Hương thơm Kinh Bắc bay lên Yên Bái

Từ vùng đất quan họ, Hương thơm Kinh Bắc đã lấn sân sang đồng đất của nhiều địa phương ngoài tỉnh và dự báo trở thành giống lúa "hot" trong thời gian tới.
Trên quê hương di sản quan họ
Với tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa nhanh đến chóng mặt, diện tích đất nông nghiệp của Bắc Ninh ngày càng bị thu hẹp.
Phát triển SX nông nghiệp nói chung, SX lúa nói riêng theo hướng thâm canh, hàng hóa chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh, phù hợp với thị trường, nâng cao thu nhập kinh tế hộ gia đình trở thành vấn đề hết sức quan trọng.
Để tiếp tục tìm kiếm những giống lúa có năng suất, chất lượng phù hợp với điều kiện sinh thái của tỉnh, vụ mùa năm 2015, Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư Bắc Ninh phối hợp với Cty CP Giống cây trồng Bắc Ninh, Trạm Khuyến nông huyện Gia Bình, TX Từ Sơn và TP Bắc Ninh đã xây dựng mô hình SX giống lúa chất lượng Hương thơm Kinh Bắc, tổng diện tích 15 ha.
Trong điều kiện diễn biến thời tiết phức tạp, có những đợt nắng nóng xen kẽ mưa lớn là điều kiện thuận lợi cho các đối tượng sâu bệnh hại phát triển như sâu cuốn lá, bạc lá, đốm sọc vi khuẩn…Nhiều giống lúa sức chống chịu kém đã "gục ngã" trước sâu bệnh, giảm năng suất thậm chí thất thu nặng.
Tuy nhiên, theo kết quả theo dõi, đánh giá của Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư Bắc Ninh, Hương thơm Kinh Bắc là giống lúa cảm ôn nên không mẫn cảm nhiều với những xáo trộn thời tiết.
Giống có bộ lá khỏe, màu xanh sáng, lá đòng trung bình và xanh bền (thời điểm lúa chín bộ lá vẫn xanh), có khả năng chống đổ, chống chịu sâu bệnh tốt, chỉ bị nhiễm nhẹ đạo ôn.
Đặc biệt, lúa cứng cây, bén rễ hồi xanh nhanh, đẻ nhánh sớm và khá, thời gian trỗ tập trung từ 3- 5 ngày.
Mỗi khóm có khoảng 4,8 dảnh hữu hiệu, bông dầy, hạt xếp sít, số hạt chắc/bông bình quân 163 hạt (khá cao so với giống đối chứng Khang dân 18 là 152 hạt), dự kiến năng suất thực thu đạt 63 tạ/ha, cao hơn năng suất Khang dân 18 khoảng 30 kg/sào.
Tuy nhiên năng suất mới chỉ là một điểm mạnh, bởi nông dân hiện nay đòi hỏi ở mỗi giống lúa phải hội đủ cả 2 yếu tố, năng suất cao nhưng cần ngon cơm. Hạt thóc Hương thơm Kinh Bắc vàng sáng, có dạng bầu dục, mười hạt như mười (tương tự một số giống lúa nếp như N97, N87), gạo trong, có mùi thơm nhẹ.
Từ kết quả khá ấn tượng đạt được tại các mô hình trình diễn, Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư Bắc Ninh đề nghị Cty đang sở hữu giống Hương thơm Kinh Bắc tiếp tục khảo nghiệm ở những vụ tiếp theo, nhằm có cơ sở vững chắc để khuyến cáo nông dân các địa phương khác ứng dụng.
“Làm duyên” trên đất khách
Không chỉ nổi bật ở “sân nhà”, Hương thơm Kinh Bắc còn thử sức ở “đất khách” tại xã Thanh Lương, nằm trong vùng cánh đồng Mường Lò của huyện Văn Chấn (Yên Bái).
Những năm qua, địa phương này luôn chú trọng tới việc phát triển cây 3 vụ.
Vì thế, nhất định phải tìm những giống lúa có thời gian sinh trưởng ngắn, chất lượng gạo ngon và năng suất cao.
Khi được đưa vào đồng đất Thanh Lương trong vụ mùa 2015, lúa sinh trưởng phát triển tốt, đẻ nhánh khá, số nhánh đẻ trung bình đạt 8 nhánh/khóm, bông dầy, dao động từ 220 – 230 hạt/bông, cá biệt có bông đạt 270 hạt (khá cao so với các giống lúa chất lượng).
Năng suất bình quân đạt khoảng 60 – 70 tạ/ha.
Giống có dạng hình cây cao, các đốt thân dài, đặc biệt thời gian sinh trưởng ở vụ mùa của Hương thơm Kinh Bắc ngắn, khoảng 97 – 99 ngày, ngắn hơn so với đối chứng HT1 là 9 ngày.
Còn tại Lục Yên (Yên Bái), qua một vụ trồng thử nghiệm giống Hương thơm Kinh Bắc, Trạm Khuyến nông huyện cho biết, người dân thâm canh 1 sào giống lúa Hương thơm Kinh Bắc tính, đầu tư 1.222.500 đồng, thu 1.650.000 đồng, thực lãi 427.500 đồng.
Mặc dù só hạt/bông đạt mức khá (dao động từ 180 – 190 hạt), tuy nhiên thời gian lúa trỗ bông, phơi màu gặp thời tiết bất thuận có mưa kéo dài, nên tỷ lệ lép cao (19%), vì thế chưa thể hiện hết được tiềm năng năng suất.
Dự kiến năng suất đạt khoảng 220 kg/sào.
Có thể bạn quan tâm

“Trong khi nhiều nông dân bám đồi, bám nương trồng sắn, trồng ngô quanh năm không đủ ăn thì gia đình anh Phạm Huy Khánh ở bản Rạng Đông lại mạnh dạn đầu tư vào chăn nuôi lợn thịt.

Trên thị trường hiện có hàng chục sản phẩm máy móc phục vụ nông nghiệp, đáp ứng nhu cầu sản xuất theo quy mô hộ gia đình. Đa số các loại máy móc này được chế tạo bởi những “nhà sáng chế” tay ngang bắt nguồn từ nhu cầu thực tế. Trong đó, nhiều cơ sở đã đầu tư theo hướng sản xuất chuyên nghiệp dòng hàng này.

Vụ dưa hấu năm nay nông dân than trời vì dưa ế, giá rẻ. Thảm cảnh này khiến nông dân sản xuất các loại nông sản khác thấp thỏm, âu lo. Nhất là khi bài toán đầu ra cho nông sản đến giờ vẫn còn bỏ ngỏ…

Với gần 1 triệu tấn lúa, trên 200 nghìn tấn ngô và hàng trăm nghìn tấn sắn sản xuất mỗi năm, Nghệ An được coi là địa phương có nguồn nông sản dồi dào. Thế nhưng, lượng nông sản này hầu như đang được tiêu thụ trên thị trường tự do với nhiều vấn đề bất cập, số “vào” được các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi trên địa bàn vẫn chưa nhiều.

Đến nay, huyện Di Linh (Lâm Đồng) đã hình thành hơn 100 trang trại sản xuất nông, lâm, thủy sản. Những trang trại này chủ yếu của những hộ nông dân cá thể, tự phát thành lập và đầu tư theo hướng sản xuất trang trại, áp dụng công nghệ mới trong việc nuôi, trồng và chăm sóc để đem lại hiệu quả kinh tế cao và bền vững hơn.