Hơn 40 Năm Bám Biển Mưu Sinh

Người dân vùng biển, đời này nối tiếp đời kia dựa vào biển để mưu sinh. Biển đã ngấm sâu vào máu thịt, trở thành hồn cốt của ngư dân. Gắn bó với biển không chỉ là để mưu sinh mà còn góp phần bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ Quốc. Một trong những gia đình chúng tôi muốn nhắc tới là gia đình ông Trần Xảm, ấp Đèn Đỏ, xã Tân Thành (huyện Gò Công Đông) hơn 40 năm vươn khơi, bám biển.
Gia đình ông Trần Xảm, có đến 4 thế hệ gắn bó với nghề đi biển. Kinh nghiệm đánh bắt cũng được gia đình ông truyền từ đời này qua đời khác. Vì thế, mỗi chuyến đi biển là mỗi lần thuyền về đầy ắp cá tôm, hiếm khi thuyền về không. Hơn 40 năm mưu sinh, gắn bó với biển đã giúp ông xây dựng được nhà cửa khang trang, nuôi con cái khôn lớn, nên người.
Hôm chúng tôi đến cũng là lúc ông Trần Xảm cùng 6 ngư dân vừa có chuyến đi biển trở về và đang tất bật khâu vá lưới chuẩn bị cho kịp chuyến đi sau. Vừa làm, ông vừa kể cho chúng tôi nghe về quá trình đưa ông đến với nghiệp đi biển.
Lúc lên 5, lên 6, cứ mỗi khi nước lớn, tàu cá ra khơi lại về, ông cùng đám bạn hay ra Cảng cá Đèn Đỏ leo lên các thuyền lựa lấy những con mực, nghêu, tôm tích... về nướng ăn. Lâu ngày quen dần, rồi có những lúc ông được cha mẹ cho đi theo đánh bắt gần bờ.
Cái cảm giác ngắm mặt trời mọc, mặt trời lặn, rồi những đợt sóng biển rì rào... đã ngấm vào máu thịt, tâm hồn ông. Từ đó, mỗi lần tàu ra khơi là ông xin đi theo và thạo nghề đánh bắt từ lúc nào không hay.
Ông Xảm cho biết, trung bình mỗi tháng tàu của ông ra khơi 2 đợt, tùy theo con nước, mỗi đợt từ 7 - 8 ngày. Do tàu không lớn nên ông cùng ngư dân chỉ đánh bắt cách bờ khoảng 20 km, nếu khuya đi thì đến chiều hôm sau lại về cặp bến.
Đợt nào trúng mùa, biển yên thì 1 con nước ông kiếm lời khoảng 20 triệu đồng; đợt nào biển động xem như không có lời, đôi lúc thiếu tiền trả nhân công. Với ông, ngoài chén cơm, manh áo được kiếm ra từ biển, thì cái vị mặn, tiếng sóng rì rào của biển cả càng thôi thúc ông gắn bó với biển, vươn khơi bám biển. Vì thế, những khi biển động không ra khơi được thì ông lại nhớ biển cồn cào.
Tiếp vào câu chuyện, anh Nguyễn Minh Trường vừa vá lưới vừa nói: “Nhờ tàu của ông Trần Xảm mà anh em tụi tui có được cuộc sống ấm no. Sau mỗi chuyến đi biển, lên bờ tiếp tục may vá, kiểm tra lưới, mỗi tháng, anh em tụi tôi được trả 4 triệu đồng, đủ trang trải cho cuộc sống gia đình và lo cho con cái ăn học. Bây giờ, không bám biển chỉ có đói mà thôi”.
Hơn 40 năm lăn lộn với sóng biển, lão ngư Trần Xảm đã thuộc làu từng luồng cá, từng dòng hải lưu ở vùng biển Gò Công. Chính vì thế ông đã tích lũy được kinh nghiệm thả lưới, đánh bắt để có những chuyến tàu về đầy ắp cá, tôm.
Lão ngư Trần Xảm nói: “Bây giờ vùng biển này gần như tôi đã quen rồi, nơi nào có chướng ngại vật, nơi nào không thể thả lưới đánh bắt... tôi đều biết cả. Cứ hễ thấy dòng hải lưu mà nước quá trong, xanh ngắt thì rất ít cá tôm, không nên thả lưới. Còn nơi nào nước có màu đục, vàng vàng thì nơi đó có thể thả lưới để đánh bắt...”.
Có thể bạn quan tâm

Ngày 22 tháng 5 năm 2013, ông Nguyễn Văn Phong, phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh ký ban hành công văn số 1717/UBND-NN về việc đề nghị hỗ trợ hóa chất xử lý mầm bệnh, xử lý môi trường vùng nuôi tôm nước lợ tỉnh của tỉnh. Theo nội dung công văn: hiện tượng tôm chết có dấu hiệu lây lan, phải được khống chế kịp thời, nhưng lượng Chlorine của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp cho tỉnh trong năm 2012 đến nay đã sử dụng hết.

Sáng ngày 25/7, tại Hậu Giang, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức Hội nghị tổng kết sản xuất mía đường niên vụ 2012 – 2013.

Hiện nay, các địa phương ở đồng bằng sông Cửu Long đang xúc tiến xây dựng các cánh đồng mẫu lớn nhằm hướng tới nền sản xuất nông nghiệp hiện đại.

Hàng triệu hộ chăn nuôi trong cả nước đang đối mặt với muôn vàn khó khăn khi heo, gà, vịt, cá tra… rớt giá thê thảm, cộng với dịch bệnh hoành hành trên diện rộng khiến người nuôi thua lỗ. Giá gà công nghiệp trong tháng 5-2013, rớt xuống mức thấp kỷ lục 13.000 - 15.000 đồng/kg, chưa bằng 50% chi phí giá thành sản xuất; gà tam hoàng từ 38.000 đồng/kg vào tháng trước, nay giảm còn 30.000 đồng/kg; trong khi giá heo cũng giảm còn 3,5 - 3,6 triệu đồng/tạ, thấp hơn giá thành nuôi là 4 - 4,1 triệu đồng/tạ… Giá rẻ đã đành, song người chăn nuôi muốn bán sản phẩm dù chấp nhận lỗ cũng rất khó.

Từ sau cơn biến động rớt giá trong những năm 2005, 2006 làm các trang trại và người chăn nuôi lao đao, thì hiện nay dê, cừu đã dần lấy lại vị thế với tổng đàn ngày càng tăng.