Hướng Đi Nào Cho Thanh Long Bình Thuận?

Thị trường thu hẹp, giá thanh long sụt giảm, chất lượng giảm thấp đang gây ra nhiều khó khăn cho người dân.
Hiện nay, người trồng thanh long tại Bình Thuận chưa kịp mừng vì có thêm thị trường mới là New Zealand thì lại phải đối mặt với nguy cơ giá thanh long sụt giảm và dịch bệnh phá hoại.
Từ đầu tháng 5, giá thanh long tại Bình Thuận đã có dấu hiệu sụt giảm trở lại. Hiện các cơ sở thu mua thanh long mua vào với giá từ 15.000 - 20.000 đồng/kg tùy loại. Chất lượng trái thanh long vào cuối mùa điện cũng đã bắt đầu đi xuống do tình trạng đốm trắng và rầy xuất hiện sau đợt mưa vừa rồi.
Thêm nữa, tình hình buôn bán theo đường tiểu ngạch với Trung Quốc có dấu hiệu chững lại, nhiều xe hàng của Việt Nam đang bị ách tại cửa khẩu nên các doanh nghiệp thu mua chỉ làm cầm chừng hoặc tạm nghỉ chứ không thu mua mạnh như thời gian trước.
Bà Huỳnh Thị Ngoảnh, chủ doanh nghiệp kinh doanh thu mua xuất khẩu thanh long Thành Trung cho biết, doanh nghiệp của bà đang kinh doanh thua lỗ nên chỉ hoạt động cầm chừng. Đón nhận tin có thêm thị trường New Zealand cho phép nhập khẩu thanh long, doanh nghiệp bà không mặn mà lắm vì những tiêu chuẩn quá khó.
“Làm thị trường mới gần như là không thể vì có đến 10 doanh nghiệp cũng khó có thể có 1 doanh nghiệp tiếp cận được. Thứ nhất do tiêu chuẩn quá cao, thứ hai là không có tiền”, bà Huỳnh Thị Ngoảnh nói.
Trong khi đó, ở khắp nơi trong tỉnh Bình Thuận, người dân vẫn tiếp tục trồng mới cây thanh long. Đón nhận thông tin bất lợi về tương lai của thanh long nhưng nhiều người dân vẫn không quan tâm bởi lợi ích trước mắt quá lớn.
Anh Nguyễn Hữu Hoàng, thôn Phú Xuân, xã Hàm Mỹ, Hàm Thuận Nam, Bình Thuận cho biết, tại các vựa thanh long, bà con vẫn e ngại việc giảm giá, nhưng cuộc sống của bà con nhờ cây thanh long nên vẫn làm.
Anh Nguyễn Văn Sáu, chủ nhân của vườn thanh long hơn 3.000 trụ nhưng không làm hàng điện, chỉ mong chờ vào vụ mùa sắp tới, cho biết, vào đầu vụ, hi vọng giá thanh long giữ ở mức 10.000/kg. Anh Sáu cũng hy vọng có thị trường mới để mở rộng, phát triển trái thanh long.
Diện tích thanh long toàn tỉnh Bình Thuận hiện nay là hơn 20.500 ha, trong đó có 18.600 ha đang cho sản phẩm. Việc có thêm thị trường New Zealand là điều đáng mừng, nhưng thực tế cho thấy, để xâm nhập vào thị trường này hay các thị trường khác như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu là rất khó vì phải tuân thủ theo các qui trình sản xuất sạch và chiếu xạ, xử lý dịch hại bằng phương pháp hơi nước nóng…
Ông Mai Kiều, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Thuận cho biết, hiện nay việc phải lo đầu ra, đầu vào và bốn nhà liên kết thế nào để đảm bảo đời sống của nông dân luôn là nỗi trăn trở của các cấp ban ngành trong tỉnh. Tỉnh đang tìm thị trường mới tại Mỹ, Nhật, New Zealand… bởi hiện nay 85% thanh long vẫn xuất khẩu tiểu ngạch đi Trung Quốc.
Vấn đề đặt ra hiện nay là ngoài việc tìm thị trường tiêu thụ mới thì địa phương cần phải quan tâm, điều chỉnh lại diện tích thanh long hợp lí. Vừa qua, các địa phương trong tỉnh cũng đã xử phạt nhiều hộ trồng mới thanh long trên đất lúa…
Thêm vào đó, tỉnh Bình Thuận cần quan tâm hơn nữa đến các biện pháp nâng cao chất lượng trái thanh long, sản xuất thanh long an toàn theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGap…Có như thế thương hiệu thanh long Bình Thuận mới có thể vươn xa trên thị trường thế giới.
Có thể bạn quan tâm

Một vài con sông ở huyện Thanh Bình (Đồng Tháp) mấy hôm nay xuất hiện nhiều bắp cải trôi lềnh phềnh. Nông dân xã Tân Bình giải thích, do giá quá rẻ, thu hoạch xong không có người mua nên bà con đổ xuống sông.

Hiện nay, nhiều hộ nông dân vùng cù lao huyện Phú Tân đang tiếp tục đẩy mạnh nghề nuôi cá tra ao, hầm. Hai xã Hòa Lạc và Phú Bình có hơn 150 hộ, với gần 200 ha đất mặt nước nuôi cá ao, hầm. Hàng ngày các hộ nuôi cứ mặc tình thải lượng nước khổng lồ ra sông một cách vô tội vạ…

Sau cơn bão số 10, ngân sách tỉnh đã cấp ban đầu cho TX. Hoàng Mai gần 13,7 tỷ đồng. Đến nay, thị xã đã phân bổ về các phường, xã để kịp thời hỗ trợ người dân. Chính sách hỗ trợ của Nhà nước về giống cây trồng, vật nuôi, giống thủy, hải sản đối với vùng gặp thiên tai, dịch bệnh đã phần nào giúp người dân nơi đây vượt qua khó khăn.

Đối với bà con nông dân, ngô vụ đông góp phần làm dồi dào thêm nguồn nông sản để phát triển chăn nuôi hàng hóa. Tuy nhiên, ngô vụ đông chín muộn, năng suất, sản lượng thấp đang khiến người nông dân đối mặt với nhiều khó khăn...

Bệnh loét phá hại cây ăn quả thường làm rụng quả và lá, cây cằn cỗi chóng tàn. Ở vườn ươm, khi bị bệnh nặng cây con dễ chết, quả bị bệnh phẩm chất kém không thể xuất khẩu và cất trữ được. Ở nước ta, bệnh phá hại phổ biến tại tất cả các vùng trồng cây ăn quả có múi gây thiệt hại đáng kể cho người trồng, làm ảnh hưởng lớn tới nguồn hàng xuất khẩu.