Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Hứa Hẹn Mùa Quả Ngọt

Hứa Hẹn Mùa Quả Ngọt
Ngày đăng: 25/07/2014

Đầu tư hơn 50 triệu đồng chi phí giống và vật tư ban đầu, sau hơn 2 năm trồng thử nghiệm, đến nay vườn thanh long ruột đỏ của gia đình bà Lê Thị Nguyệt, ở khu phố 3, phường 1, thị xã Quảng Trị đã bắt đầu cho thu hoạch với năng suất, sản lượng cao. Bà Nguyệt ước tính dự kiến vụ này sẽ thu về gần một tấn quả, lợi nhuận từ loại cây trồng kinh tế này mang lại cho gia đình nguồn thu đáng kể.

Hai trăm gốc thanh long ruột đỏ được trồng trong khu vườn của bà Nguyệt đã bắt đầu bói quả. Bà Nguyệt vừa cẩn thận tỉa những nhánh tốt để làm giống, vừa nhẩn nha câu chuyện: “Tận dụng diện tích vườn rộng, trước đây tôi cũng đầu tư trồng xoài, ổi, na nhưng đều không có hiệu quả. Được tư vấn về giống cây thanh long ruột đỏ, rồi sau khi đi tham quan học tập một mô hình thành công ở huyện Hướng Hóa, về là tôi quyết tâm trồng luôn”.

Đầu năm 2012, bà cải tạo vườn, thuê người đổ cột bê tông, đầu tư 6 triệu đồng mua hơn hai trăm cây giống. Để nắm được kỹ thuật chăm sóc cây, bà tìm đến cán bộ khuyến nông phường để được hướng dẫn tận tình, đồng thời còn tự tìm tòi thêm kỹ thuật trồng và chăm sóc cây thanh long qua sách, báo, truyền hình. Với đặc điểm là giống cây ưa khí hậu nóng, phù hợp với điều kiện khí hậu của Quảng Trị nên cây thanh long sinh trưởng và phát triển rất nhanh.

Sau hơn một năm trồng thử nghiệm, vườn thanh long ruột đỏ đã bắt đầu cho mùa quả ngọt đầu tiên. Tuy sản lượng mùa đầu tiên chưa nhiều, nhưng cũng đã có nhiều quả đạt đến 0,6-0,7 kg, bà Nguyệt vừa bán vừa biếu bà con, bạn bè coi như lộc đầu tay. Đến thời điểm này, gần 200 gốc thanh long đang bắt đầu ra quả vụ thứ 2, với mật độ ra hoa và đậu quả sai hơn so với dự kiến.

Theo bà Nguyệt thì vụ thanh long này sẽ cho sản lượng khoảng 1 tấn quả. Với giá bán buôn từ đầu vụ 35 - 50 nghìn đồng/1kg, trừ chi phí các loại, hứa hẹn sẽ đem lại cho gia đình lợi nhuận không nhỏ.

Hơn 70 tuổi, nhưng bà Nguyệt vẫn còn rất nhanh nhẹn, minh mẫn và hiểu biết sâu sắc về kỹ thuật chăm sóc vườn cây. Bà cho biết thêm, ưu điểm của cây thanh long ruột đỏ là ít sâu bệnh và dễ chăm sóc, chủ yếu phòng trừ kiến và ốc sên hại cây non trong thời kỳ mới trồng. Đặc biệt là thời gian thu hoạch kéo dài bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 11 âm lịch (theo chu kỳ ra hoa) và liên tục cho quả trong vòng 15 năm.

Ngoài ra, giống thanh long ruột đỏ chất lượng ngon và ngọt hơn so với quả thanh long bình thường. Trong 2 năm đầu, bình quân mỗi gốc cho thu khoảng 20 kg quả, sang năm thứ 3 trở lên đạt từ 30 đến 40 kg. Thị trường tiêu thụ thuận lợi vì hiện nay trên thị trường, thanh long ruột đỏ vẫn còn hiếm hoi nên người tiêu dùng rất ưa chuộng.

Hiện tại, bà thuê một nhân công làm vườn với nhiệm vụ làm cỏ, bón phân và tưới nước hàng ngày với tiền công 2,3 triệu đồng/tháng. Bà Nguyệt nói vui: “Tôi làm vườn để cảm thấy tuổi già không tẻ nhạt, có thêm người phụ việc nên cũng không cảm thấy vất vả gì nhiều. Riêng công đoạn tỉa cành là tự tay mình làm để đảm bảo kỹ thuật. Có thêm vườn cây để bận rộn, thấy cuộc sống thêm ý nghĩa. Đồng thời, cũng có thêm nguồn thu nhập đáng kể, giúp đỡ thêm cho các con”.


Có thể bạn quan tâm

1 Công Gừng Lời Hơn 30 Triệu Đồng 1 Công Gừng Lời Hơn 30 Triệu Đồng

Tại huyện Long Mỹ (Hậu Giang), hiện thương lái mua gừng tại rẫy có giá 21.000 đồng/kg. So với vài tháng trước, giá gừng đã giảm 6.000 đồng/kg nhưng cao hơn vụ cùng kỳ 11.000 đồng/kg. Với năng suất trung bình mỗi công khoảng 1,3 - 1,5 tấn, nông dân bán thu được từ 45 - 50 triệu đồng/công. Sau khi trừ chi phí lời khoảng 30 triệu đồng.

24/09/2014
Trồng Trọt Chuyển Đổi Để Gia Tăng Giá Trị Trồng Trọt Chuyển Đổi Để Gia Tăng Giá Trị

Trồng trọt từng chiếm giá trị tổng sản lượng rất lớn trong toàn ngành Nông nghiệp. Tuy vậy, tăng trưởng của ngành này nhiều năm nay không ổn định, mấy năm gần đây có xu hướng chậm lại.

24/09/2014
Làm Giàu Từ Trồng Quýt Làm Giàu Từ Trồng Quýt

Theo giới thiệu của Bí thư Đoàn xã Tả Ngài Chồ (Mường Khương - Lào Cai), chúng tôi đến thăm gia đình anh Giàng Seo Di khi anh chuẩn bị lên đồi hái quýt cho phiên chợ cuối tuần. Sau gần 2 giờ đi bộ lên đồi, tôi có dịp nghe anh kể về hành trình thoát nghèo của gia đình nhờ cây quýt Mường Khương.

24/09/2014
Ứng Dụng Tiến Bộ Kỹ Thuật Và Cơ Giới Hóa Trong Chăn Nuôi Ứng Dụng Tiến Bộ Kỹ Thuật Và Cơ Giới Hóa Trong Chăn Nuôi

Những năm qua, việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh có bước phát triển nhanh, đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Trong lĩnh vực chăn nuôi, nhiều cơ sở sản xuất giống, các trang trại, gia trại từng bước đưa công nghệ cao vào sản xuất, góp phần giải phóng sức lao động và nâng cao chất lượng sản phẩm.

24/09/2014
Bỏ Sài Thành Lên Núi Với... Atiso Bạc Tỷ Bỏ Sài Thành Lên Núi Với... Atiso Bạc Tỷ

Trong khi nhiều nông dân thành phố hoa đang “quay lưng” lại với cây atiso - đặc sản của Đà Lạt do giá cả bấp bênh, đầu ra thiếu ổn định, thì anh Nguyễn Trung Thành, một người con đất Sài thành lại bỏ phố lên núi để gắn bó với loại cây trồng này dưới chân núi LangBiang.

24/09/2014