Hứa Hẹn Mùa Quả Ngọt

Đầu tư hơn 50 triệu đồng chi phí giống và vật tư ban đầu, sau hơn 2 năm trồng thử nghiệm, đến nay vườn thanh long ruột đỏ của gia đình bà Lê Thị Nguyệt, ở khu phố 3, phường 1, thị xã Quảng Trị đã bắt đầu cho thu hoạch với năng suất, sản lượng cao. Bà Nguyệt ước tính dự kiến vụ này sẽ thu về gần một tấn quả, lợi nhuận từ loại cây trồng kinh tế này mang lại cho gia đình nguồn thu đáng kể.
Hai trăm gốc thanh long ruột đỏ được trồng trong khu vườn của bà Nguyệt đã bắt đầu bói quả. Bà Nguyệt vừa cẩn thận tỉa những nhánh tốt để làm giống, vừa nhẩn nha câu chuyện: “Tận dụng diện tích vườn rộng, trước đây tôi cũng đầu tư trồng xoài, ổi, na nhưng đều không có hiệu quả. Được tư vấn về giống cây thanh long ruột đỏ, rồi sau khi đi tham quan học tập một mô hình thành công ở huyện Hướng Hóa, về là tôi quyết tâm trồng luôn”.
Đầu năm 2012, bà cải tạo vườn, thuê người đổ cột bê tông, đầu tư 6 triệu đồng mua hơn hai trăm cây giống. Để nắm được kỹ thuật chăm sóc cây, bà tìm đến cán bộ khuyến nông phường để được hướng dẫn tận tình, đồng thời còn tự tìm tòi thêm kỹ thuật trồng và chăm sóc cây thanh long qua sách, báo, truyền hình. Với đặc điểm là giống cây ưa khí hậu nóng, phù hợp với điều kiện khí hậu của Quảng Trị nên cây thanh long sinh trưởng và phát triển rất nhanh.
Sau hơn một năm trồng thử nghiệm, vườn thanh long ruột đỏ đã bắt đầu cho mùa quả ngọt đầu tiên. Tuy sản lượng mùa đầu tiên chưa nhiều, nhưng cũng đã có nhiều quả đạt đến 0,6-0,7 kg, bà Nguyệt vừa bán vừa biếu bà con, bạn bè coi như lộc đầu tay. Đến thời điểm này, gần 200 gốc thanh long đang bắt đầu ra quả vụ thứ 2, với mật độ ra hoa và đậu quả sai hơn so với dự kiến.
Theo bà Nguyệt thì vụ thanh long này sẽ cho sản lượng khoảng 1 tấn quả. Với giá bán buôn từ đầu vụ 35 - 50 nghìn đồng/1kg, trừ chi phí các loại, hứa hẹn sẽ đem lại cho gia đình lợi nhuận không nhỏ.
Hơn 70 tuổi, nhưng bà Nguyệt vẫn còn rất nhanh nhẹn, minh mẫn và hiểu biết sâu sắc về kỹ thuật chăm sóc vườn cây. Bà cho biết thêm, ưu điểm của cây thanh long ruột đỏ là ít sâu bệnh và dễ chăm sóc, chủ yếu phòng trừ kiến và ốc sên hại cây non trong thời kỳ mới trồng. Đặc biệt là thời gian thu hoạch kéo dài bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 11 âm lịch (theo chu kỳ ra hoa) và liên tục cho quả trong vòng 15 năm.
Ngoài ra, giống thanh long ruột đỏ chất lượng ngon và ngọt hơn so với quả thanh long bình thường. Trong 2 năm đầu, bình quân mỗi gốc cho thu khoảng 20 kg quả, sang năm thứ 3 trở lên đạt từ 30 đến 40 kg. Thị trường tiêu thụ thuận lợi vì hiện nay trên thị trường, thanh long ruột đỏ vẫn còn hiếm hoi nên người tiêu dùng rất ưa chuộng.
Hiện tại, bà thuê một nhân công làm vườn với nhiệm vụ làm cỏ, bón phân và tưới nước hàng ngày với tiền công 2,3 triệu đồng/tháng. Bà Nguyệt nói vui: “Tôi làm vườn để cảm thấy tuổi già không tẻ nhạt, có thêm người phụ việc nên cũng không cảm thấy vất vả gì nhiều. Riêng công đoạn tỉa cành là tự tay mình làm để đảm bảo kỹ thuật. Có thêm vườn cây để bận rộn, thấy cuộc sống thêm ý nghĩa. Đồng thời, cũng có thêm nguồn thu nhập đáng kể, giúp đỡ thêm cho các con”.
Có thể bạn quan tâm

Trước những khó khăn đó thì con lươn vẫn là đối tượng thủy sản được người dân quan tâm, đầu tư nuôi do có nhiều ưu điểm so với các đối tượng thuỷ sản khác như thịt ngon và giàu chất dinh dưỡng (đạm: 18,6%; chất béo 9,1%), giá bán cao, đầu ra ổn định. Hiện nay, trên địa bàn thị xã Tân Châu (An Giang) con lươn vẫn đang là đối tượng được nuôi chủ lực.

Nhờ “tiếng lành đồn xa” về kết quả thực hiện công tác uỷ thác vay vốn ưu đãi của NHCSXH qua các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn phóng viên báo, đài chúng tôi đã có chuyến đi thu thập tài liệu, viết bài cho đề tài này ở huyện Ba Vì nơi có núi Tản, sông Đà đẹp như tranh vẽ, nằm cách trung tâm Hà Nội chừng 70km về phía Tây.

Nguyên nhân ớt rớt giá là do thương lái Trung Quốc ngừng thu mua. Theo thống kê, phía Đông tỉnh Gia Lai hiện có gần 3.000ha ớt. Nếu như mọi năm, mỗi ha ớt nông dân lãi khoảng trên 20 triệu đồng, thì năm nay không đủ chi phí để thu hoạch. Như vậy, tại tỉnh Gia Lai, sau vụ dưa hấu và rau sau Tết Nguyên đán 2014, đến nay nông dân tiếp tục mất hàng chục tỷ đồng do ớt rớt giá.

Tại đồng bằng sông Cửu Long, giá thu mua cá tra nguyên liệu đang tăng nhẹ, dao động từ 24.500 đến 25.500 đồng/kg (cao hơn so với cùng kỳ năm 2013 từ 2.900 đến 3.600 đồng/kg). Với mức giá này, người nuôi bắt đầu có lãi.

Tưới phun sương cho vườn rau là kỹ thuật mà gia đình bà Nguyễn Thị Quyên (thôn Hiệp An, xã Cư An, huyện Đak Pơ - Gia Lai) đang áp dụng cho vườn rau của mình. Sau 6 tháng sử dụng, hệ thống này đã đem lại hiệu quả cao, đáng để các nhà nông học theo.