Hướng Đi Mới Từ Nuôi Hàu Lồng

Mấy năm trước, nhiều hộ nghèo ở xã Đất Mũi (huyện Ngọc Hiển, Cà Mau) phải bỏ xứ đi làm thuê kiếm sống, nhưng từ khi HTX Hàu lồng ra đời (năm 2007), người nghèo nơi đây đã tìm được hướng đi mới…
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Hoàng Hôn - Chủ nhiệm HTX Hàu lồng xã Đất Mũi cho biết, trước khi thành lập HTX, chính quyền địa phương có cử một số cán bộ ra Vũng Tàu học hỏi mô hình nuôi hàu lồng để về thử nghiệm tại địa phương.
“Kết thúc chuyến tham quan đó, chúng tôi được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Ngọc Hiển cho vay 70 triệu đồng để mua con giống về nuôi nhưng một thời gian sau hàu giống mua ở Vũng Tàu chết hết do không thích nghi được với điều kiện của Đất Mũi”- ông Hôn nhớ lại.
Với quyết tâm làm bằng được, từ đồng vốn nhỏ ban đầu, ông Hôn đã đi lùng mua được 17 tấn hàu giống trên địa bàn mang về thả nuôi, 6 tháng sau thu hoạch bán được 130 triệu đồng. Sau thành công này, ông Hôn đã đề xuất với địa phương thành lập HTX Hàu lồng Đất Mũi. “Ban đầu, HTX chỉ có 1 bè nuôi hàu, cứ thế tích lũy dần, có tiền lại đầu tư bè nuôi kế tiếp.
Đến nay, HTX đã có gần 50 xã viên với 17 bè nuôi đặt tại ấp Lạch Vàm, trung bình mỗi vụ thả trên 200 tấn hàu giống, vốn điều lệ cũng tăng từ 900 triệu đồng lên gần 5 tỷ đồng” - ông Nguyễn Văn Phương - Phó Chủ nhiệm HTX Hàu lồng Đất Mũi nói.
“Vụ vừa qua, HTX thu hoạch được hơn 500 tấn hàu thương phẩm, trừ chi phí lãi hơn 4 tỷ đồng” - ông Hôn cho biết. Ông Ngô Minh Toại - Chủ tịch UBND xã Đất Mũi cho biết: Là xã ven biển nên nhiều hộ gia đình ở Đất Mũi không có đất sản xuất, phải sống dựa vào biển hoặc khai thác gỗ rừng trái phép để hầm than.
Vì thế, mô hình HTX hàu lồng là hướng đi đúng, góp phần khai thác tốt tiềm năng của địa phương và giúp người dân vươn lên.
Có thể bạn quan tâm

Nuôi kết hợp một ao tôm, một ao cá rô phi không những mang lại hiệu quả kinh tế cao do khống chế được dịch bệnh trên tôm mà còn góp phần đa dạng hóa sản phẩm thủy sản xuất khẩu của Việt Nam. mô hình này đang được Công ty CP tập đoàn thủy sản Minh Phú (Minh Phú) tích cực triển khai.

Sau 5 tháng triển khai, “Chuỗi liên kết cá tra – Tafishco” – mô hình thí điểm đầu tiên ở ĐBSCL và trong cả nước đã mang lại nhiều tín hiệu rất khả quan. Vụ mùa đầu tiên đã được thu hoạch với mỗi kg cá công ty bao tiêu với giá 24.300đ/kg, sau khi trừ chi phí, nông dân đạt lợi nhuận trên 2.000đ – mức lợi nhuận được xem là tốt nhất trong vài năm trở lại đây.

Ngay từ đầu năm 2014, các ngành của huyện Quảng Xương (Thanh Hóa) đã chỉ đạo các xã, doanh nghiệp và ngư dân ở các địa phương ven biển chủ động khắc phục khó khăn, tập trung chuyển đổi cơ cấu nghề, áp dụng các công nghệ mới vào khai thác thủy sản, góp phần nâng cao đời sống của bà con ngư dân.

Năm 2014, tỉ lệ thiệt hại trên tôm nuôi của tỉnh Sóc Trăng khá cao (trên 41%), tuy nhiên sản lượng vẫn đạt trên 80.000 tấn theo kế hoạch đề ra. Kết quả ấy là do người nuôi tôm đã chuyển đổi cơ cấu giống từ nuôi tôm sú sang tôm thẻ chân trắng một cách hợp lý.

Ngày đầu tuần tháng 1, sau chuyến đi biển cuối năm gặp trục trặc về máy móc, tàu câu mực lớn nhất Đà Nẵng ĐNa 90567 được ngư dân Trần Văn Mười cho lên đà bảo dưỡng. Phút rảnh rỗi, Trần Văn Mười tâm sự: “Tuy năm nay mất mùa mực, song giá mực cao hơn năm ngoái khoảng 25.000 đồng/kg, nên thu nhập cũng khá cao so với các nghề khác.