Hơn 300 ha lúa thoi thóp trong nước lũ

Chiều 31/7, tại huyện đảo Vân Đồn, trời vẫn mưa như trút. Theo Phòng NN-PTNT Vân Đồn, toàn huyện có 313 ha lúa non vừa cấy bị ngập úng. Trong đó, nhiều nhất là xã Bình Dân 100ha, Đài Xuyên 80ha, Đoàn Kết 50ha, Vạn Yên 38ha, Ngọc Vừng 15ha và Bản Sen 30ha.
Trao đổi với PV NNVN, ông Lý Văn Khương, Chủ tịch UBND xã Bình Dân cho biết, gần 100ha lúa của địa phương này đã chìm trong biển nước ngày thứ 4. Đêm và sáng 31/7, trời không mưa, nước rút nhanh, một phần diện tích lúa đã trồi khỏi mặt nước. Tuy nhiên, sang buổi chiều, mưa lớn tiếp diễn, nguy cơ ngập úng lại tiếp diễn.
Ông Cao Thế Đơn, Chủ tịch UBND xã Đài Xuyên cho hay, toàn xã gieo cấy 110ha lúa mùa thì bị ngập úng khoảng 80ha, tập trung ở các thôn Xuyên Hùng, Kỳ Vầy, Voòng Tre, Đài Văn… Toàn bộ diện tích này mới được gieo cấy được hơn 10 ngày. 5 cửa cống thoát nước mở 24/24 để phục vụ công tác tiêu úng.
“Nếu trời không mưa, chỉ 2 ngày là nước rút, chúng tôi sẽ sớm thống kê được thiệt hại. Nhưng nếu trời còn mưa, khi nước rút buộc phải cấy lại bằng những giống lúa ngắn ngày để kịp thời vụ”, ông Đơn cho biết thêm.
Còn tại xã Đoàn Kết, công tác tiêu nước chống úng cho lúa cũng đang được triển khai nhanh chóng. Bà Điệp Thị Hạnh, thôn Đồng Cậy cho biết, nhà trồng hơn 8 sào thì có 3 sào bị ngập úng. Do ngập úng gần 1 tuần, toàn bộ 3 sào lúa kể trên đã bị chết, rễ chuyển sang màu đen, thối. Bà Hạnh đã tính đến phương án thuê máy bừa lại đất để cấy lại.
Trao đổi với PV, ông Đào Trung Kiên, Trưởng phòng NN-PTNT Vân Đồn cho biết, với những diện tích lúa đang bị ngập úng, nguy cơ cấy lại là rất cao. Biện pháp tại chỗ là lựa theo con triều để tháo nước, tiêu úng cho đồng ruộng.
Có thể bạn quan tâm

Xã Nhị Mỹ (Cai Lậy, Tiền Giang) hiện mở rộng diện tích sản xuất cá giống lên gần 130 ha mặt nước với sản lượng mỗi năm khoảng 100 triệu con cá giống các loại cung ứng thị trường. Các loại cá giống được sản xuất đại trà tại địa phương gồm tai tượng, trê lai, phi dòng gifl, điêu hồng...

Gần mười ngày nay, cá dìa con xuất hiện nhiều tại vùng dừa ngập mặn xã Cẩm Thanh, TP. Hội An (Quảng Nam). Người dân làng chài Cẩm Thanh cho biết, mỗi ngày họ có thể bắt khoảng một kg cá dìa con (tương đương 1.000 con).

Phong trào nuôi trăn ở Đồng bằng sông Cửu Long đã phát triển rầm rộ từ năm 1980, nhưng đến năm 1990 thì giá trăn trở nên bấp bênh do xuất khẩu không được thuận buồm xuôi gió, khiến cho nhiều hộ nuôi lao đao, thua lỗ, thậm chí có người còn mang trăn con vào rừng thả bỏ.

Vài năm gần đây, cây quế Trà Bồng (Quảng Ngãi) đã lấy lại được thế đứng và trở thành một trong 10 đặc sản nổi tiếng của Việt Nam. Đây là tín hiệu vui để cây quế Trà Bồng phát triển, khẳng định thương hiệu, mở rộng thị trường. Tuy nhiên, bên cạnh niềm vui ấy là nỗi lo thiếu nguyên liệu.

Năm 2012, tình hình tiêu thụ dừa trái và các sản phẩm từ dừa gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng lớn đến nguồn thu nhập, đời sống của các hộ dân trồng dừa trong tỉnh Trà Vinh. Bên cạnh đó, giá dừa trái trên thị trường thế giới không ngừng rớt giá, hoạt động xuất khẩu gặp khó khăn, đã kéo theo giá dừa trong nước giảm đáng kể.