Hùng Vương chuyển hướng chăn nuôi heo với dự án 2.000 tỷ

Công ty cổ phần Hùng Vương (HVG) vừa công bố thông tin chính thức chuyển hướng kinh doanh thêm mảng thức ăn chăn nuôi kết hợp phát triển hệ thống nuôi heo khép kín từ con giống, sản xuất thức ăn, hệ thống trang trại, bao tiêu sản phẩm đến người chăn nuôi.
Dự án này có tổng vốn đầu tư 2.000 tỷ đồng, bao gồm việc xây dựng 2 nhà máy thức ăn gia súc, gia cầm (tại Long An và Bình Định);
Hệ thống trang trại có quy mô 2.380 con heo giống cụ kỵ (tại Long An, An Giang, Bến Tre, Bình Định); nhà máy sản xuất PRemix, thuốc thú y cùng các khâu hậu cần, logistics đi kèm.
Dự án sẽ nhập trọn gói từ 4 đối tác của Đan Mạch, trong đó tập đoàn sản xuất heo giống nổi tiếng Danbred International sẽ cung cấp đàn heo giống cụ kỵ; tập đoàn Skiold nổi tiếng trong lĩnh vực cơ khí “bao” phần thiết kế, hệ thống thiết bị chuồng trại;
Tập đoàn Andritz cung dây chuyền, công nghệ hai nhà máy thức ăn và cuối cùng là tập đoàn Vilomix đứng thứ 4 châu âu về giải pháp dinh dưỡng trong chăn nuôi heo sẽ giúp HVG xây dựng nhà máy sản xuất PRemix, thuốc thú y.
Ngoài việc cung cấp hậu cần phục vụ dự án, các đối tác đến từ Đan Mạch cũng cam kết đồng hành với Hùng Vương chuyển giao trọn gói quy trình kỹ thuật cũng như các giải pháp chăn nuôi nhằm hướng đến mục tiêu đạt năng suất, chất lượng, đảm bảo tính cạnh tranh cao nhất cho sản phẩm.
Được biết, dự án này còn được Chính phủ, Bộ nông nghiệp Đan Mạch cam kết hỗ trợ tích cực về mặt pháp lý để các tập đoàn nói trên có thể chuyển giao công nghệ chăn nuôi heo cho Hùng Vương đạt kết quả tốt nhất.
Giải thích lý do đầu tư trong thời điểm ngành chăn nuôi chịu sức ép cạnh tranh rất lớn khi Việt Nam tham gia TPP, ông Dương Ngọc Minh, tổng giám đốc HVG cho rằng, nếu chăn nuôi được đầu tư bài bản trên quy mô lớn theo quy trình khép kín, áp dụng kỹ thuật, trang thiết bị công nghệ tiên tiến thì hoàn toàn có thể có giá thành, chất lượng tương đương với các nước phát triển ở châu Âu và Mỹ.
Do đó, Hùng Vương nghiên cứu kỹ lợi thế cũng như khó khăn trước khi chọn các đối tác có bề dày kinh nghiệm chăn nuôi heo ở Đan Mạch để chuyển giao quy trình.
Cũng theo ông Minh, mặc dụ áp lực cạnh tranh thịt ngoại rất lớn khi Việt Nam tham gia TPP nhưng HVG xác định dự án đầu tư này sẽ có hướng đi riêng, cạnh tranh bằng con giống tốt, công nghệ sản xuất thức ăn hiện đại, công nghệ chăn nuôi, các giải pháp dinh dưỡng, quy trình khép kín, quy mô đầu tư và đơn giá lao động thấp.
“Trên nền tảng khép kín, chúng tôi khẳng định thịt heo của Hùng Vương sẽ được truy xuất nguồn gốc, kiểm soát an toàn đến người dùng, có giá cạnh tranh hợp lý”, ông Minh nói.
Dự kiến, Hùng Vương sẽ triển khai xây dựng đồng loạt trang trại nuôi heo vào cuối năm nay. Hai nhà máy thức ăn có sản phẩm ra thị trường vào tháng 9/2016
. Mục tiêu đến đầu 2017 có sản phẩm thịt heo thương hiệu Hùng Vương ra thị trường. Hùng Vương cũng đặt kế hoạch đến 2018 có 100.000 con heo bố mẹ, nhân đàn ra khoảng 3 triệu con heo thương phẩm. Riêng sản lượng thức ăn gia súc sẽ đạt 1,5 triệu tấn, góp phần nâng tổng sản lượng thức ăn của tập đoàn lên 3 triệu tấn.
Có thể bạn quan tâm

Trong 6 tháng đầu năm 2015, ngành điều là một trong số rất ít nông sản có khối lượng và giá trị xuất khẩu tiếp tục khởi sắc. Tuy nhiên, ngành hàng này vẫn còn một số tồn tại trong sản xuất và tiêu thụ cần thiết phải tập trung tháo gỡ.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, kim ngạch xuất khẩu nông-lâm-thủy sản tháng 6/2015 ước đạt 2,6 tỷ USD, đưa giá trị xuất khẩu của ngành sáu tháng đầu năm 2015 lên 14,42 tỷ USD, giảm 2,8% so với cùng kỳ năm 2014.

Ngày 23/6, Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản gửi các đơn vị kiểm dịch thực vật thực hiện miễn thu phí kiểm dịch thực vật đối với quả vải tươi xuất khẩu bằng đường hàng không để đẩy mạnh xuất khẩu quả vải tươi của Việt Nam, đặc biệt là sang các thị trường mới mở.

Hiện giá tôm hùm bông (tôm XK) thương phẩm tại Khánh Hòa thương lái chỉ mua 1,33-1,38 triệu đ/kg (tùy loại), giảm khoảng 600 ngàn đồng/kg so với năm ngoái.

Từ đầu năm đến nay, giá gỗ nguyên liệu để chế biến dăm XK như bạch đàn, keo lai được các công ty trên địa bàn tỉnh Bình Định thu mua ở mức ổn định 1,25 triệu đồng/tấn