Hướng phát triển mới từ mô hình trồng dưa Kim Hoàng hậu

Tình cờ được nghe thông tin về mô hình trồng dưa Kim Hoàng hậu ở xã Khánh Trung và khi chưa chứng thực, chúng tôi vẫn còn hoài nghi. Nhưng khi đến mô hình trồng dưa của gia đình anh Phạm Văn Tiến tại thôn 2, xã Khánh Trung chúng tôi không khỏi ngạc nhiên và thực sự ấn tượng khi được tận mắt nhìn những quả dưa căng tròn, mũm mĩm, nằm phơi mình trên mặt ruộng. Những quả dưa đã chín có màu vàng tươi, da trơn, thỉnh thoảng có những đường khứa như là màng lưới, còn những quả chưa chín có màu trắng xanh, mượt mà.
Ruộng dưa sai chĩu quả, có dây 3 - 4 quả to đều như nhau nên mọi người đến thăm đều đùa vui ví dưa “lủn ngủn như lũ lợn con vậy”. Nhìn ruộng dưa thật đã mắt, nhưng khi nếm thử hương vị của loại dưa này trồng trên đồng đất Khánh Trung lại càng hấp dẫn hơn. Quả thực khi ăn vào mới thấy dưa trồng ở đây còn có vị ngon hơn cả dưa nhập khẩu, dưa giòn có vị ngọt thanh mát chứ không ngọt sắc, ăn miếng dưa ai cũng trầm trồ khen ngợi.
Nói về quá trình tìm và đưa cây dưa Kim Hoàng hậu về đồng đất của Khánh Trung, anh Tiến tâm sự: Hơn 2 mẫu ruộng này trước đây được gia đình tôi cấy lúa và trồng thêm cây vụ đông. Tuy nhiên qua nhiều năm sản xuất, hiệu quả không cao vì khu vực này khó khăn trong việc điều tiết nước. Nhiều đêm tôi trăn trở suy nghĩ không biết đưa cây gì, con gì phù hợp với điều kiện tự nhiên, đồng đất ở nơi đây mà lại cho hiệu quả kinh tế cao.
Qua thông tin từ các kênh báo, đài, Internet, tôi biết được cây dưa Kim Hoàng hậu (có xuất xứ Thái Lan) mà người dân hay mua về tiêu dùng hoặc làm quà biếu đã trồng thành công ở một số địa phương trong cả nước, đặc biệt là ở các tỉnh phía Bắc. Đây là giống dưa lê ngọt có xuất xứ từ Thái Lan, vỏ màu vàng, giòn, thơm, ngọt đang được thị trường rất ưa chuộng. Về kỹ thuật trồng cũng đơn giản như trồng các loại dưa khác, nhưng cho thu nhập cao hơn rất nhiều.
Sau khi tìm hiểu kỹ về đặc tính, sự thích nghi, kỹ thuật, năng suất, thị trường, hiệu quả... của cây dưa, tôi đã chủ động liên hệ với Công ty Hai Mũi Tên Đỏ, có địa chỉ tại tỉnh Bình Dương cung ứng giống và đề nghị tư vấn bài bản về quy trình kỹ thuật...
Trên cơ sở có giống, có kỹ thuật, anh bàn với gia đình tổ chức mua đất, cát tôn cao ruộng, tạo luống phù hợp. Mỗi luống dưa, anh kết hợp trồng thêm cây ăn quả lâu năm là cây hồng xiêm lai ghép. Ở vụ xuân năm nay là vụ đầu tiên trồng thử nghiệm nhưng gia đình anh đã mạnh dạn đưa giống dưa Kim Hoàng hậu vào trồng diện tích hơn 2 mẫu ruộng.
Sau hơn 2 tháng gieo hạt, cuối tháng 6 vừa qua, ruộng dưa bắt đầu cho thu hoạch, chất lượng không thua kém gì dưa nhập khẩu, giá bán tại vườn đạt 15 - 20 nghìn đồng/kg. Về giá trị kinh tế, anh Tiến nhẩm tính 1 sào dưa cho thu hoạch 8 tạ đến 1 tấn quả, mỗi sào có doanh thu từ 15 - 20 triệu đồng và mô hình của anh có thu nhập trên 100 triệu đồng sau khi trừ tất cả các chi phí.
Đây là khoản thu nhập khá lớn ở khu vực nông thôn và cao hơn rất nhiều so với cấy lúa. Anh Tiến cho biết thêm: Dưa có thể gieo trồng từ tháng 2 đến cuối tháng 9 dương lịch hàng năm, thời gian sau gieo trồng đến khi thu hoạch khoảng 65 đến 70 ngày (tùy vụ), nếu không trồng liên tục có thể trồng xen canh các cây rau màu ngắn ngày khác.
Qua một vụ sản xuất cho thấy, cây dưa Kim Hoàng hậu phù hợp với đồng đất ở Khánh Trung, kỹ thuật trồng, kỹ thuật chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh rất đơn giản. Có thể nói rằng, kỹ thuật trồng dưa Kim Hoàng hậu như dưa Lê nhân dân hay trồng. Cây dưa ít sâu bệnh, sai quả, trọng lượng quả đạt trên 2kg, quả tròn hoặc hình oval, khi chín có màu vàng, ruột cũng màu vàng, mùi thơm, vị ngọt.
Đặc biệt, giống dưa này sau khi thu hoạch chỉ cần để ở nơi khô ráo, thoáng mát có thể bảo quản được gần 1 tháng mà không mất đi vị thơm, ngon. Vì là loại dưa được người tiêu dùng ưa chuộng và để được lâu nên hiện nay thị trường tiêu thụ giống dưa này rất dễ dàng, chỉ cần gọi điện thông báo ngày thu hoạch thương lái sẽ đánh xe ô tô đến tận đầu ruộng thu mua.
Trong những năm tới, anh Tiến mong muốn được các cấp, các ngành ủng hộ, tạo điều kiện mở rộng diện tích trồng dưa Kim Hoàng hậu, đồng thời với kinh nghiệm của mình, anh sẵn sàng hướng dẫn giúp bà con nông dân về kỹ thuật gieo trồng để cùng nhau làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.
Hiệu quả mô hình trồng dưa Kim Hoàng hậu của gia đình anh Phạm Văn Tiến đã mở ra hướng phát triển sản xuất mới, có thu nhập cao, giải quyết việc làm cho nhiều người.
Có thể bạn quan tâm

Những năm qua nhờ phát triển cây cao su nên cuộc sống của nhiều hộ gia đình ở Quảng Trị đã được nâng lên đáng kể. Thế nhưng, thời gian gần đây giá mủ cao su giảm mạnh đã làm cho người trồng cao su phải lao đao. Trước thực trạng đó Sở Nông nghiệp và PTNT cùng với các công ty chế biến cao su trong tỉnh đã chủ động tìm hướng đi mới, đồng hành cùng người dân vượt qua giai đoạn khó khăn tạm thời, hướng đến sự phát triển bền vững...

Huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị hiện có trên 4.800 ha cà phê chè catimor, trong đó có gần 4.500 ha đang trong thời kỳ cho thu hoạch. Với doanh thu bình quân hàng năm trên 300 tỷ đồng, cây cà phê đã mang đến cho người dân địa phương nhiều điều tốt đẹp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo bền vững.

Doanh số cho vay của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh Thái Nguyên là 5.810 tỷ đồng; tổng dư nợ đến ngày 31-12-2014 là 4.146 tỷ đồng, chiếm 73,2% tổng dư nợ. Trong đó, doanh nghiệp vay 617 tỷ đồng; hộ sản xuất vay 3.529 tỷ đồng với 49.786 khách hàng.

Tuyến kênh N4A (dài hơn 1 km) chạy qua các xóm Lượt 1, Lượt 2 và tuyến kênh nhánh qua xóm Cầu Đá, Cây Thị, xã Thịnh Đức (T.P Thái Nguyên) mới được Công ty TNHH Một thành viên Khai thác thủy lợi Thái Nguyên đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng cuối năm 2014.

Ông Tự cho biết tàu PY-90235-TS xuất bến vào rằm tháng 11 âm lịch, dự kiến ăn Tết ngoài biển nhưng vì trúng cá nên ông cho tàu vào sớm để bạn thuyền đón năm mới cùng gia đình. Chưa bán cá nhưng ông Tự nhẩm tính với giá 145.000 đồng/kg, mỗi con câu được đều trên 50 kg, trừ chi phí, mỗi bạn thuyền được chia khoảng 10 triệu đồng. Riêng ông là chủ tàu sẽ có lãi khoảng 60 triệu đồng.