Hợp Tác Xã Nông Nghiệp Xuân Lộc Phát Huy Vai Trò Quản Lý Vì Mục Tiêu Phát Triển

Là xã đồng bằng thuộc huyện Thanh Thủy, Xuân Lộc có lợi thế về phát triển nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Nắm bắt ưu thế trên, trong những năm qua, Hợp tác xã nông nghiệp (HTX NN) Xuân Lộc đã không ngừng nỗ lực, phát huy vai trò quản lý, điều hành, góp phần nâng cao đời sống, thu nhập của xã viên, tạo điều kiện để kinh tế tập thể địa phương phát triển.
Những năm qua, HTX NN Xuân Lộc từng bước thực hiện chuyển đổi, củng cố, kiện toàn bộ máy cũng như phương thức hoạt động, khẳng định vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn.
Với các dịch vụ cung ứng về thủy lợi, vật tư phục vụ sản xuất, cây con giống, tập huấn chăn nuôi, trồng trọt và dịch vụ môi trường không những mang lại lợi ích cho các hộ xã viên mà còn giúp cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân trên địa bàn.
Anh Nguyễn Xuân Ba – Chủ nhiệm HTX cho biết: HTX NN Xuân Lộc là tổ chức kinh tế tự chủ và độc lập, hoạt động trên tinh thần dân chủ, công khai với mong muốn đem đến lợi ích cho người dân, góp phần thúc đẩy phát triển chung của toàn xã. Để làm được điều đó, HTX đã từng bước cải thiện, xây dựng cách làm mới, có hiệu quả, tạo dựng niềm tin với người dân trong xã.
Điển hình trong cách nghĩ, cách làm mới của Ban quản trị HTX là phân vùng sản xuất. HTX đã xây dựng đề án phân bổ diện tích sản xuất, tập hợp các diện tích nhỏ lẻ thành hai vùng sản xuất chính là vùng lõi (với diện tích trồng trọt kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm) và vùng đệm (với diện tích mặt nước ven sông Đà sử dụng nuôi trồng thủy sản). Hiện HTX NN Xuân Lộc đã khoanh vùng được 180ha thâm canh lúa trên tổng diện tích 350ha trồng lúa của cả xã, 20ha trồng rau màu, các loại cây hàng hóa và 75ha nuôi cá lồng.
Việc làm này nhằm tăng năng suất cây trồng, vật nuôi đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho công tác hỗ trợ quản lý và chăm sóc hiệu quả hơn. Song song với tập trung các diện tích canh tác nhỏ lẻ thành các vùng sản xuất, Ban quản trị HTX còn chủ động học hỏi, ứng dụng cách thức sản xuất có hiệu quả, đổi mới cây trồng phù hợp trên đồng đất Xuân Lộc, đưa các giống lúa lai chất lượng cao như GS9, Thiên hương 8,… dần thay thế các giống lúa thuần đã giúp sản lượng bình quân cây có hạt lên 230 tấn/năm.
Bên cạnh đó, HTX khuyến khích xã viên chuyển đổi một số diện tích cây trồng năng suất thấp sang trồng các loại cây hàng hóa như: ớt, dưa chuột Choka Nhật Bản,… đem lại năng suất và thu nhập cao, phối hợp với các doanh nghiệp đảm bảo nguồn cung ứng giống cây trồng, chuyển giao kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm. Năm 2014, HTX NN Xuân Lộc đã cùng với Công ty CP khoa học và công nghệ nông nghiệp GOC đưa mô hình dưa chuột Choka Nhật Bản vào trồng trên diện tích gần 3ha, cho sản lượng ước đạt 1,8 tấn/sào/vụ, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn từ 5-7 lần so với trồng ngô.
Cùng với lợi thế có diện tích mặt nước rộng lớn, HTX NN Xuân Lộc luôn chú trọng nuôi trồng thủy sản, với các mô hình nuôi cá lồng trên sông Đà đã đem lại nguồn thu nhập đáng kể. Hiện HTX đang có gần 40 lồng nuôi các loại cá: lăng, diêu hồng, trắm cỏ và rô phi đơn tính, đem về lợi nhuận 60 triệu đồng/lồng/năm cho các hộ xã viên.
Bên cạnh đó từ năm 2011, HTX NN Xuân Lộc còn đưa vào cung cấp dịch vụ môi trường, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn Xuân Lộc. Căn cứ vào nhu cầu cấp thiết của địa phương trước sự ô nhiễm từ rác thải sinh hoạt, ban quản trị HTX đã xây dựng đề án, họp bàn với nhân dân và đưa vào hoạt động dịch vụ mội trường, không những tạo thêm công ăn việc làm cho xã viên, mà còn giúp nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, tinh thần đoàn kết cộng đồng, giảm hẳn tình trạng ô nhiễm và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân trong xã.
Với những nỗ lực không ngừng, tích cực đổi mới, áp dụng phương thức có hiệu quả vào sản xuất, HTX NN Xuân Lộc trở thành địa chỉ tin cậy, được bà con tin yêu, tín nhiệm, tạo tiền đề cho bước đi mới trong chuyển hướng sản xuất những năm tiếp theo, góp phần vào sự phát triển KT-XH chung của địa phương và phấn đấu đưa Xuân Lộc về đích nông thôn mới trong năm 2015.
Có thể bạn quan tâm

Cá bống bớp là loài cá nước lợ, thuộc họ cá bống đen, thân hình trụ tròn, mắt nhỏ, mõm tầy, có nguồn dinh dưỡng cao, giá trị xuất khẩu lớn. Cá bống bớp đã được nhiều địa phương tổ chức nuôi song đến nay chỉ có vùng nuôi mặn lợ của huyện Nghĩa Hưng (Nam Định) là nuôi được cá bống bớp với quy mô lớn. Nghề nuôi cá bống bớp ở Nghĩa Hưng khởi phát từ xóm Chùa, xã Nghĩa Thắng khoảng trước năm 1990. Mặc dù điều kiện tưới tiêu nước ở đây chưa được quy hoạch nhưng năng suất nuôi cá bống bớp đã đạt 4 - 6 tấn/ha…

Trong nhiều năm qua, năng suất, sản lượng lúa ở vùng ĐBSCL không ngừng tăng lên nhờ sự liên kết 4 nhà trong sản xuất lúa. Bà con nông dân ngày càng thích nghi và biết ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong việc sản xuất, nhân giống lúa tạo ra năng suất, sản lượng vụ sau cao hơn vụ trước. Năm 2012, sản lượng lúa toàn vùng ĐBSCL ước đạt 24,6 triệu tấn, tăng 1,1 triệu tấn so năm 2011, đưa Việt Nam trở thành nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới với sản lượng hơn 7,2 triệu tấn, đạt trị giá hơn 3,2 tỉ USD. Lúa đông xuân 2012 - 2013 đang vào vụ thu hoạch được đánh giá là vụ lúa trúng mùa, năng suất bình quân ban đầu trên 7 tấn/ha. Đạt được kết quả đó là do nông dân thường xuyên quan tâm sử dụng giống lúa mới, giống lúa chất lượng cao.

Đây là mô hình nuôi heo áp dụng công nghệ lên men từ quần thể các vi sinh vật sống để xử lý chất thải của vật nuôi, làm cho môi trường thông thoáng, giúp đàn heo ăn nhiều, lớn nhanh. “Nuôi heo không tắm” - cách gọi nôm na này đang lan truyền nhanh trong người dân Hậu Giang. Đây là mô hình nuôi thí điểm đầu tiên, với những phát hiện khá thú vị khi tận dụng các nguồn phụ phẩm ở ĐBSCL, hứa hẹn mở ra hướng chăn nuôi hiệu quả ở ĐBSCL

Bên cạnh hỗ trợ vốn vay cho những hộ nghèo, hộ có nhu cầu làm ăn phát triển kinh tế gia đình, thời gian qua, xã Long Thạnh, huyện Phụng Hiệp xác định đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương đóng vai trò quan trọng, góp phần giúp người dân có đời sống tốt hơn.

Đây là nhận định được đưa ra tại Hội nghị công bố về Triển vọng toàn cầu của cây trồng biến đổi gen (BĐG) năm 2012 vừa được tổ chức cuối tuần qua tại Hà Nội.