Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Hướng Đi Nào Cho Cây Quýt Đường ?

Hướng Đi Nào Cho Cây Quýt Đường ?
Ngày đăng: 07/08/2014

Trước những thách thức đặt ra đối với cây quýt đường, hiện ngành chức năng đã đưa ra nhiều giải pháp. Đặc biệt, không ít nhà vườn có tâm huyết tại xã Long Trị đang làm mọi cách để tìm lại vị ngọt vốn có của trái quýt đường bằng những kinh nghiệm của mình.

Một trong những giải pháp để nâng cao chất lượng trái quýt đang được nhà vườn thực hiện trong lúc này là tìm cách quay lại với cây quýt chiết như ngày xưa. Điển hình là ông Nguyễn Hiền Triết, nhà vườn ở ấp 8, xã Long Trị. Hiện ông còn một số cây quýt có nguồn gốc từ xưa đến nay, ông tiến hành chiết ra và đem trồng thay thế dần 6 công quýt ghép của mình.

Ông Triết cho hay: “Không riêng gì tôi mà hiện có nhiều nhà vườn nơi đây cũng có ý thức thay thế quýt ghép thành quýt chiết. Tuy trồng quýt ghép nhưng hầu hết vườn nhà nào cũng có khoảng 5-10 cây quýt hồi xưa còn lại. Nếu như dùng phương pháp chiết từ các cây này thì dần dần có thể thay thế cây quýt ghép đang thịnh hành”.

Trồng quýt chiết, bón phân hữu cơ là những giải pháp mà ông Đước và nhiều nhà vườn đang thực hiện.

Bên cạnh việc quay lại trồng quýt chiết, theo khuyến cáo của ngành chuyên môn, nhà vườn cần kết hợp tốt trong khâu chăm sóc. Nghĩa là nên hạn chế việc bón phân hóa học, nhất là phân urê mà nên tăng cường bón kali để tăng độ ngọt cho trái quýt, đồng thời kết hợp sử dụng phân hữu cơ như: phân gà, vịt, bò, cỏ,… Không bắt cây ra hoa quanh năm mà hãy để cho cây ra tự nhiên kết hợp trồng thưa, tỉa cành để trái to, đẹp.

Một trong những người làm tốt việc sử dụng phân hữu cơ thay thế phân hóa học là ông Lâm Văn Đước, thành viên HTX quýt đường Long Trị, khi ông đang dùng phân gà, vịt, cá ủ để làm phân hữu cơ bón và tưới cho quýt. Theo ông Đước, tuy phân cho tác dụng chậm, trái không có độ lớn như quýt ghép nhưng độ ngọt và bóng không thua gì ngày xưa.

Ông Đước chia sẻ: “Cách làm của tôi là muốn giữ chất lượng trái quýt chứ không chạy theo số lượng. Khi ăn quýt không chỉ có vị ngọt mà là ngọt thanh và thơm ngon. Mặc dù trái nhỏ nhưng chính hiệu là quýt đường Long Trị”.

Chủ nhiệm HTX quýt đường Long Trị Nguyễn Văn Út, cho biết: “HTX đã vận động các thành viên cũng như bà con bên ngoài tiếp tục nhân giống cây quýt chiết để hướng tới chất lượng, hiệu quả và khẳng định được nhãn hiệu của quýt đường Long Trị.

Riêng những hộ đang trồng quýt ghép thì trong khâu chăm sóc cần bón nhiều kali và để quýt chín vàng mới thu hoạch. Có như vậy, chất lượng trái quýt sẽ được cải thiện”.

Ngoài giải pháp tìm lại vị ngọt cho trái quýt đường, hiện người dân cũng đã quan tâm đến kỹ thuật canh tác nhằm hạn chế tình hình dịch bệnh bùng phát như hiện nay.

Theo đó, những vườn quýt bị nhiễm bệnh, ngành chuyên môn khuyến cáo nông dân sau khi đốn quýt bỏ thì không nên trồng lại ngay vì mầm bệnh còn trong môi trường khá nhiều, nếu trồng liền thì sau này cây tiếp tục bị bệnh.

Do đó, có thể ngưng trồng quýt một thời gian mà chuyển sang trồng cây khác để cải tạo lại đất và cách ly mầm bệnh. Đến khi trồng quýt lại nên hạn chế sử dụng giống trôi nổi, quan tâm đến giống có nguồn gốc.

Hiện nay, UBND tỉnh đã công bố dịch bệnh vàng lá gân xanh trên cây cam sành, do đó, giải pháp trong công tác quản lý cây giống thời gian tới đây cũng được tính đến. Ngành nông nghiệp tỉnh sẽ chọn một số điểm để có hướng đầu tư sản xuất cây giống sạch bệnh, cung ứng nhà vườn.

Riêng đối với rầy chổng cánh, biện pháp chăm sóc nhằm hạn chế rầy tấn công là cho cây ra lá non đồng loạt, sau đó phun thuốc diệt rầy, khi lá quýt già thì rầy không thể tấn công được nữa.

Ông Trần Ngọc Thể, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, cho rằng: Để sản xuất quýt đường đạt hiệu quả thì trước tiên, nông dân cần thiết kế lại vườn quýt của mình như thế nào để điều tiết được lượng nước, tránh ngập úng.

Dù cho tháng mưa hay nắng thì mực nước dưới mương cách mé bờ khoảng 4cm là tốt nhất. Bên cạnh đó, cần trồng cây chắn gió xung quanh vườn để hạn chế bớt số lượng rầy chổng cánh từ nơi khác bay đến.

Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Nguyễn Văn Đồng, cho biết: Hiện nay, chất lượng quýt đường đã phần nào bị giảm và dịch bệnh cũng đang đe dọa đến nhiều diện tích quýt đường.

Do đó, khi có chương trình đầu tư cho 10 mặt hàng nông sản chủ lực thì ngành nông nghiệp sẽ kèm theo một quy trình hướng dẫn kỹ thuật canh tác cho người dân phù hợp để trồng đạt hiệu quả. Khi đó, đề nghị nhà vườn cần có sự phối hợp và tham gia chặt chẽ để đảm bảo khi thu hoạch quýt ngoài đạt về số lượng thì chất lượng vẫn đảm bảo để giữ vững được nhãn hiệu quýt đường Long Trị của Hậu Giang. 

Quyết tâm khôi phục trái quýt đường của ngành nông nghiệp tỉnh và người dân, tin rằng trong thời gian không lâu tình hình dịch bệnh trên cây quýt đường sẽ không còn, trái quýt đường sẽ tìm lại vị ngọt vốn có của nó trong lòng người tiêu dùng...


Có thể bạn quan tâm

Xã An Phú (TP Tuy Hòa - Phú Yên) Ổn Định Cuộc Sống Nhờ Nuôi Bò Lai Xã An Phú (TP Tuy Hòa - Phú Yên) Ổn Định Cuộc Sống Nhờ Nuôi Bò Lai

Nhờ nuôi cho lãi cao, ít dịch bệnh nên nhiều người dân ở xã An Phú (TP Tuy Hòa - Phú Yên) tập trung đầu tư phát triển đàn bò lai, góp phần ổn định cuộc sống.

02/06/2014
Thanh Hóa Xóa Đói, Giảm Nghèo Nhờ Trồng Ớt Thanh Hóa Xóa Đói, Giảm Nghèo Nhờ Trồng Ớt

Vài năm trở lại đây, cây ớt xuất khẩu đã trở thành một trong những cây trồng hàng hóa có hiệu quả kinh tế thuộc loại cao nhất trên các xứ đồng trong tỉnh Thanh Hóa. Nhiều địa phương đã liên hệ với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để ký hợp đồng trồng ớt cho các doanh nghiệp. Nông dân cũng có lãi cao và đem lại thành công trong việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng.

02/06/2014
Nông Dân “Vàng Mắt” Trước Mùa Thu Hoạch Cao Su Nông Dân “Vàng Mắt” Trước Mùa Thu Hoạch Cao Su

Mùa thu hoạch cao su đã đến nhưng hầu hết các hộ dân vẫn băn khoăn có nên tái đầu tư để mở miệng cạo hay không. Giá mủ hiện đã xuống thấp nhất trong gần 10 năm qua, dao động từ 280 đến 330 đồng/độ.

02/06/2014
Ân Tường Tây Chống Hạn Cho Cây Chè Gò Loi Ân Tường Tây Chống Hạn Cho Cây Chè Gò Loi

Từ năm 2012 đến nay, người dân xã Ân Tường Tây (huyện Hoài Ân) đã khôi phục cây chè Gò Loi với diện tích gần 15 ha. Tuy nhiên, do nắng hạn gay gắt, nguồn nước tưới không có, nhiều diện tích chè mới trồng đã bị chết. Trước tình hình này, huyện Hoài Ân đã hỗ trợ kinh phí để nhân dân Ân Tương Tây chống hạn cho cây chè.

02/06/2014
Dội Chợ, Giá Trái Cây Giảm Mạnh Dội Chợ, Giá Trái Cây Giảm Mạnh

Ghi nhận tại nhiều nhà vườn cho thấy thanh long ruột đỏ hiện chỉ còn 8.000-10.000 đồng/kg so với mức giá 90.000 đồng/kg cách nay hai tháng do liên tục rớt giá không phanh. Tương tự, thanh long ruột trắng hiện chỉ còn hơn 2.000-6.000 đồng/kg tùy loại, giảm mạnh so với mức giá khoảng 15.000 - 30.000 đồng/kg trước đó.

02/06/2014