Hướng Phát Triển Mới Cho Đàn Heo Ở Châu Thành (Đồng Tháp)

Trong lúc người chăn nuôi heo đang loay hoay với bài toán thị trường thì việc liên kết tiêu thụ sản phẩm giữa Hợp tác xã (HTX) chăn nuôi heo Phú Bình với Công ty TNHH MTV Việt Nam kỹ nghệ súc sản (Vissan) giúp người nuôi an tâm phát triển đàn heo.
Hiệu quả từ mô hình liên kết
Ông Nguyễn Văn Thắng - người có kinh nghiệm hơn 20 năm nuôi heo ở ấp Phú Hòa, xã Phú Long, huyện Châu Thành (Đồng Tháp) cho biết: “Khi tham gia HTX, áp dụng quy trình chăn nuôi heo theo yêu cầu của Công ty Vissan và được bao tiêu sản phẩm, gia đình tôi tránh được cảnh giá cả bấp bênh. Gia đình tôi đã xuất bán cho công ty 2 đợt, mỗi lần khoảng 40-50 con heo, với giá 44.500 đồng/kg, cao hơn bên ngoài khoảng 1.500 đồng/kg, nếu so với hình thức bán qua thương lái trước đây, giá cả ổn định và lợi nhuận cao hơn rất nhiều”.
Cũng là một “lão làng” trong nghề nuôi heo và là thành viên trong Ban quản trị HTX, ông Chế Văn Mười - Phó Giám đốc HTX chăn nuôi Phú Bình cho biết: “Mỗi năm nhà tôi nuôi 30 heo nái và hơn 200 con heo thịt. Những năm gần đây do giá heo bấp bênh cùng với giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, nên gia đình tôi không khỏi lao đao với nghề. Tuy nhiên, từ khi tham gia hợp đồng liên kết với Công ty Vissan, được bao tiêu sản phẩm và mua thức ăn của Công ty thức ăn chăn nuôi Anova theo giá sỉ nên so ra lợi nhuận cao hơn nhiều so với trước đây. Hiện tôi không còn phải bận tâm đến đầu ra mà chỉ tập trung vào việc nâng cao chất lượng đàn heo”.
Theo hợp đồng ký kết với Công ty Vissan, từ tháng 9 đến hết tháng 12/2013, HTX chăn nuôi heo Phú Bình sẽ cung cấp 20.000 con heo thịt cho đơn vị, với điều kiện khá cao đó là HTX phải thực hiện quy trình chăn nuôi chặt chẽ từ khâu con giống, thức ăn gia súc, thuốc thú y, vệ sinh chuồng trại và quy trình chăn nuôi tiên tiến, có hồ sơ theo dõi chi tiết, có thể truy xuất được từng khâu trong quá trình chăn nuôi. Theo Ban quản trị HTX chăn nuôi Phú Bình, việc liên kết tiêu thụ heo với Công ty Vissan là điều kiện thuận lợi để người chăn nuôi heo ở địa phương tiêu thụ sản phẩm một cách dễ dàng. Tuy nhiên, hoạt động chăn nuôi của phần lớn người dân địa phương vẫn chưa đáp ứng tốt nhu cầu của nhà chế biến, do vậy để tiến tới liên kết bền vững HTX đang đề ra nhiều giải pháp phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững.
Hướng đến đảm bảo chất lượng sản phẩm
Ông Ngô Phi Dũng - Giám đốc HTX chăn nuôi heo Phú Bình cho biết: Tuy các yêu cầu của công ty đề ra người chăn nuôi đều đáp ứng được, nhưng để liên kết ngày càng bền vững, HTX đang có kế hoạch và định hướng tất cả xã viên, đồng thời động viên người dân hướng đến các giải pháp nâng cao chất lượng bằng cách cải tiến con giống, vận động người nuôi thực hiện tiêm phòng dịch bệnh cho đàn heo, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, kiểm soát đầu vào, đầu ra nhằm tạo ra sản phẩm từ trang trại đến bàn ăn đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Bên cạnh việc HTX củng cố hoạt động chăn nuôi heo theo hướng bền vững, từng bước thay đổi ý thức của các xã viên nhằm phát triển sản xuất theo hướng công nghiệp thì huyện Châu Thành cũng tính đến phương án tận dụng các loại phụ phẩm từ các làng bột truyền thống để phát triển nghề chăn nuôi một cách có hiệu quả. Ông Huỳnh Minh Phụng - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành cho biết, để việc liên kết ngày càng bền vững, đồng thời phát triển ổn định làng nghề làm bột truyền thống của địa phương, huyện đang nghiên cứu công thức phối trộn thức ăn nhằm tăng tỷ lệ nạc trên đàn heo với mục đích vừa đảm bảo được sự ổn định của các làng nghề truyền thống địa phương, vừa đáp ứng tốt yêu cầu chất lượng sản phẩm của nhà chế biến.
Theo ông Phan Kim Sa - Phó Giám đốc Sở Công Thương Đồng Tháp, việc liên kết tiêu thụ heo với Công ty Vissan hứa hẹn hướng đi mới cho chuỗi sản xuất liên quan đến đàn heo của địa phương. Tuy nhiên, yêu cầu đặt ra của đối tác chính là quy trình chăn nuôi khép kín, đảm bảo các vấn đề về vệ sinh an toàn thực phẩm và chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn chế biến. Do vậy để tận dụng cơ hội này, công tác tổ chức sản xuất chăn nuôi của địa phương còn rất nhiều việc phải đẩy mạnh, riêng về phía Sở Công Thương, trước mắt sẽ hướng dẫn cho HTX xây dựng phương án để vay được nguồn vốn của quỹ hỗ trợ phát triển cho xã viên HTX. Về lâu dài, Sở sẽ hướng dẫn HTX xây dựng kế hoạch dài hạn, xây dựng chiến lược kinh doanh dài hạn để tiến lên hình thành trang trại của HTX, tổ chức đào tạo tập huấn và tổ chức hướng dẫn để hưởng thụ được các chính sách cũng như nguồn vốn của các đơn vị khác.
Có thể bạn quan tâm

Những năm qua, nhất là kể từ sau khi triển khai thực hiện Đề án tôm - lúa, diện tích nuôi tôm quảng canh cải tiến (QCCT) trong toàn tỉnh không ngừng tăng lên.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Kiên Giang, quy hoạch đến năm 2015, tổng diện tích nuôi tôm công nghiệp của tỉnh là 20.000 ha, tập trung ở 2 huyện Kiên Lương và Giang Thành, trong đó kế hoạch năm 2013 này thả nuôi khoảng 2.000 ha.

Điện Biên được đánh giá có tiềm năng và lợi thế trong phát triển kinh tế nông nghiệp. Ngoài được thiên nhiên ưu đãi về thổ nhưỡng, điều kiện tự nhiên, thì tỉnh ta còn có nguồn nhân lực dồi dào. Song, giải pháp nào để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, nhất là nông nghiệp “mũi nhọn” cho địa phương - ngành “trụ cột” của tỉnh nhà là bài toán nan giải…

Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) vừa tổng kết mô hình “Cánh đồng mẫu lớn” tại xã Vĩnh Nhuận (Châu Thành - An Giang). Mô hình có 116 nông dân tham gia sản xuất 217 héc-ta lúa đều đạt lợi nhuận tăng thêm khoảng 2 triệu đồng/héc-ta.

Xã Mường Đăng, huyện Mường Ảng là một trong nhiều địa phương ở tỉnh ta đang chờ phê duyệt Đề án xây dựng Nông thôn mới. Hầu hết các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới xã đều chưa triển khai thực hiện được. Song từ thực tế hiện nay, một số tiêu chí xã có thể triển khai ngay mà không cần đợi phê duyệt, đó là một số mục tiêu trong tiêu chí thứ 17 về xây dựng môi trường nông thôn.