Hội Nông Dân Xã Nhân Rộng Vườn Lan

Với ưu thế chỉ cần diện tích sản xuất nhỏ nhưng lợi nhuận gấp 12 lần trồng lúa, nên đến nay TP. HCM đã phát triển được trên 200ha trồng lan.
Để giúp hội viên có vốn đầu tư, tiêu thụ sản phẩm, Hội ND xã Quy Đức, huyện Bình Chánh đã vận động các hộ trồng lan thành lập tổ hợp tác (THT).
Ông Ngô Hoàng Long – Chủ tịch Hội ND xã Quy Đức cho biết, thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu sản xuất theo hướng nông nghiệp đô thị của thành phố, năm 2012, Hội ND xã lập dự án vay vốn ưu đãi theo Quyết định 36 của UBND thành phố, thành lập THT trồng hoa lan gồm 13 thành viên, với diện tích 2ha.
Không sợ tư thươngép giá
THT chủ yếu trồng lan cắt cành, gồm các loại như: Dendrobium, Mokara, Catleya, Phalaenopsis. Đây là các loại lan cho lợi nhuận cao, trung bình trồng 1.000 cây cho thu 500.000 đồng/tháng, tháng cao điểm thu khoảng 1 triệu đồng. Theo ông Nguyễn Văn Hùng- Tổ trưởng THT trồng lan xã Quy Đức, hoa lan cắt cành từ lúc trồng đến lúc thu hoạch là 5 tháng, năng suất cao nhất trong 2 năm đầu, sau đó giảm dần phải trồng lại. Theo kinh nghiệm của ông Hùng, đầu tư ban đầu cho 1.000m2 trồng lan phải mất 500 triệu đồng, nhờ vay được vốn ưu đãi theo Quyết định 36 ông mới dám phát triển vườn lan.
Ông Hùng cho biết thêm, ngoài đầu tư ban đầu, trồng lan cắt cành chủ yếu là bỏ công chăm sóc, chi phí chỉ khoảng 10%, sau 15 tháng là thu hồi vốn, sau đó bán được bao nhiêu là lãi bấy nhiêu. Nhờ thành lập THT, nên các thành viên có sự liên kết về giá cả, đảm bảo đầu ra vững vàng, không bị tư thương ép giá. Từ ngày thành lập THT đến nay, hầu hết các thành viên trồng lan có thu nhập ổn định, nhiều hộ thu nhập khá cao.
Phù hợp với nông nghiệp đô thị
Ông Hùng cho biết, ông trồng 40.700 cây lan cắt cành và lan chậu trên diện tích 2.000m2, trừ chi phí bình quân hàng tháng, ông lãi trên 30 triệu đồng. Ông đang dự định vay thêm vốn, đầu tư để mở rộng vườn trồng lan cắt cành. Ông Hùng chia sẻ: “Tôi sẽ đầu tư mở rộng thêm 500m2 vườn trồng lan cắt cành. Thu nhập của người dân thành phố ngày càng được cải thiện nên nhu cầu chơi hoa lan ngày một tăng. Hiện nay, lan của tôi không đủ cung ứng cho khách hàng...”.
"Tôi sẽ đầu tư mở rộng thêm 500m2 vườn trồng lan cắt cành. Thu nhập của người dân thành phố ngày càng được cải thiện nên nhu cầu chơi hoa lan ngày một tăng. Hiện nay, lan của tôi không đủ cung ứng cho khách hàng...”.Ông Nguyễn Văn Hùng
Gia đình chị Nguyễn Ngọc Hạnh ở gần nhà ông Hùng cũng có diện tích trồng lan khoảng 2.000m2. Mỗi tháng chị thu trên 30 triệu đồng. Chị Hạnh tâm sự: “Cũng như nhiều hộ ND trong xã, cuộc sống của gia đình tôi trước khi trồng lan thuộc loại trung bình. Nhờ Hội ND xã tạo điều kiện giúp vay vốn ưu đãi và tham gia THT trồng lan, thu nhập của gia đình tôi rất ổn định, gia đình tôi sống khá hơn trước nhiều”.
Ông Ngô Hoàng Long phấn hởi thông tin: “Tất cả 13 thành viên của THT trồng hoa lan đều có cuộc sống khá hơn hồi trồng lúa. Hội đang vận động các hộ trồng lan trong xã tham gia THT trồng lan. Trồng lan là mô hình phù hợp trong điều kiện đất sản xuất ở thành phố ngày một ít. Đây là cây trồng phù hợp với nông nghiệp đô thị, cần có hàm lượng chất xám cao. Hội ND xã đang nhân rộng vườn lan ra nhiều hộ hội viên ND...”.
Có thể bạn quan tâm

Vụ xuân hè năm nay nông dân thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) xuống giống khoảng 600 ha củ cải trắng. Đây là cây màu được bà con luân canh với vụ hành tím. Hiện củ cải trắng đang vào vụ thu họach, với năng suất đạt cao, giá cả tương đối ổn định.

Nhờ mạnh dạn ứng dụng các giống lúa, đậu, ngô... mới vào sản xuất kết hợp với đẩy mạnh cơ giới hóa nên giá trị sản xuất nông nghiệp của huyện Ba Vì (Hà Nội) năm 2013 đã đạt 95 triệu đồng/ha/năm, cao hơn 58 triệu đồng/ha so với năm 2008.

Nói đến vùng đất xã Chí Công (Tuy Phong - Bình Thuận) người ta nghĩ ngay đến cái nắng nóng, khô hạn, khắc nghiệt. Nhưng thời gian gần đây vùng đất nghèo này được phủ bởi màu xanh của các cây trồng có giá trị kinh tế. Những vườn thanh long xanh tốt, bước đầu cho thu nhập cao đã minh chứng cho sự thay đổi đó.

Thực hiện chủ trương của thành phố về chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị, Hội Nông dân TP.HCM và các sở, ngành liên quan đang xúc tiến nhiều chương trình hỗ trợ nông dân ứng dụng khoa học kỹ thuật (KHKT) vào trong sản xuất.

Chi cục Bảo vệ thực vật Tây Ninh kết hợp Trạm Bảo vệ thực vật huyện Gò Dầu tiến hành thả 1.000 cặp ong ký sinh trên rệp sáp bột hồng ở địa bàn một số ấp thuộc xã Cẩm Giang.