khác cho lợi nhuận cao như: nuôi cua đinh (xã Phong Thạnh Tây B); le le, rắn hổ đất (xã Vĩnh Phú Tây); nuôi chim cu (xã Phước Long); thỏ, nhím (thị trấn Phước Long)…
Mô hình chăn nuôi động vật hoang dã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Song, để người dân an tâm phát triển, việc chăn nuôi không chạy theo phong trào, ngành quản lý cần có quy hoạch nhằm giúp người dân chủ động phòng tránh rủi ro.
Để đảm bảo an toàn trong sản xuất nông nghiệp và tránh tình trạng chăn nuôi vượt tầm kiểm soát, UBND huyện Phước Long đã chỉ đạo các ngành chức năng xây dựng quy hoạch, định hướng cho người dân về cây trồng - vật nuôi; nắm vững kỹ thuật sản xuất và gắn sản xuất với nhu cầu thị trường. Đồng thời phải có sự liên kết giữa Nhà nước với doanh nghiệp và người chăn nuôi. Đối với việc gây nuôi các loại động vật hoang dã nguy hiểm như rắn, cá sấu thì hướng dẫn hộ nuôi thực hiện nghiêm ngặt quy trình nuôi để không gây nguy hiểm cho người nuôi cũng như cộng đồng dân cư.
Có thể bạn quan tâm

Ngày 9/9/2015, Trạm Thú y huyện Đô Lương nhận được thông tin, tại xóm 3, xã Trung Sơn (Đô Lương) có 6 con trâu bò bị bệnh lở mồm long móng (LMLM).

Cuối tuần qua, Chi cục Thủy sản tỉnh An Giang kết hợp với ĐH Cần Thơ và hơn 50 hộ dân nuôi cá lóc ở ĐBSCL tổ chức hội thảo tìm giải pháp đẩy mạnh chăn nuôi và sức tiêu thụ mặt hàng cá lóc

Tại Nhật, hiện không chỉ có riêng xoài của Việt Nam mà còn có xoài của rất nhiều nước, vì vậy chúng ta tất nhiên sẽ phải cạnh tranh, nhất là với Thái Lan…

Dự kiến, từ nay đến cuối năm 2015, tỉnh Bình Định sẽ có thêm 9 xã hoàn thành xây dựng NTM, nâng tổng số xã hoàn thành xây dựng NTM lên 28/122 xã NTM.

Vừa qua xã Việt Thành (huyện Trấn Yên, Yên Bái) đã long trọng tổ chức đón nhận xã đạt chuẩn NTM.