Hướng đi bền vững cho nghề câu cá ngừ đại dương

Hoạt động theo chuỗi liên kết
Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT), điểm yếu của khai thác cá ngừ Việt Nam là khâu khai thác, bảo quản sản phẩm sau thu hoạch và quản lý thị trường. Nguồn lợi và năng lực sản xuất cá ngừ của Việt Nam còn nhiều tiềm năng, nhưng thời gian qua, cá ngừ chưa được xác định là đối tượng chủ lực, có giá trị kinh tế đối với tổ chức đánh bắt cũng như phát triển ngành sản xuất, chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu.
Bộ NN-PTNT đã triển khai đề án Thí điểm tổ chức khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi tại 3 tỉnh Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa nhằm hướng tới mục tiêu khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững nguồn lợi cá ngừ đại dương, hài hòa lợi ích cho các bên tham gia. Tinh thần chung là sẽ tập trung nguồn lực để tạo ra liên kết chặt chẽ theo chuỗi giữa các khâu, đảm bảo giá trị kinh tế.
Mới đây, UBND tỉnh Phú Yên đã ra quyết định công bố đề án Thí điểm chuỗi liên kết khai thác, thu mua, chế biến và tiêu thụ cá ngừ do Công ty cổ phần Bá Hải làm trung tâm. Theo đó, từ nay đến năm 2016, doanh nghiệp này đóng mới 5 tàu sắt, mỗi tàu có công suất 1.100CV để khai thác kết hợp làm dịch vụ hậu cần.
Tại nhà máy, Công ty cổ phần Bá Hải sẽ đầu tư và áp dụng công nghệ cấp đông tiên tiến của Nhật Bản (công nghệ CAS) để bảo quản sản phẩm đạt tiêu chuẩn cao… Ông Nguyễn Hữu Phát, chủ tàu câu cá ngừ đại dương PY96346TS ở phường Phú Đông (TP Tuy Hòa), cho biết: “Lâu nay, khâu bảo quản cá ngừ đại dương sau thu hoạch là khâu yếu của ngư dân, trong khi chuyến đánh bắt kéo dài gần cả tháng nên giá trị sản phẩm vào đến bờ rất thấp. Nếu có dịch vụ thu mua cá trên biển thì ngư dân rất phấn khởi vì cá đạt chất lượng, giá cao…”.
Hiện Công ty cổ phần Bá Hải đã ký hợp đồng với 8 tổ, đội sản xuất trên biển gồm 72 chủ tàu câu cá ngừ đại dương của ngư dân TP Tuy Hòa. Công ty cổ phần Bá Hải chịu trách nhiệm hướng dẫn ngư dân kỹ thuật khai thác, sơ chế, bảo quản theo phương pháp mới và bao tiêu toàn bộ sản phẩm với giá bằng hoặc cao hơn giá thị trường cùng thời điểm.
Ông Lê Văn Hồng, Giám đốc Công ty cổ phần Bá Hải, cho biết: “Công ty sẽ trang bị cho mỗi tàu câu tham gia đề án thí điểm một bộ thiết bị gây tê cá ngừ kể cả thùng lạnh ướp cá và chuyển giao công nghệ sơ chế, bảo quản theo phương pháp mới của công ty. Trước mắt, do chưa kịp đóng mới tàu dịch vụ hậu cần nên công ty sẽ ký hợp đồng với mỗi tổ, đội sản xuất cử ra một tàu để làm nhiệm vụ vừa khai thác vừa chuyển số cá của cả tổ, đội đánh bắt trong vòng 5 đến 7 ngày vào bờ. Về lâu dài, công ty sẽ phối hợp với ngư dân thành lập hợp tác xã khai thác, dịch vụ nghề cá và hỗ trợ ngư dân đầu tư ngư lưới cụ để sản xuất đa nghề trên biển và bao tiêu các sản phẩm này (câu cá ngừ đại dương kết hợp với lưới cá chuồn, cá ngừ sọc, mực xà đại dương…)”.
Cần đầu tư đồng bộ
Ông Lê Văn Hồng kiến nghị: “Tỉnh nên sớm hỗ trợ đào tạo cho ngư dân và doanh nghiệp các tiến bộ khoa học kỹ thuật về công nghệ khai thác và bảo quản cá ngừ. Hỗ trợ ngư dân tham gia chuỗi liên kết được vay vốn đóng mới tàu công suất lớn và cải hoán, nâng cấp tàu cũ, mua sắm ngư lưới cụ khai thác theo công nghệ mới. Đề nghị tỉnh quan tâm giải quyết để công ty vay vốn đóng mới tàu sắt theo đề án. Tỉnh và Trung ương nên sớm đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng nghề cá như cảng cá ngừ chuyên dụng, chợ đấu giá cá ngừ…”.
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Tri Phương, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Phú Yên, cho hay: “Sở NN-PTNT đã có kế hoạch mở các lớp đào tạo nghề cho ngư dân, ngư dân nào có nhu cầu thì đăng ký. Rất mong doanh nghiệp và ngư dân tham gia chuỗi liên kết này hoạt động có hiệu quả”.
Theo Tổng cục Thủy sản, kế hoạch trong năm 2015 là nâng cao nhận thức của ngư dân trong việc ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ về khai thác, bảo quản sản phẩm cá ngừ và tổ chức hợp tác liên kết sản xuất, tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi. Đồng thời tổ chức khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi liên kết hợp lý trên cơ sở tiếp nhận, chuyển giao công nghệ, kỹ thuật khai thác, bảo quản sản phẩm tiên tiến của Nhật Bản kết hợp với kinh nghiệm và thực tiễn sản xuất của ngư dân…
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám đề nghị các địa phương cần ưu tiên triển khai các mô hình và tập huấn kỹ thuật khai thác, bảo quản sản phẩm sau thu hoạch cho các thành viên tàu tham gia mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi. Triển khai hợp tác quốc tế trong hoạt động kêu gọi đầu tư, chuyển giao công nghệ khai thác, bảo quản sản phẩm, đồng thời xây dựng, nâng cấp cảng cá ngừ chuyên dụng, chợ đấu giá phục vụ khai thác, thu mua, tiêu thụ sản phẩm cá ngừ…
Có thể bạn quan tâm

Những ngày này, khắp vùng Mường Nọc, Châu Kim, Tiền Phong, Tri Lễ... của huyện Quế Phong (Nghệ An), hầu như nhà nào cũng thơm lừng cơm gạo mới. Tiếng đồn về hương vị thơm ngon của thứ gạo chịu lạnh, chịu hạn đã đến với cả những vùng miền xa nhất trong huyện, làm cho nhà nhà đều muốn tìm mua để nấu nồi cơm mới mừng thành quả vụ mùa bằng thứ sản vật thơm ngon sớm “bén đất, mến người”.

Thông tin từ Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho thấy thông thường khi hết mùa mía thì giá đường sẽ tăng lên nhưng năm nay ngược lại, giá đường giảm mạnh. Nguyên nhân chủ yếu là do đường nhập lậu từ Thái Lan tràn sang với số lượng lớn, lên đến 400.000-500.000 tấn/năm. Trong khi nhu cầu sử dụng đường trong nước chỉ dao động khoảng 1,3-1,4 triệu tấn/năm. Tức lượng đường lậu chiếm gần 1/3 lượng đường tiêu thụ trong nước. Con số này đã tác động lớn đến các nhà máy đường và gây bức xúc cho giới chuyên môn.

Với định hướng phát triển nông nghiệp đô thị, nông nghiệp công nghệ cao, TP Cần Thơ không ngừng tranh thủ sự hỗ trợ của Viện Lúa trong việc chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật về giống, kỹ thuật canh tác để nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp và thu nhập của nông dân.

Vài năm trở lại đây, chương trình cây trồng chủ lực của tỉnh đã hỗ trợ nông dân thâm canh cây cà phê về giống, một phần kinh phí đầu tư để chuyển đổi từ giống cũ năng suất kém sang giống mới năng suất cao, chất lượng tốt. Theo đó, thu nhập của nông dân trồng cà phê trong tỉnh ngày càng cao. Đây cũng là một trong những cây trồng được Đồng Nai khuyến khích phát triển vùng chuyên canh với quy mô sản xuất lớn, liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ để có đầu ra bền vững.

Đà Lạt không chỉ được người sành ăn biết đến với rau ôn đới, dâu tây mà còn có những trái hồng nổi tiếng. Hồng Đà Lạt có thể ăn theo nhiều cách, hồng chín đỏ ngọt lịm, hồng giòn ngọt mát, hồng khô dẻo quánh. Những lò sấy hồng Đà Lạt đã cho ra đời những trái hồng sấy có thể để lâu, để du khách mang theo như một món quà đặc biệt.