Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Hợp tác trồng rau VietGAP

Hợp tác trồng rau VietGAP
Ngày đăng: 22/10/2015

Trồng rau VietGAP ngoài trời đang thu lợi nhuận cao cho nông dân Xuân Thọ, Đà Lạt

Đón thị trường bằng GAP

Đến nay, sau 6 năm hình thành và phát triển, vườn dâu tây nhà kính sản xuất theo quy trình VietGAP của anh Nguyễn Hữu Minh ở thôn Đa Lộc, xã Xuân Thọ (Đà Lạt) đã tăng diện tích từ 1.000m² lên 4.000m².

Tọa lạc trên địa hình tương đối cao so với những thửa vườn xung quanh, vườn dâu anh Minh đã tự động hóa nhiều công đoạn bón phân hữu cơ, bơm thuốc sinh học, tưới nước sạch nhỏ giọt dưới đất và tưới phun mưa trên giàn, nên luôn giữ không khí trong nhà kính khá trong lành.

Dẫn tôi tham quan giữa những luống dâu ngay hàng thẳng lối với nhiều lứa cây xuống giống vào các thời điểm khác nhau, anh Minh kể:

“Do nguồn vốn tự có hạn hẹp, năm đầu tiên thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP), gia đình chúng tôi mới đủ khả năng chuyển đổi 1.000m² diện tích trồng nhiều loại giống rau ngoài trời đã thoái hóa sang trồng dâu tây nhà kính giống mới nhập khẩu.

Nhờ những cán bộ kỹ thuật nông nghiệp của tỉnh, thành phố và các hộ gia đình có kinh nghiệm sản xuất VietGAP hướng dẫn, tư vấn, hộ gia đình chúng tôi mới từng bước thiết kế lắp đặt các trụ sắt, vách, mái lợp ni lông nhà kính đến bố trí đường ống dẫn nước tưới; rồi lên luống đất, phủ màng ni lông, xuống giống trồng, chăm sóc từ 4 - 5 tháng sau mới vào vụ thu hái…”.

Và anh Minh kể thêm rằng, lúc thu hoạch dâu tây “đầu tay”, chưa có một thương lái nào đến hỏi mua, anh Minh phải chia ra từng ký đem lên chợ lớn Đà Lạt gửi từng quầy hàng trái cây nhờ bán hết hàng mới lấy tiền.

Dù chỉ thu lãi ở mức trung bình trong năm thứ nhất sản xuất dâu tây, nhưng bước qua năm thứ hai, thông qua các quầy hàng bán trái cây nhỏ lẻ ở đây, một công ty thu mua rau GAP ở Đà Lạt đã tìm đến vườn nhà anh Minh và đặt vấn đề bao tiêu sản phẩm.

Triển khai cơ hội hợp tác mới, anh Minh được đối tác chuyển giao thêm nhiều kỹ thuật canh tác dâu tây đạt tiêu chuẩn VietGAP với năng suất cao hơn, giá thu mua cũng được ấn định trước khi gieo trồng với tỷ lệ lợi nhuận tương đối khá.

Yên tâm ở khâu đầu ra, anh Minh tích lũy nguồn vốn hàng năm để xây mới lần lượt phủ kín diện tích nhà kính 4.000m² đến ngày nay, mỗi ngày thu hoạch bán cho đối tác từ 15 - 20kg dâu tây VietGAP.

“Nếu tính theo giá thu mua dâu tây thời điểm hiện tại với 170 - 180.000 đồng/kg thì vốn đầu tư nhà kính sản xuất sau 1 năm sẽ thu hồi đủ.

Doanh thu năm thứ 2 trở đi thì trừ công lao động, tiền điện, tiền nước, phân bón, thuốc trừ sâu sinh học… chỉ chiếm phần nhỏ, còn lại chiếm phần lớn là khoản lợi nhuận…” - anh Minh hạch toán.

Vài năm gần đây, nhà nông Nguyễn Hữu Minh tự nghiên cứu, trồng thử nghiệm đạt hiệu quả nhiều loại rau sú lơ, cải bắp cùng nhiều loại hoa cát tường, cẩm chướng… xen canh và luân canh với cây dâu tây trong nhà kính.

Cụ thể, cứ trồng, thu hoạch cây dâu tây sau 3 năm rồi đến trồng hoa, cát tường, cẩm chướng luân canh từ 1,5 - 2 năm tiếp theo mới trở lại xuống giống cây con dâu tây; riêng rau cải bắp, sú lơ được trồng xen canh bên dưới giàn giá thể trồng cây dâu tây.

Những luống cây xen canh và luân canh đều chăm sóc chung với cây dâu tây qua chế độ dinh dưỡng, phòng trừ bệnh hại bằng các chất sinh học, đạt chất lượng an toàn VietGAP, nên hầu hết sản phẩm đều được đối tác thu mua, đưa về hệ thống siêu thị ở thành phố Hồ Chí Minh phân phối cho người tiêu dùng.

Sản xuất riêng, kỹ thuật chung

Chưa dừng lại ở VietGAP nhà kính, nhà nông Nguyễn Hữu Minh còn thực hành hiệu quả 1ha rau VietGAP ngoài trời.

Tính trong tháng 10/2015, anh Minh cung ứng “rau GAP” ngoài trời đến siêu thị và các chợ rau đầu mối ở Sài Gòn gồm: 40 - 50kg đọt rau su su/ngày; 300 - 400kg lơ xanh hoặc bắp cải/3 ngày.

Từ các quy trình kỹ thuật VietGAP đạt giá trị cao vừa nêu, trong năm 2014, anh Minh đã chia sẻ kinh nghiệm trực tiếp cho 12 hộ nông dân ở cùng thôn Đa Lộc, xã Xuân Thọ (Đà Lạt), sau đó cùng đồng thuận thành lập tổ hợp tác với 8ha sản xuất rau VietGAP và được tín nhiệm bầu làm tổ trưởng.

Từ đó đến nay, Tổ trưởng Minh không chỉ thường xuyên tiếp cận kỹ thuật mới, phổ biến cho từng hộ thành viên chủ động lên lịch thời vụ sản xuất trên diện tích đất riêng của mình, mà còn tích cực làm cầu nối để tiêu thụ sản phẩm chung cho cả tổ hợp tác.

“Tổ Hợp tác Nguyễn Hữu Minh là 1 trong 22 tổ hợp tác thành lập từ năm 2010 đến nay ở xã Xuân Thọ, Đà Lạt.

Trung bình mỗi tổ hợp tác tập hợp 10 thành viên, mỗi thành viên sản xuất trên đất chủ quyền riêng khoảng 1ha theo quy trình VietGAP chung.

Ở giai đoạn 5 năm đầu tiên vừa qua, mô hình Tổ Hợp tác đã tạo môi trường nâng cao trình độ canh tác, hỗ trợ lẫn nhau trong việc chọn lọc giống mới để sản xuất, cung cấp ra thị trường sản phẩm rau các loại chất lượng cao, năm đạt lãi ít nhất là 300 triệu đồng/ha, năm đạt lãi cao nhất là 500 triệu đồng/ha.

Giai đoạn 5 năm tới, từng tổ hợp tác với mục tiêu cố gắng tiêu thụ phần lớn sản phẩm thông qua hợp đồng liên kết ổn định với nhiều đối tác khác nhau…” - Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Thọ, Đà Lạt, anh Nguyễn Đức Bình đánh giá.


Có thể bạn quan tâm

Đồng Bằng Sông Cửu Long Khó Dẹp “Cò” Lúa Đồng Bằng Sông Cửu Long Khó Dẹp “Cò” Lúa

Hiện nay nông dân ĐBSCL đang bước vào thu hoạch rộ lúa hè thu. Mặc dù các doanh nghiệp tăng cường thu mua nhưng chỉ tập trung vào mặt hàng gạo nguyên liệu, khâu tiêu thụ lúa cho nông dân vẫn lệ thuộc vào thương lái. Chính vì vậy, nhiều nơi ở vùng sâu xuất hiện tình trạng “cò” thu mua lúa.

04/08/2014
Tập Trung Thúc Đẩy Sản Xuất Và Tháo Gỡ Khó Khăn Cho Doanh Nghiệp Tập Trung Thúc Đẩy Sản Xuất Và Tháo Gỡ Khó Khăn Cho Doanh Nghiệp

Nghị quyết giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo điều hành tăng trưởng tín dụng phù hợp với mục tiêu đề ra, không để dồn vào thời điểm cuối năm; tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi; kiên quyết thực hiện tái cơ cấu các tổ chức tín dụng yếu kém, đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu, tăng cường kiểm soát hoạt động của hệ thống ngân hàng.

05/08/2014
Tái Cơ Cấu Ngành Nông Nghiệp Phải Gắn Với Tiêu Thụ Sản Phẩm Tái Cơ Cấu Ngành Nông Nghiệp Phải Gắn Với Tiêu Thụ Sản Phẩm

Ngày 30-7, UBND tỉnh tổ chức họp với các sở, ngành và địa phương để chỉ đạo một số giải pháp thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tỉnh Tiền Giang; định hướng, mục tiêu phát triển đến năm 2020 và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nông sản của tỉnh. Ông Nguyễn Văn Khang, Chủ tịch UBND tỉnh; ông Lê Văn Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị.

05/08/2014
Vị Đắng Dong Riềng Vị Đắng Dong Riềng

Nằm trong chương trình xóa đói giảm nghèo, dong riềng từ nhiều năm qua đã được chính quyền tỉnh Bắc Kạn coi là cây trồng chủ lực. Nhưng chính sự phát triển ồ ạt đã biến cây này thành gánh nặng nợ nần cho nông dân.

05/08/2014
150 Ngư Dân Quảng Ngãi Đăng Ký Đóng Tàu Vỏ Thép 150 Ngư Dân Quảng Ngãi Đăng Ký Đóng Tàu Vỏ Thép

Ông Hoàng cho biết thêm, kể từ ngày 25-8-2014 các doanh nghiệp và cá nhân được vay vốn tới 70% đến 95% tổng giá trị đầu tư đóng mới tàu với thời hạn vay vốn 11 năm và lãi suất phải trả chỉ từ 1% đến 3%/năm, phần còn lại do ngân sách nhà nước cấp bù. Nghị định này được coi là “ cú hích” tháo gỡ những khó khăn cho ngư dân trong việc tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, giúp ngư dân mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế biển theo chủ trương của Chính phủ.

05/08/2014