HTX Phan Long và sản phẩm thanh long sấy khô

Kỳ vọng vào sản phẩm mới
Nằm trên trục đường Đặng Văn Lãnh (nối dài) thuộc thôn Xuân Phú, xã Phong Nẫm, TP. Phan Thiết, nhà xưởng với diện tích hơn 130 m2 của Hợp tác xã (HTX) Phan Long còn khá khiêm tốn. Tuy vậy, anh Trương Lương - Giám đốc HTX Phan Long vẫn chia sẻ với chúng tôi với vẻ đầy lạc quan, tin tưởng khi giới thiệu sản phẩm thanh long sấy khô của HTX. Dẫn chúng tôi tham quan dây chuyền sản xuất, anh Lương cho biết, HTX được thành lập từ năm 2011, với 11 thành viên.
Sản phẩm thanh long sấy khô được sản xuất bằng dây chuyền sấy chân không hiện đại, với giá trị đầu tư gần 1 tỷ đồng. Năng suất hoạt động thành phẩm khoảng 35 kg khô/ca. Trong đó, để có được 1 kg thanh long khô cần đến 12 - 14 kg thanh long tươi. Hiện tại, thanh long thành phẩm được bán với giá 380.000 đồng/kg, giảm hơn 40.000 đồng/kg so thời điểm trước đó. Thanh long sau khi sấy, giữ gần như nguyên vẹn về màu sắc, mùi vị đặc trưng của sản phẩm và không sử dụng bất cứ phụ gia nào.
Đây chính là một trong những điểm nhấn để thanh long sấy khô được thị trường ưa chuộng. Đáng phấn khởi, mặc dù còn khá mới mẻ, nhưng mặt hàng này đang chuẩn bị được xuất sang các nước như Mỹ, Anh và một số thị trường Trung Đông. Riêng ở thị trường trong nước, HTX đang xúc tiến quảng bá sản phẩm ở một số công ty lữ hành; TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội và các điểm karaoke, hàng lưu niệm trong tỉnh. Đặc biệt, thời gian vừa qua, sản phẩm thanh long sấy khô của HTX Phan Long đã được giới thiệu, gửi sản phẩm tham gia Hội chợ Trung Quốc - ASEAN 2014. Từ đó góp phần nâng cao giá trị, quảng bá thương hiệu của đơn vị. Mới đây, HTX Phan Long đã trở thành thành viên của Liên hiệp HTX thanh long Bình Thuận, nhằm nâng tầm vị thế của HTX.
Còn nhiều khó khăn
Tuy nhiên, quá trình sản xuất, HTX gặp không ít khó khăn, do chi phí đầu vào cao, dây chuyền sản xuất còn phải làm thủ công như quá trình rửa sạch trái thanh long tươi, đưa vào lột vỏ xắt lát sau đó mới đưa vào máy sấy. Bình quân mỗi mẻ sấy mất khoảng 15 tiếng, với năng suất khoảng 30 - 35 kg thanh long khô. Nhưng chỉ riêng chi phí nhiên liệu (điện) khoảng 1 triệu đồng/mẻ, dẫn đến giá bán thành phẩm khá cao. Hơn nữa, do sản phẩm thanh long sấy còn khá “lạ” trên thị trường, đòi hỏi đơn vị phải tích cực, từng bước nâng cao chất lượng, quảng bá sản phẩm.
Trong khi đó, khó khăn lớn nhất của HTX hiện nay là thiếu vốn và rất mong muốn có nguồn quỹ cho vay đầu tư. Giám đốc HTX Phan Long cho biết: “Ngay khi xoay xở được nguồn vốn, chúng tôi sẽ đầu tư một máy xắt lát, máy cân định lượng, dây chuyền đóng gói... Đây là những dụng cụ thiết yếu, nhằm tiết kiệm nhân công, chi phí đầu tư và nâng cao chất lượng sản phẩm. Mặt khác, HTX đang tiếp tục tìm kiếm khách hàng, đầu tư mở rộng nhà xưởng, mở rộng thị trường...”. Được biết, hiện nay Trung tâm Khuyến công (Sở Công Thương Bình Thuận) đang thực hiện dự án để hỗ trợ cho HTX 35 triệu đồng tiền bao bì đóng gói sản phẩm. Đây là bước khởi đầu để HTX Phan Long vượt qua khó khăn, tạo điểm nhấn mới trong công nghệ chế biến nông sản sau thu hoạch.
Có thể bạn quan tâm

Chiều ngày 30/01/2015, tại Lô C, đường Số 1, Khu Công nghiệp Long Đức, thành phố Trà Vinh, Công ty Cổ phần Giống cây trồng miền Nam (SSC) tổ chức khánh thành Nhà máy chế biến giống cây trồng Trà Vinh. Tham dự lễ khánh thành có đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (phía Nam), lãnh đạo các sở, ngành tỉnh;

Cây mắc ca có xuất xứ từ Úc. Với những giá trị dinh dưỡng vượt trội, hạt mắc ca được xếp vị trí hàng đầu trong các loại hạt và được mệnh danh là “hoàng hậu của các loại hạt”. Vỏ của quả mắc ca được dùng làm chất đốt, phân bón, chất bồi. Nhân hạt mắc ca dùng trong chế biến bơ, làm bánh kẹo, kem… Dầu chiết xuất từ nhân hạt mắc ca được dùng trong nhiều ngành công nghiệp, làm thức ăn chăn nuôi và dầu ăn.

Những ngày cuối năm âm lịch, nông dân trồng khoai mỡ ở xã Phú Mỹ rất phấn khởi vì thu hoạch khoai mỡ bán được giá cao. Anh Lê Văn Hồng, ấp Phú Thạnh, phấn khởi cho biết, anh có 8 công đất trồng khoai mỡ, qua 3 đợt thu hoạch được trên 17 tấn khoai. Đợt 1 thu hoạch bán được giá 14.000 đồng/kg, đợt 2 có giá 13.500 đồng/kg, còn đợt 3 vừa mới thu hoạch cách nay mấy ngày bán được giá 10.000 đồng/kg.

Mì chỉ là cây trồng xen lấy ngắn nuôi dài của nông dân Bình Phước. Nhưng cứ “giáp hạt” là giá cao, vào vụ giá giảm. Năm nay, giá mì lúc vụ chính thì nông dân chỉ hòa vốn, nếu hộ nào không nhổ kịp thì nay lỗ giá và cũng không bán được. “Trồng mì khó có lãi” - ông Nguyễn Anh Nhật ở ấp Thạnh Biên, xã Lộc Thạnh (Lộc Ninh) với 10 năm trồng mì thở dài.

Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), năm 2015, ngành tiêu chủ trương không tăng số lượng mà củng cố nâng cao chất lượng, khuyến khích các DN đầu tư cho chế biến sâu, chế biến sạch, đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa thị trường nhằm thâm nhập sâu vào chuỗi cung ứng hạt tiêu toàn cầu.