Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Hội Nông Dân Tủa Chùa Giúp Hội Viên Phát Triển Kinh Tế

Hội Nông Dân Tủa Chùa Giúp Hội Viên Phát Triển Kinh Tế
Ngày đăng: 17/10/2014

Hội Nông dân huyện Tủa Chùa có 12 cơ sở hội, 138 chi hội với gần 7.000 hội viên. Trong đó, số lượng hội viên nghèo, có hoàn cảnh khó khăn chiếm 54% tổng số hội viên. Xác định việc giúp đỡ hội viên có hoàn cảnh khó khăn vươn lên phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo là một nhiệm vụ quan trọng góp phần giúp hội viên ổn định, nâng cao chất lượng cuộc sống, đồng thời xây dựng tổ chức hội ngày càng vững mạnh.

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tủa Chùa, cho biết: Hội Nông dân huyện phối hợp với Phòng Lao động – Thương binh & Xã hội, Trung tâm Dạy nghề huyện mở các lớp tập huấn, dạy nghề cho hội viên, như: lớp kỹ thuật phòng và trị bệnh cho gia súc, gia cầm; kỹ thuật trồng trọt; nghề phi nông nghiệp… Từ năm 2013 đến nay, Hội đã mở 10 lớp tập huấn cho gần 350 hội viên.

Bên cạnh đó, Hội phối hợp với Ngân hàng Chính sách và Xã hội huyện tín chấp cho hội viên vay vốn phát triển kinh tế với lãi suất thấp. Số lượng hội viên được giúp đỡ vay vốn đến nay đã lên đến hơn 2.000 người với tổng dư nợ trên 54 tỷ đồng.

Từ đầu năm 2014, Hội xây dựng quỹ hỗ trợ nông dân tại 12/12 cơ sở hội trên địa bàn. Theo đó, mỗi hội viên sẽ tham gia đóng góp ít nhất 5.000 đồng trở lên để xây dựng quỹ nhằm xóa nhà tạm cho hội viên có hoàn cảnh khó khăn. Tháng 8 vừa qua, Hội giúp đỡ hội viên Hạng A Tráng, thôn Kể Cải, xã Mường Báng xóa nhà tạm với số tiền 10 triệu đồng.

Hội triển khai xây dựng thí điểm mô hình nuôi dê tập thể theo nhóm tại thôn Kể Cải (gồm 13 hội viên) nhằm giúp đỡ hội viên nghèo có điều kiện phát triển kinh tế, bằng cách: Hội Nông dân huyện sẽ hỗ trợ làm chuồng trại đồng thời cử cán bộ xuống hướng dẫn kiến thức về chăn nuôi, chăm sóc, phòng trị bệnh cho dê. Sau một thời gian triển khai, đến nay đàn dê đã tăng lên thành 65 con và hiện vẫn đang phát triển tốt.

Bên cạnh đó, Hội vận động gần 700 hội viên sản xuất kinh doanh giỏi trên địa bàn tích cực giúp đỡ hội viên có hoàn cảnh khó khăn để cùng nhau phát triển kinh tế. Thông qua nhiều hình thức như: chia sẻ kinh nghiệm trồng trọt, chăn nuôi; hỗ trợ cây, con giống; giúp đỡ vay vốn… hàng trăm hội viên nghèo đã được giúp đỡ vươn lên phát triển sản xuất.

Ngoài ra, Hội còn phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phòng Dân tộc huyện hỗ trợ nhiều giống cây trồng, vật nuôi cho hội viên nghèo, như: giống lúa, ngô, trâu, bò, dê, cá giống… Đồng thời chỉ đạo cơ sở hội ủng hộ giúp đỡ vật chất cũng như ngày công nhằm tạo động lực cho hội viên có hoàn cảnh khó khăn sớm phấn đấu vươn lên thoát nghèo.

Vừa thoát khỏi cảnh nghèo đói, khó khăn vào cuối năm 2013, anh Vàng A Chu, bản Trung Thu, xã Trung Thu vui mừng, cho biết: Những năm trước đây gia đình tôi nghèo lắm, chẳng có đủ gạo để ăn.

Nhờ được Nhà nước hỗ trợ 2 con dê sinh sản, Hội Nông dân huyện tập huấn kiến thức về chăn nuôi đồng thời giúp đỡ gia đình vay 8 triệu đồng tại Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện để đầu tư chăn nuôi lợn nái, gia cầm và sửa chữa nhà ở, cộng với việc vợ chồng tôi chịu khó trồng trọt, chăn nuôi. Đến nay, gia đình tôi đã có nguồn thu nhập ổn định từ 15 – 20 triệu đồng/năm, nhờ vậy thoát khỏi cảnh đói nghèo.

Đó chỉ là một trong số rất nhiều hội viên có hoàn cảnh kinh tế khó khăn được Hội Nông dân huyện Tủa Chùa giúp đỡ vươn lên thoát khỏi đói nghèo trong gần 2 năm qua. Hi vọng, với những biện pháp giúp đỡ thiết thực của mình, trong thời gian tới sẽ có nhiều hơn nữa hội viên nghèo, có hoàn cảnh khó khăn được Hội Nông dân huyện Tủa Chùa tạo điều kiện giúp đỡ để vươn lên thoát nghèo bền vững.


Có thể bạn quan tâm

Thí Điểm “Ruộng Lúa Bờ Hoa” Ở Tháp Mười (Đồng Tháp) Thí Điểm “Ruộng Lúa Bờ Hoa” Ở Tháp Mười (Đồng Tháp)

Trạm bảo vệ thực vật huyện Tháp Mười (Đồng Tháp) phối hợp nông dân thí điểm mô hình “Ruộng lúa bờ hoa” với diện tích hơn 2ha. Các loài hoa được trồng chủ yếu là hoa có màu sắc sặc sỡ, có nhiều phấn hoa để thu hút thiên địch như: cúc Đà Lạt, hoa dừa cạn, sao nhái, hướng dương, bông trang, mè, đậu bắp,...

09/05/2013
Cuộc Sống Khá Lên Nhờ Trồng Chanh Bông Tím Cuộc Sống Khá Lên Nhờ Trồng Chanh Bông Tím

Cây chanh bông tím đã bén rễ cả chục năm nay trên đất Nhị Bình (Châu Thành - Tiền Giang) với diện tích vài chục ha. Người trồng ít một vài công đất, nhiều nhất cũng khoảng 7 - 8 công. Nhờ cây chanh bông tím mang lại lợi nhuận cao, giúp một số hộ dân thoát nghèo và tiến dần lên khá. Trong số này có anh Phạm Hoàng Minh (ấp Đông A).

09/05/2013
Khá Giả Nhờ Nuôi Chim Cút Khá Giả Nhờ Nuôi Chim Cút

Trong những năm gần đây xã Quảng Minh (Hải Hà - Quảng Ninh) đang có sự bứt phá mạnh mẽ về phát triển kinh tế - xã hội, từ những mô hình kinh tế điển hình của các hộ dân trong xã mở ra hướng đi mới để thoát nghèo, trong đó có gia đình anh Đào Văn Thắm ở thôn 4.

09/05/2013
Nuôi Cua Xen Nuôi Tôm Quảng Canh Thu Lợi Khá Ở Bến Tre Nuôi Cua Xen Nuôi Tôm Quảng Canh Thu Lợi Khá Ở Bến Tre

Trong điều kiện bất lợi của thời tiết, nghề nuôi tôm sú bị thua lỗ hoặc chỉ có lãi ít, nhiều người đã chuyển sang nuôi cua xen trong ao nuôi tôm quảng canh. Tại huyện Thạnh Phú (Bến Tre), nhiều nông dân đã khấm khá nhờ nghề nuôi cua “nhướng”. Cua “nhướng” là tên gọi của người dân địa phương, vì lúc thả nuôi con cua còn rất nhỏ, người xem phải nhướng mắt lên thì mới nhìn thấy nó được.

10/05/2013
Trồng Xen Cây Bơ Trong Vườn Cà Phê Mang Lại Hiệu Quả Kinh Tế Cao Trồng Xen Cây Bơ Trong Vườn Cà Phê Mang Lại Hiệu Quả Kinh Tế Cao

Gia đình anh Phạm Văn Bình ở thôn Tân Lập (xã Ea Kpam, huyện Cư M’gar, Dak Lak) có 5 sào đất trồng cà phê. Qua tìm hiểu tư liệu thông tin và được tham gia lớp tập huấn kỹ thuật thâm canh cây cà phê do Hội Nông dân tổ chức, năm 2006, anh quyết định mua 30 cây bơ ghép về trồng thử nghiệm trên rẫy. Kết quả cây bơ lớn nhanh, đồng thời tạo điều kiện cho cây cà phê thêm xanh bởi cây bơ che bóng mát và giữ độ ẩm đất tốt, nhất là vào các tháng mùa khô.

10/05/2013