Hương thơm Kinh Bắc bay lên Yên Bái

Từ vùng đất quan họ, Hương thơm Kinh Bắc đã lấn sân sang đồng đất của nhiều địa phương ngoài tỉnh và dự báo trở thành giống lúa "hot" trong thời gian tới.
Trên quê hương di sản quan họ
Với tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa nhanh đến chóng mặt, diện tích đất nông nghiệp của Bắc Ninh ngày càng bị thu hẹp.
Phát triển SX nông nghiệp nói chung, SX lúa nói riêng theo hướng thâm canh, hàng hóa chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh, phù hợp với thị trường, nâng cao thu nhập kinh tế hộ gia đình trở thành vấn đề hết sức quan trọng.
Để tiếp tục tìm kiếm những giống lúa có năng suất, chất lượng phù hợp với điều kiện sinh thái của tỉnh, vụ mùa năm 2015, Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư Bắc Ninh phối hợp với Cty CP Giống cây trồng Bắc Ninh, Trạm Khuyến nông huyện Gia Bình, TX Từ Sơn và TP Bắc Ninh đã xây dựng mô hình SX giống lúa chất lượng Hương thơm Kinh Bắc, tổng diện tích 15 ha.
Trong điều kiện diễn biến thời tiết phức tạp, có những đợt nắng nóng xen kẽ mưa lớn là điều kiện thuận lợi cho các đối tượng sâu bệnh hại phát triển như sâu cuốn lá, bạc lá, đốm sọc vi khuẩn…Nhiều giống lúa sức chống chịu kém đã "gục ngã" trước sâu bệnh, giảm năng suất thậm chí thất thu nặng.
Tuy nhiên, theo kết quả theo dõi, đánh giá của Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư Bắc Ninh, Hương thơm Kinh Bắc là giống lúa cảm ôn nên không mẫn cảm nhiều với những xáo trộn thời tiết.
Giống có bộ lá khỏe, màu xanh sáng, lá đòng trung bình và xanh bền (thời điểm lúa chín bộ lá vẫn xanh), có khả năng chống đổ, chống chịu sâu bệnh tốt, chỉ bị nhiễm nhẹ đạo ôn.
Đặc biệt, lúa cứng cây, bén rễ hồi xanh nhanh, đẻ nhánh sớm và khá, thời gian trỗ tập trung từ 3- 5 ngày.
Mỗi khóm có khoảng 4,8 dảnh hữu hiệu, bông dầy, hạt xếp sít, số hạt chắc/bông bình quân 163 hạt (khá cao so với giống đối chứng Khang dân 18 là 152 hạt), dự kiến năng suất thực thu đạt 63 tạ/ha, cao hơn năng suất Khang dân 18 khoảng 30 kg/sào.
Tuy nhiên năng suất mới chỉ là một điểm mạnh, bởi nông dân hiện nay đòi hỏi ở mỗi giống lúa phải hội đủ cả 2 yếu tố, năng suất cao nhưng cần ngon cơm. Hạt thóc Hương thơm Kinh Bắc vàng sáng, có dạng bầu dục, mười hạt như mười (tương tự một số giống lúa nếp như N97, N87), gạo trong, có mùi thơm nhẹ.
Từ kết quả khá ấn tượng đạt được tại các mô hình trình diễn, Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư Bắc Ninh đề nghị Cty đang sở hữu giống Hương thơm Kinh Bắc tiếp tục khảo nghiệm ở những vụ tiếp theo, nhằm có cơ sở vững chắc để khuyến cáo nông dân các địa phương khác ứng dụng.
“Làm duyên” trên đất khách
Không chỉ nổi bật ở “sân nhà”, Hương thơm Kinh Bắc còn thử sức ở “đất khách” tại xã Thanh Lương, nằm trong vùng cánh đồng Mường Lò của huyện Văn Chấn (Yên Bái).
Những năm qua, địa phương này luôn chú trọng tới việc phát triển cây 3 vụ.
Vì thế, nhất định phải tìm những giống lúa có thời gian sinh trưởng ngắn, chất lượng gạo ngon và năng suất cao.
Khi được đưa vào đồng đất Thanh Lương trong vụ mùa 2015, lúa sinh trưởng phát triển tốt, đẻ nhánh khá, số nhánh đẻ trung bình đạt 8 nhánh/khóm, bông dầy, dao động từ 220 – 230 hạt/bông, cá biệt có bông đạt 270 hạt (khá cao so với các giống lúa chất lượng).
Năng suất bình quân đạt khoảng 60 – 70 tạ/ha.
Giống có dạng hình cây cao, các đốt thân dài, đặc biệt thời gian sinh trưởng ở vụ mùa của Hương thơm Kinh Bắc ngắn, khoảng 97 – 99 ngày, ngắn hơn so với đối chứng HT1 là 9 ngày.
Còn tại Lục Yên (Yên Bái), qua một vụ trồng thử nghiệm giống Hương thơm Kinh Bắc, Trạm Khuyến nông huyện cho biết, người dân thâm canh 1 sào giống lúa Hương thơm Kinh Bắc tính, đầu tư 1.222.500 đồng, thu 1.650.000 đồng, thực lãi 427.500 đồng.
Mặc dù só hạt/bông đạt mức khá (dao động từ 180 – 190 hạt), tuy nhiên thời gian lúa trỗ bông, phơi màu gặp thời tiết bất thuận có mưa kéo dài, nên tỷ lệ lép cao (19%), vì thế chưa thể hiện hết được tiềm năng năng suất.
Dự kiến năng suất đạt khoảng 220 kg/sào.
Có thể bạn quan tâm

Sản xuất theo phong trào, chất lượng chưa đồng bộ, chưa xây dựng được thương hiệu, nhãn hiệu, bỏ ngỏ thị trường nội địa… là những hạn chế cố hữu của nông sản nói chung và trái cây nói riêng

Xã Huổi Lèng (huyện Mường Chà) có diện tích nuôi thả cánh kiến lớn nhất trong toàn huyện Mường Chà với diện tích nuôi thả 350ha. Giai đoạn 2005 – 2012, giá cánh kiến ổn định và có lúc tăng cao, mỗi ki lô gam cánh kiến giá từ 70.000 – 250.000 đồng, tùy từng thời điểm.

Với lợi thế về điều kiện tự nhiên, địa hình cù lao giáp biển, ngành nuôi trồng thủy sản (NTTS) đã có những đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội của huyện Tân Phú Đông (Tiền Giang) trong thời gian qua. Tuy nhiên, do sự phát triển nhanh, thiếu quy hoạch, công tác quản lý môi trường còn khó khăn dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường trên lĩnh vực này là điều khó tránh khỏi.

Ông Nguyễn Văn Kỳ, Tổng thư ký Vinafruit cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2014, giá trị nhập khẩu rau quả từ Thái Lan đạt gần 73,5 triệu đô la Mỹ, trong khi, giá trị nhập khẩu từ Trung Quốc là 57,5 triệu đô la Mỹ. Đây là bước tăng khá lớn vì cùng kỳ năm 2013, giá trị mặt hàng rau quả của Trung Quốc vẫn cao hơn so với Thái Lan.

Ngày 1-9, ông Phạm Hữu Thủ, Trưởng phòng Trồng trọt - Sở NN-PTNT tỉnh Bình Thuận, cho biết, vài ngày qua, giá thanh long tại Bình Thuận tăng vọt trở lại sau một thời gian rớt giá.