Hưng Yên Phát Triển Chăn Nuôi Theo Hướng Hàng Hóa

Những năm gần đây, hoạt động chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Hưng Yên phát triển mạnh ở hầu khắp các địa phương, tổng đàn gia súc, gia cầm của tỉnh mỗi năm đều tăng. Ngày càng có nhiều hộ nông dân nhờ chăn nuôi mà thoát nghèo, làm giàu.
Hình thức chăn nuôi trên địa bàn tỉnh hiện nay đang phát triển là nuôi lợn thịt, lợn sinh sản, gia cầm thịt và đẻ trứng, bò thịt và bò sữa... ở lĩnh vực nào cũng có những mô hình cho hiệu quả kinh tế cao, giúp nông hộ cải thiện cuộc sống.
Tuy nhiên thực tế cho thấy những mô hình này đang phát triển theo hướng tự phát, manh mún, nhỏ lẻ, chưa có định hướng lâu dài, dễ bị thị trường cùng hệ thống thương lái chi phối, hiệu quả kinh tế đem lại cũng vì thế mà bấp bênh. Chăn nuôi nhỏ lẻ khiến số hộ chăn nuôi; số lượng gia súc, gia cầm tăng lên ở mỗi địa phương nhưng nông hộ không có mức thu nhập tốt nhất, còn kéo theo ô nhiễm môi trường.
Ở nhiều xã, chất thải chăn nuôi xả bừa bãi, quy mô trang trại chỉ dừng lại ở con số khiêm tốn. Không những vậy, giá thịt hơi gia súc, gia cầm xuất chuồng mỗi năm lên, xuống thất thường, khiến hộ chăn nuôi cũng “lao đao” theo. Nhiều nông hộ thiếu kiến thức chăn nuôi chuyên sâu, vật nuôi không được chăm sóc, nuôi dưỡng tốt, chi phí điều chỉnh cơ sở hạ tầng chăn nuôi tăng lên càng khiến nông dân khó có lãi.
Ông Vũ Văn Thiết, người chăn nuôi ở xã Quảng Châu, thành phố Hưng Yên chia sẻ: “3 năm nay tôi đã mấy lần phải thay đổi giống vật nuôi, lúc đầu gia đình tôi nuôi bò thịt, nhưng hơn 1 năm nay bò thịt bán chững giá, thế là tôi bán đàn bò gần chục con để nuôi lợn vì thấy giá tăng cao. Nhưng thịt lợn tăng giá đã gần 1 năm nay mà tôi vẫn chưa thấy lãi vì kỹ thuật chăn nuôi lợn khác nhiều so với nuôi bò, chuồng nuôi phải sửa chữa, nâng cấp phù hợp.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa, ông Nguyễn Đình Tưởng, Trưởng phòng Chăn nuôi (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: “Phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa là hướng đi tất yếu của chăn nuôi hiện đại.
Hoạt động chăn nuôi muốn phát triển bền vững thì phải giảm số hộ chăn nuôi, nhưng tăng quy mô đàn; chăn nuôi phải mang tính chuyên nghiệp, không dàn trải, ví dụ: Chuyên sản xuất con giống, chuyên sản xuất vật nuôi thương phẩm, chuyên sản xuất trứng… có như vậy hoạt động chăn nuôi mới được đầu tư bài bản, trình độ người chăn nuôi mới được nâng lên, năng suất mới tăng cao, giá thành có sức cạnh tranh. Mặt khác phải chủ động trong sản xuất, gắn với thị trường, tiêu thụ bền vững dựa trên nhu cầu thực tế của thị trường, tránh sản xuất ồ ạt”.
Trên địa bàn tỉnh Hưng Yên, một dấu hiệu đáng mừng là số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đã giảm nhiều so với trước đây. Nếu khoảng 10 năm về trước, ở nông thôn nhà nào cũng có từ 1 - 3 con gia súc, gia cầm thì nay số hộ chăn nuôi quy mô này đã hầu như không còn. Thay vào đó, toàn tỉnh đã hình thành hàng nghìn trang trại, gia trại với số lượng gia súc từ 100 con trở lên và gia cầm từ 1000 con trở lên.
Cùng với đó, thay thế cho việc chăn nuôi “tự cung - tự cấp” là việc xuất bán gia súc, gia cầm thương phẩm với số lượng lớn hơn. Thực tế ở các trang trại chăn nuôi quy mô lớn chúng tôi nhận thấy, phát triển chăn nuôi hàng hóa không là điều gì quá xa xôi, khó thực hiện.
Anh Hiệp, một hộ chăn nuôi vịt đẻ trứng ở huyện Kim Động cho biết: “Nhà tôi nuôi 5 nghìn con vịt đẻ, kiêm luôn việc ấp nở con giống để xuất bán. Tôi chủ động gom thêm trứng từ các hộ trong vùng để ấp nở được số lượng vịt giống nhiều hơn, khoảng 10 nghìn con giống mỗi lứa. Để bảo đảm đầu ra và ổn định giá bán, ngay từ đầu vụ tôi ký hợp đồng cung ứng con giống với một số chủ đầu mối, rồi cứ thế đến hẹn cung cấp hàng và nhận tiền...
Cũng như anh Hiệp, nhiều hộ chăn nuôi từng bước hoàn thiện các khâu sản xuất đến tiêu thụ, chăn nuôi tập trung với số lượng lớn, hạ giá thành để tiêu thụ được nhiều hơn. Việc tiêu thụ ổn định, có thể người chăn nuôi sẽ không được hưởng lợi từ những đợt thị trường tăng giá đột biến nhưng không bị ảnh hưởng khi có những đợt giảm giá sâu của quy luật thị trường. Với hướng đi tất yếu này, nhất là trong bối cảnh chăn nuôi hiện nay cùng sự cạnh tranh của thực phẩm ngoại nhập, chăn nuôi hướng hàng hóa còn cần sự vào cuộc tích cực từ phía ngành chuyên môn và chính quyền các cấp.
Trong đó có việc phát triển các khu chăn nuôi tập trung quy mô lớn, giết mổ - chế biến gia súc, gia cầm tập trung bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, hoàn thiện các khâu kiểm soát - chứng nhận chất lượng cho sản phẩm chăn nuôi để không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ thực phẩm trong nước mà còn vươn ra thị trường thế giới.
Có thể bạn quan tâm

Long An là một trong những tỉnh có quy mô sản xuất lúa đứng hàng đầu đồng bằng sông Cửu Long với sản lượng lúa hơn 2,3 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, thời gian qua, tỉnh Long An đã phát triển thêm nhiều loại cây trồng khác mang lại hiệu quả cao, nhờ đó đời sống của người dân vùng nông thôn từng bước được cải thiện.

Giá dừa khô ở tỉnh Bến Tre hiện tăng thêm bình quân khoảng 10.000-15.000 đồng/chục 12 trái so với cách nay khoảng 1 tháng.

Anh Đặng Thành Thơm ở xã Bình Thạnh (TX Hồng Ngự - Đồng Tháp) đã nói như vậy khi chuyển từ ươm nuôi cá tra giống sang nuôi cá thác lác cườm thời gian qua.

Ấp 7 (xã Bình Sơn) có khoảng 280 hộ dân thì có đến 200 hộ nuôi gà ta. Trong đó, gần 100 hộ nuôi với quy mô lớn, từ vài ngàn đến cả chục ngàn con/lứa. Đây là nơi cung cấp gà ta lớn nhất tỉnh và nghề này đã giúp nhiều người trong ấp trở nên khá giả.

Gạt mất mát, những người nuôi tôm vùng lũ đang “gượng dậy” khẩn trương xử lý môi trường, cải tạo ao đầm… để khôi phục sản xuất. Khó khăn lớn nhất của người nuôi tôm hiện nay là thiếu vốn, bởi nhiều tỷ đồng đã bị cuốn trôi theo dòng nước lũ…