Hốt Bạc Từ Dịch Vụ Cho Thuê Sân Phơi Lúa

Về xã Thạnh Phú, huyện Cầu Kè (Trà Vinh), cứ cách vài km chúng tôi lại bắt gặp những khoảng sân phơi lúa rộng mênh mông, trải dài từng liếp vàng tươi trông rất đẹp mắt.
Theo phản ánh của bà con, bắt nguồn từ việc đáp ứng nhu cầu sân phơi lúa khi trời nắng tốt và hạn chế sử dụng máy sấy, vừa tốn kém lại hay hao hụt, nhiều gia đình ở xã Thạnh Phú đã cải tạo khu đất của nhà thành sân phơi, vừa phơi lúa của gia đình, vừa cho bà con xung quanh thuê.
Như gia đình ông Nguyễn Thanh Hùng ở ấp 3 đã mạnh dạn cải tạo sân bóng đá mini bằng cát (thu nhập trên 100.000 đồng/ngày) để làm thành sân phơi lúa. Ông Hùng chia sẻ: “Thấy cảnh người dân phơi lúa trên lộ không đảm bảo an toàn giao thông nên tui cũng thay đổi để đáp ứng nhu cầu. Với diện tích 3.400m2, sân nhà tôi có thể chứa 90 tấn lúa, giá thuê 70.000 đồng/tấn, tính ra thu nhập cao hơn nhiều so với làm sân bóng”.
Từ khi có nhiều nơi cho thuê sân phơi lúa, các chủ thu mua lúa cũng rất phấn khởi, liền chắp nối với các chủ nhà để sẵn sàng có sân phơi khi lúa về. Ông Lê Hoàng Nam- chủ thu mua lúa ở ấp 3 chia sẻ: “Có dịch vụ này đỡ tốn kém hơn hẳn, tui vừa thu mua lúa xong là có sân phơi liền, không phải chở vào nhà máy sấy như trước”.
Theo ông Nam, nếu làm khô lúa bằng máy thì sẽ không mất nhiều thời gian, sấy một mẻ lúa (10 tấn) chỉ mất 4-5 giờ, còn phơi được nắng tốt thì cũng phải mất tới 9-10 giờ, nhưng đổi lại, dùng máy sấy lúa hao hụt nhiều hơn. Bình quân sấy 200kg lúa bằng máy thì sẽ hụt hơn 20kg, còn phơi nắng chỉ mất khoảng 15kg.
Dịch vụ cho thuê sân phơi lúa không chỉ giúp chủ sân thu lợi nhuận mà còn góp phần giải quyết công ăn việc làm cho nhiều lao động nhàn rỗi.
Trung bình mỗi sân phơi cần từ 10-15 nhân công, đến nay ở xã Thạnh Phú có khoảng 11 sân phơi, diện tích trung bình hơn 1.000m2/sân. Thông thường lao động nam phụ trách khuân vác bao lúa, mỗi chuyến (lên và xuống) được trả 50.000 đồng/tấn, còn lao động phơi lúa thì được trả 50.000 – 70.000 đồng/tấn.
Ông Nguyễn Văn Tám- Chủ tịch UBND xã Thạnh Phú cho biết: “Hoạt động này vừa lợi cho người sản xuất, vừa đảm bảo chất lượng lúa vì lúa cắt xong được phơi liền. Điều quan trọng là dịch vụ này đã giúp giải quyết việc làm cho hơn 100 lao động nhàn rỗi, không đất canh tác ở địa phương, vì thế xã sẵn sàng tạo điều kiện cho người dân khi muốn tận dụng đất trống làm sân cho thuê phơi lúa”.
Có thể bạn quan tâm

Chiều 14/8, Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh kết hợp với Phòng Kinh tế thành phố Cà Mau chọn ấp Ông Muộn, xã Lý Văn Lâm làm điểm chỉ đạo triển khai mô hình cánh đồng lớn luân canh lúa – tôm trên diện tích hơn 139 ha, với 72 hộ dân tham gia.

Là cây trồng đặc sản nổi tiếng, khoai lang Ngọc Vừng có vị thơm, ngọt đặc biệt, củ to, được du khách ưa chuộng. Trong những năm qua, dù được đầu tư phát triển thế nhưng cây trồng đặc sản này đang gặp khó khăn do đầu ra không ổn định.

Xã Viễn Sơn (Yên Bái) có diện tích trồng quế lớn nhất, nhì huyện Văn Yên. Cây quế góp phần xóa đói giảm nghèo, giúp người dân vươn lên làm giàu. đồng bào Dao nơi đây coi cây quế như một sản vật truyền thống.

Bà con nông dân xã Bảo Hiệu (Yên Thuỷ - Hòa Bình) đang thu hoạch bí xanh – một trong những cây họ bầu bí giảm nghèo chủ lực trên vùng đất còn nhiều khó khăn này. Thông thường mọi năm, các hộ chỉ trồng bí vụ đông xuân. Tuy nhiên, gần đây, cây bí xanh được bà con trồng tăng vụ ở vụ hè thu. Đáng mừng là nỗ lực chuyển đổi của bà con đã được bù đắp xứng đáng nhờ bí xanh trái vụ được giá, được mùa. Mới có ít ngày thu hoạch thời điểm trung tuần tháng 8 đã mang về hàng chục triệu đồng cho các hộ, cá biệt có hộ thu trên, dưới 100 triệu đồng.

Nam Hả Trong là thôn có nhiều hộ trồng địa liền của xã Nam Sơn (huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh). Kinh tế chủ lực của thôn là phát triển lâm nghiệp, nhưng luôn phải đối mặt với tình trạng thiếu đất rừng, đã buộc xã Nam Sơn phải có phương án làm sao trên cùng một diện tích đất có thể thu được nhiều nguồn lợi. Một trong những nguồn lợi ấy là trồng cây địa liền xen kẽ trên các diện tích trồng keo.