Hợp Tác Giữ Giá Cây Rau

Cơ sở Sản xuất rau an toàn Tiến Huy ở thôn Định An, xã Hiệp An (Đức Trọng - Lâm Đồng) đã hợp tác với nông dân xây dựng khép kín mô hình sản xuất luân canh các giống rau chất lượng cao theo nhu cầu của thị trường, góp phần ổn định thu nhập trên từng đơn vị diện tích đất quanh vùng.
Hơn 6 năm trước, một đối tác thuộc hệ thống siêu thị tại thành phố Hồ Chí Minh lên đặt vấn đề với Cơ sở Sản xuất rau an toàn Tiến Huy ở thôn Định An, xã Hiệp An (Đức Trọng) hợp tác trồng rau nhà kính ổn định lâu dài.
Chủ cơ sở này, anh Võ Tiến Huy đã không bỏ lỡ cơ hội đi tìm gặp một hộ nông dân ở xã Tân Hội, Đức Trọng để thỏa thuận xây dựng mô hình điểm trồng cây ớt ngọt trên 0,3ha đất chuyển đổi từ diện tích trồng cây cà phê đã già cỗi.
Bắt tay triển khai mô hình, bên đối tác chịu trách nhiệm cử đội ngũ cán bộ kỹ thuật trực tiếp cầm tay chỉ việc cho hộ nông dân thực hành quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn GAP từ công đoạn đầu tiên (làm đất xuống giống) đến công đoạn cuối cùng (thu hoạch, đóng gói); bên “Tiến Huy” cung cấp nguồn giống ớt ngọt chất lượng cao và thu mua sản phẩm.
Kết quả sau hơn 75 ngày canh tác, sản lượng thu hoạch lứa ớt ngọt kéo dài trong 4 tháng đầu tiên đạt khoảng 70% chất lượng theo yêu cầu kỹ thuật; thu hoạch đến 4 tháng tiếp theo, tỷ lệ này tăng lên từ 80 - 85%. Vụ mùa ớt ngọt năm sau đó, các bên đã chính thức ký hợp đồng sản xuất, tiêu thụ với giá ổn định, đảm bảo đạt mức lợi nhuận khá cho người nông dân.
Triển khai hợp đồng chính thức nêu trên, Cơ sở Tiến Huy chịu trách nhiệm ứng trước nguồn giống ớt ngọt và nguồn vật tư nông nghiệp cho nông dân (chỉ khấu trừ bằng sản phẩm sau khi thu hoạch xong); bao tiêu sản phẩm với mức giá xây dựng từ đầu mùa vụ.
Bên nông dân có đất sản xuất và công lao động, sản xuất theo quy trình công nghệ mới được chuyển giao từ đội ngũ cán bộ kỹ thuật thuộc hệ thống siêu thị từ thành phố Hồ Chí Minh.
Từ một vụ mùa ớt ngọt mô hình kết thúc thành công, Cơ sở Tiến Huy bắt đầu nhân rộng hợp tác, liên tục đến nay đã phát triển với hơn 20 hộ nông dân ở phường 3 (Đà Lạt); Hiệp An, Hiệp Thạnh (Đức Trọng); Đạ Ròn (Đơn Dương)… sản xuất hơn 12ha nhà kính và nhà lưới, không chỉ sản xuất riêng ớt ngọt mà còn sản xuất nhiều loại giống rau cao cấp khác như: bông cải xanh baby, dưa leo baby, đậu cove, xà lách các loại…
Anh Nguyễn Văn Long, một trong những hộ nông dân hợp tác với Cơ sở Tiến Huy “xác nhận”: Hơn 4 năm qua, với 0,3ha nhà lưới, hộ gia đình anh Long đã sản xuất và tiêu thụ với giá ổn định 2 giống rau chủ lực là dưa leo baby và bông cải xanh baby.
Bên cạnh đó là 0,12ha đất trồng luân canh ngoài trời các giống rau xà lách, đậu cove, cà chua... đã “cấu thành” tổng lợi nhuận mang về cho gia đình anh Long trung bình trên dưới 30 triệu đồng/tháng.
Quy trình hợp tác với nông dân trồng luân canh các loại rau của Cơ sở Tiến Huy theo hình thức cuốn chiếu. Với nhà kính, trồng và thu hoạch lần lượt một vòng từ ớt ngọt đến dưa leo baby, bông cải xanh baby rồi trở lại trồng ớt ngọt.
Với nhà lưới, trồng và thu hoạch chủ lực cây ớt ngọt khoảng hơn 10 tháng thì xuống giống luân canh các loại rau khác đến 1 năm sau mới “vòng lại” trồng cây ớt ngọt. Thông thường sản xuất trong nhà kính có năng suất tăng hơn 30%, giá bán cũng vượt lên 10% so với sản xuất trong nhà lưới.
Riêng 2 giống dưa leo baby và bông cải xanh baby được Cơ sở Tiến Huy phân phối độc quyền từ Nhật Bản, nên khi cung ứng cho nông dân sản xuất thường chốt giá thu mua ổn định ngay từ lúc xuống giống. Tính riêng trong 1 năm vừa qua, trên 0,1ha đất nông dân hợp tác với Cơ sở Tiến Huy đạt lãi trung bình 200 triệu đồng trồng dưa leo baby và 100 triệu đồng trồng bông cải xanh baby.
Hiện tại, hàng ngày, Cơ sở Sản xuất rau an toàn Tiến Huy bao tiêu của “nông dân” hơn 1 tấn rau an toàn các loại với giá khá cao so với mặt bằng giá chung của thị trường cạnh tranh.
Tuy nhiên, nếu so với nhu cầu đầu ra đã khai thác được vẫn chưa “tương xứng”, bởi vậy Tiến Huy đang tiếp tục hợp tác với nông dân chuyển đổi hoạt động theo mô hình hợp tác xã, nhằm mở rộng sản xuất quy mô và hiệu quả hơn.
Có thể bạn quan tâm

Là xã ven biển, trong nhiều năm qua, Đảng bộ và chính quyền xã Phước Dinh (huyện Thuận Nam) đã xác định kinh tế biển là mũi nhọn. Đây là chủ trương đúng, được thực hiện có hiệu quả, giúp vùng quê biển này ngày càng “thay da, đổi thịt”.

Nhận thấy một số hộ dân nuôi trồng rong sụn đạt hiệu quả kinh tế cao, tháng 7- 2012, Hội Nông dân xã Thanh Hải (Ninh Hải) đã phối hợp với Trung tâm Dạy nghề thuộc Hội Nông dân tỉnh mở lớp nuôi rong sụn cho 33 hội viên nông dân ở địa phương.

Những năm qua, công tác giảm nghèo luôn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được các cấp, các ngành huyện Thuận Nam quan tâm, triển khai thực hiện có hiệu quả. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn giảm đáng kể, góp phần tích cực trong việc cải thiện đời sống nhân dân.

Ít ai ngờ dưới chân núi Cà Đú nắng tháng tư khô khốc là những vườn nho đang mùa cho trái ngọt. Vườn nho tiếp nối vườn nho lá xanh biêng biếc, trái chín treo chật cành. Nông dân địa phương đoàn kết nỗ lực vượt khó vươn lên làm giàu trên vùng đất sỏi bảo đảm cuộc sống gia đình no ấm, chung tay xây dựng nông thôn mới.

Anh Nguyễn Văn Hùng, 52 tuổi, khu phố 5, thị trấn Tân Sơn (huyện Ninh Sơn) vươn lên thoát nghèo bền vững nhờ sản xuất nông nghiệp.