Hơn 135 Ha Mì Bị Nhện Đỏ Tấn Công Ở Tây Ninh

Thời tiết hiện vào mùa khô nên mì trong giai đoạn đầu vụ thường bị nhiễm sâu hại. Trong khi ngành bảo vệ thực vật đang ra sức tiêu diệt rệp sáp bột hồng, ngăn ngừa lây lan trên diện rộng thì trên địa bàn thành phố Tây Ninh, bên cạnh 15 ha mì bị nhiễm rệp sáp bột hồng, từ giữa tháng 1.2014 đến nay nhiều diện tích mì còn xuất hiện thêm nhện đỏ hại mì.
Vụ Đông Xuân năm 2013 – 2014 nông dân trên địa bàn thành phố trồng khoảng 2.000 ha mì. Trạm Bảo vệ thực vật thành phố Tây Ninh cho biết, hiện có khoảng 135 ha mì ở các xã, phường: Ninh Sơn, Ninh Thạnh, Thạnh Tân, Tân Bình, Bình Minh bị nhện đỏ tấn công.
Theo ông Đặng Thanh Nhân – Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Bình, khoảng 1 tuần trở lại đây, nhện đỏ bắt đầu tấn công mạnh trên 15 ha mì, một số diện tích mì bị nhện đỏ tấn công từ 50% - 100% khiến nhiều bà con nông dân trong xã lo lắng. Trước thực trạng trên, Hội Nông dân xã đã tiến hành khảo sát và vận động bà con thường xuyên tưới nước, bón phân để khôi phục diện tích mì bị nhện đỏ xâm hại.
Kỹ sư Trần Bạch Phát – Trưởng trạm Bảo vệ thực vật thành phố Tây Ninh cho biết, ở một số diện tích mì trên địa bàn xuất hiện đồng thời cả 2 loại dịch hại là rệp sáp bột hồng và nhện đỏ. Bà con nông dân nên thường xuyên thăm đồng, tưới nước và sử dụng một số loại thuốc đặc trừ nhện đỏ.
Nhện đỏ nhỏ 0,6 mm, màu đỏ, sống tập trung ở mặt dưới lá cây mì, tấn công trên mì từ 1 đến 6 tháng tuổi và thường xuất hiện ở diện tích mì được trồng trên đất gò, không chủ động được nước tưới. Nhện đỏ chích hút nhựa cây mì, làm vàng lá, rụng lá. Lá mì bị nhiện đỏ thường có những vệt dọc theo gân lá, lúc đầu màu vàng sau chuyển sang màu nâu. Nếu nhện đỏ tấn công với mật độ cao có thể gây chết cây hoặc làm giảm năng suất củ.
Có thể bạn quan tâm

Cây gừng thích hợp ở các vùng nhiệt đới, nhiệt độ trung bình 20 - 28 độ C, lượng mưa trên 1.500 mm/năm, có thể trồng được tất cả các vùng, miền ở nước ta.

Địa điểm dự án nằm trên 8 xã thuộc huyện Bắc Bình (thị trấn Lương Sơn, các xã Sông Lũy, Sông Bình, Phan Lâm, Bình An, Hải Ninh, Hồng Thái và Phan Thanh)...

Từ năm 2013 đến nay, tỉnh Bình Định đã xây dựng được 3.832 công trình khí sinh học (biogas). Nhờ đó, nghề chăn nuôi heo ở nông thôn đã an toàn, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Theo Cục Thú y, tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm đang có diễn biến phức tạp, nhất là bệnh tai xanh.

Giống Kim cương 111 có cây cứng, chống tổ tốt, kháng được bệnh bạc lá và nhiễm rầy nhẹ...