Hợp Tác Xã Chè Lương Sơn Phát Huy Sức Mạnh Tập Thể, Đẩy Mạnh Sản Xuất Kinh Doanh

Được thành lập năm 2001, Hợp tác xã (HTX) chè Lương Sơn (huyện Yên Lập) có 237 xã viên. Sau nhiều năm củng cố, đổi mới phương thức hoạt động, đến nay mô hình kinh tế tập thể của HTX Lương Sơn đã phát huy thế mạnh trong việc liên kết và là điểm tựa vững chắc cho các hộ gia đình xã viên phát triển sản xuất - kinh doanh chè.
Năm 2010 từ sự tài trợ của Chương trình dự án VECO, sự hỗ trợ, đồng hành của Công ty chè Phú Hà trên địa bàn, sự giúp đỡ của hội phụ nữ, người trồng chè xã Lương Sơn đã thành lập 7 nhóm sản xuất chè.
Các hộ xã viên được tập huấn, áp dụng quy trình mới vào sản xuất chè búp tươi và thiết lập các điểm thu gom, bán chè tập trung trên 7 nhóm. HTX đã chủ động ký hợp đồng bán sản phẩm chè búp tươi với Công ty chè Phú Hà, giúp xã viên tâm huyết hơn với cây chè, đầu tư thâm canh cho vườn chè nhằm tăng năng suất, chất lượng, tăng thu nhập cho gia đình. Từ những kết quả đã đạt được, người dân tin tưởng vào mô hình kinh tế tập thể, tích cực tham gia vào mô hình này.
Để giúp các xã viên có điều kiện thuận lợi trong sản xuất chè, HTX chè Lương Sơn đã đầu tư một số máy móc, trang thiết bị, hệ thống chế biến chè xanh với 5 bộ bom quay chè xanh, máy sấy hương chè, máy hút chân không đóng gói chè và máy hút màng co cùng với một số vật dụng khác để phục vụ cho việc chế biến chè xanh, với tổng trị giá 200 triệu đồng.
Cùng với việc hỗ trợ về máy móc, HTX còn phối hợp mời nghệ nhân từ tỉnh Thái Nguyên - nơi có những vùng chè có thương hiệu, uy tín về giảng dạy, chuyển giao kỹ thuật chế biến chè xanh cho các hộ sử dụng bom quay chè xanh và Ban chủ nhiệm nắm được kỹ thuật chế biến để đưa ra sản phẩm có chất lượng, hấp dẫn thị trường.
Từ nhận thức sự thành công của mô hình kinh tế tập thể phụ thuộc phần lớn vào sự thống nhất, đồng lòng cao giữa Ban chủ nhiệm với các xã viên nên thời gian qua, Ban chủ nhiệm HTX luôn phát huy vai trò, nhiệm vụ của mình, xây dựng kế hoạch, họp giao ban định kỳ hàng tháng giữa Ban quản trị HTX với các tổ trưởng tổ sản xuất nhằm đánh giá hoạt động cũng như kiến nghị của xã viên để cùng bàn bạc, tìm hướng giải quyết; phân công trách nhiệm cho từng tổ trưởng đôn đốc, giám sát và cập nhật số liệu thu hái chè của tổ để cân đối với Công ty chè Phú Hà; tuyên truyền cho xã viên sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng cách, an toàn nhằm đảm bảo sự tăng trưởng của cây chè cũng như VSATTP, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Những năm gần đây, xã viên HTX chè Lương Sơn đã tích cực áp dụng KHKT vào thâm canh chăm sóc chè. HTX đã có những đợt cung ứng phân bón bằng cách trả chậm để xã viên thâm canh chè, liên hệ với Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, Ngân hàng Nông nghiệp đề xuất hỗ trợ cho xã viên HTX vay gần 200 triệu đồng để đầu tư thâm canh cây chè.
Song song với đó, HTX tích cực tuyên truyền vận động xã viên mạnh dạn thay đổi cơ cấu giống chè có năng suất cao như chè lai I, lai II tại các tổ của HTX.
Nhờ tích cực thâm canh, đầu tư trồng chè, đến nay tổng sản lượng chè búp tươi từ các tổ sản xuất bán cho nhà máy và chế biến chè bán ra thị trường đạt trên 400 tấn, với giá trung bình 4.000 đồng/kg, trừ chi phí mỗi sào trồng chè búp tươi thu được khoảng 9 triệu đồng.
Cùng với việc trồng và bán chè búp tươi, từ năm 2013, HTX chè Lương Sơn bắt đầu sản xuất chè xanh, đã sản xuất đóng gói được 7.000 gói chè các loại trong 3-4 tháng. Chè xanh của HTX được bày bán trên thị trường trong huyện, các xã và giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ đã bước đầu được người tiêu dùng biết đến thương hiệu và sử dụng.
Nguồn bài viết: http://baophutho.vn/kinh-te/nong-lam-nghiep/201412/hop-tac-xa-che-luong-son-phat-huy-suc-manh-tap-the-day-manh-san-xuat-kinh-doanh-2379826/
Có thể bạn quan tâm

Ngay từ cuối vụ Đông Xuân, khi các cánh đồng lúa tại 2 huyện Long Điền, Đất Đỏ (Bà Rịa - Vũng Tàu) gặt xong đã xuất hiện nhiều đàn vịt chạy đồng, trong đó có nhiều đàn vịt từ các địa phương khác đến. Việc di chuyển của những đàn vịt chạy đồng nếu không được kiểm soát chặt chẽ sẽ dẫn đến nguy cơ lan truyền dịch cúm gia cầm.

Theo Cục Thú y – Bộ Nông nghiệp và PTNT, trong tuần vừa qua (từ 18-24/8/2013), dịch bệnh đốm trắng (WSSV) đã xảy ra ở các địa phương: Tp Hồ Chí Minh, Ninh Thuận, Long An, Trà Vinh, Bạc Liêu và Cà Mau, với 434,33 ha bị ảnh hưởng; dịch bệnh hoại tử gan tụy cấp (AHPND) đa xảy ra ở tỉnh Ninh Thuận, Bạc Liêu và Cà Mau, với 285,8 ha bị ảnh hưởng.

Ở huyện Trực Ninh số đầu lợn nuôi cũng giảm, cụ thể: xã Trực Đại hiện tổng đàn chỉ còn gần 1.000 con, giảm trên 1.000 con so với tháng 4-2013, xã Trực Thắng hiện tổng đàn còn 5.384 con lợn, giảm 2.316 con so với tháng 4-2013…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Dương vừa có buổi tiếp và làm việc với Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn, Công ty Kanematsu (Nhật Bản) và các chuyên gia Nhật Bản về việc trồng thử nghiệm giống lúa Hikarisinseki trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.

Nhờ nuôi cá lồng bè trên sông, nhiều hộ gia đình ở Bến Tre đã vươn lên khá giàu. Tuy nhiên, để đảm bảo chất lượng lâu dài, người nuôi cần chú trọng vấn đề môi trường và nuôi theo đúng vùng quy hoạch.