Huyện Đầm Hà (Quảng Ninh) tập trung cho thế mạnh nuôi trồng thuỷ sản

Theo thống kê của Phòng NN&PTNT huyện Đầm Hà, tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2010 - 2014 về diện tích NTTS của huyện đạt 1%/năm và sản lượng là 8,03%/năm. 6 tháng đầu năm 2015, tổng diện tích NTTS toàn huyện đạt 630ha, tăng 60,63% so với cùng kỳ năm 2014; sản lượng nuôi trồng ước đạt gần 1.200 tấn, tăng 34,2% so với cùng kỳ. Phát triển NTTS của địa phương đã góp phần giải quyết tạo việc làm thường xuyên cho trên 1.400 lao động và một phần lao động nhàn rỗi ở nông thôn.
Qua đó góp phần xoá đói giảm nghèo và nâng cao thu nhập cho người dân, đặc biệt là khu vực ven biển. Hiện huyện Đầm Hà đang tiếp tục phát triển nhân rộng nhiều mô hình NTTS hiệu quả kinh tế cao. Có thể kể đến như mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng tập trung ở các xã Tân Bình, Đại Bình, Tân Lập, Đầm Hà đạt năng suất từ 6 - 8 tấn/vụ, lãi bình quân 400 triệu đồng/ha. Đối với mô hình nuôi cá nước ngọt, các hộ nuôi đã đưa một số giống mới có năng suất, giá trị cao vào nuôi thả tập trung như cá rô phi đơn tính, cá rô đầu vuông... với năng suất đạt từ 8 - 10 tấn/ha tập trung phát triển ở các xã Tân Bình, Đầm Hà...
Ngoài ra còn có các mô hình nuôi nhuyễn thể (ngao, nghêu) ở khu vực bãi triều năng suất đạt từ 6 - 8 tấn/ha; mô hình nuôi cá lồng bè với các đối tượng nuôi chủ lực là cá song, cá vược, cá hồng, cá giò cho năng suất 300kg/ô lồng...
Ông Nguyễn Văn Thuỷ, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Đầm Hà cho biết: “Nhìn chung NTTS của Đầm Hà những năm qua đã phát triển theo định hướng chung gắn với bảo vệ môi trường sinh thái và chủ động thích ứng, hạn chế tối đa thiệt hại do tác động của biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, để tập trung phát triển thế mạnh về NTTS, những năm qua, huyện Đầm Hà đã triển khai nhiều quy hoạch liên quan và đầu tư hàng chục tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng các vùng nuôi tập trung quy mô lớn.
Hiện Đầm Hà đã hình thành vùng nuôi tôm thẻ chân trắng tập trung tại các xã Đại Bình, Tân Bình, Đầm Hà, Tân Lập với diện tích trên 300ha; vùng nuôi nhuyễn thể tại xã Đại Bình, Tân Bình, Đầm Hà, Tân Lập diện tích khoảng 500ha. Huyện cũng đã xây dựng xong Đề án phát triển kinh tế thuỷ sản huyện Đầm Hà đến năm 2020 và tích cực thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp”.
Theo đó, trước mắt, trong năm 2015, huyện Đầm Hà sẽ triển khai thu hút đầu tư dự án nuôi tôm thương phẩm siêu thâm canh công nghệ cao trong nhà kính tại thôn Sơn Hải (Đầm Hà) quy mô 300ha; thực hiện quy hoạch chi tiết và đầu tư cơ sở hạ tầng vùng nuôi tôm công nghiệp tập trung tại xã Tân Bình và Tân Lập, quy mô 60ha; thu hút các nhà đầu tư xây dựng vùng NTTS tập trung trên biển tại Thoi Dây xã Tân Lập, quy mô 70ha.
Bên cạnh đó, phối hợp hoàn thiện Trung tâm Sản xuất giống công nghệ cao và nuôi thực nghiệm giống hải sản Quảng Ninh để sớm đưa hoạt động sản xuất giống tại cơ sở này cung cấp giống thuỷ sản cho các vùng nuôi trong và ngoài huyện. Huyện cũng xúc tiến thành lập mạng lưới cộng tác viên bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản. Đồng thời đầu tư hoàn thiện các dự án: Nâng cấp công trình cấp điện khu nuôi tôm công nghiệp xã Tân Bình; đầu tư công trình cấp điện khu NTTS tập trung Yên Hàn - Đầm Buôn (Đầm Hà), công trình cấp điện khu NTTS tập trung thôn Phúc Tiến (Tân Lập). Cùng với đó là triển khai xây dựng các chợ đầu mối tiêu thụ sản phẩm thuỷ sản sau thu hoạch tại thôn Phúc Tiến, xã Tân Lập.
Có thể bạn quan tâm

Tuy chưa có thống kê của ngành chức năng nhưng hiện bà con trồng mía ở một số xã: Tân Phước Hưng, Hiệp Hưng (huyện Phụng Hiệp, Hậu Giang) đã bắt đầu thu hoạch mía chục để bán cho thương lái đi tiêu thụ ở các nơi.

Chư Prông (Gia Lai) là một trong những huyện trọng điểm cà phê của tỉnh Gia Lai. Theo thống kê của ngành chuyên môn, toàn huyện hiện có khoảng 13.500 ha cà phê, trong đó, 95% diện tích đang trong thời kỳ kinh doanh. Niên vụ cà phê năm nay, ước tính năng suất cà phê trung bình của huyện đạt khoảng 36 tạ nhân/ha. So với mọi năm, con số này không có nhiều biến động.

Mặc dù cơn bão số 2 không đổ bộ trực tiếp vào Hà Nội, nhưng những trận mưa trong mấy ngày qua đã ảnh hưởng đáng kể đến nhiều diện tích rau, hoa màu ở ngoại thành. Ngay sau khi bão tan, bà con nông dân đã tích cực ra đồng tháo nước, chăm sóc, bón phân cho cây trồng.

Trước tình hình dịch bệnh vàng lá gân xanh (Greening) đang ngày càng bùng phát và gây hại nặng cho cây cam sành ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, UBND tỉnh vừa ra quyết định công bố dịch bệnh vàng lá gân xanh trên cây cam sành.

Quýt Bắc Sơn lâu nay đã trở thành thương hiệu, đặc sản của huyện Bắc Sơn nói riêng và Lạng Sơn nói chung. Đã có nhiều hộ gia đình thoát nghèo, vươn lên khá giả nhờ cây quýt và điển hình trong số đó là hộ gia đình ông Đặng Văn Lương tại thôn Hồng Phong 4, xã Chiến Thắng.