Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Hội nhập cho ngành chăn nuôi: Khó đứng vững trên sân nhà

Hội nhập cho ngành chăn nuôi: Khó đứng vững trên sân nhà
Ngày đăng: 11/07/2015

Chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ, không an toàn, cộng với chất lượng sản phẩm thấp… là điểm yếu của ngành chăn nuôi Thừa Thiên Huế nói riêng, cả nước nói chung sẽ rất khó cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu ngay tại “sân nhà”.

Phương thức chăn nuôi lạc hậu

Ông Trần Quang Phước, Trưởng phòng Chăn nuôi-Trồng trọt, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (PTNT) đánh giá, tồn tại lớn nhất của ngành là phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn còn phổ biến, số lượng, chất lượng sản phẩm thấp, khó đảm bảo an toàn dịch bệnh. Phần lớn các hộ do thiếu vốn, thiếu đất sản xuất, thiếu kỹ thuật nên chỉ nuôi chừng 5 - 10 con lợn, chủ yếu các giống truyền thống, như Cóc Vang, Móng Cái… có tỷ lệ nạc thấp, chất lượng sản phẩm không cao. Người dân còn e ngại nuôi các giống lợn ngoại, tỷ lệ nạc cao do chưa nắm vững khoa học, kỹ thuật tiên tiến… Đó chính là lý do mà tỷ lệ lợn “siêu nạc”, chất lượng cao trên địa bàn tỉnh hiện nay chỉ chiếm chưa đầy 42% trong tổng đàn bình quân trên dưới 200 ngàn con mỗi năm. Ngay cả việc nâng cao năng suất, chất lượng đàn bò được đánh giá có sự chuyển biến khá nhanh, nhưng tỷ lệ bò lai sind (có trọng lượng, chất lượng thịt cao) cũng mới chỉ chiếm khoảng 40,5% tổng đàn.

Chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ, không an toàn

Phương thức chăn nuôi gia cầm nhỏ lẻ, chuyển đổi rất chậm cũng là một tồn tại. Ở các vùng nông thôn, tận dụng hệ thống vườn nhà, các ao hồ, sông đầm, hầu như nhà nào cũng chăn nuôi gia cầm, thủy cầm. Hầu hết các hộ chỉ nuôi vài chục con gà, vịt thả rông đều không tuân thủ quy định tiêm vắc xin phòng chống dịch bệnh và không triển khai các biện pháp an toàn sinh học nên thường xảy ra dịch bệnh. Trong tổng đàn hằng năm khoảng 2 triệu con gia cầm, chỉ có khoảng vài trăm trang trại nuôi ước chừng vài trăm ngàn con, còn lại đều chăn nuôi nhỏ lẻ. Với phương thức chăn nuôi truyền thống, chủ yếu sử dụng giống gia cầm địa phương nên sản phẩm đạt năng suất, chất lượng không cao. Trọng lượng mỗi con gà, vịt ở các nước, như Mỹ, Úc, Ấn Độ… thường cao gấp rưỡi, gấp đôi so với gia cầm trong nước. Đây cũng chính là một trong những yếu tố quan trọng quyết định giá thành sản phẩm các nước thấp hơn nội địa.

Trang trại ít, hiệu quả thấp

Phương thức chăn nuôi theo mô hình trang trại (TT) an toàn được xác định là hướng đi phù hợp trong tiến trình hội nhập. Mấy năm gần đây, tỉnh quan tâm chính sách quy hoạch vùng sản xuất, đầu tư kết cấu hạ tầng để phát triển chăn nuôi theo mô hình TT. Hầu hết các TT chăn nuôi đều tuân thủ theo mô hình khép kín, an toàn sinh học, sử dụng các giống lợn lai ngoại, tỷ lệ nạc cao và ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật, tạo ra số lượng và chất lượng sản phẩm cao... Tuy nhiên số lượng TT chăn nuôi quy mô lớn trên địa bàn tỉnh hiện nay chỉ “đếm trên đầu ngón tay” và cũng đang gặp không ít khó khăn.

Từ khi mới lập trang trại ở vùng cát Quảng Lợi, ông Ái Hiệp quyết định chọn chăn nuôi lợn là chủ lực. Ngay từ lứa đầu tiên, ông nuôi 100 lợn nái và gần cả ngàn con lợn thịt. Trong 2 năm đầu, mỗi năm nuôi hai lứa cho doanh thu gần 6 tỷ đồng, lãi ròng hơn 1 tỷ... Ông Hiệp nói: “Mấy năm đầu có lãi, rất mừng, hy vọng chỉ vài năm sẽ trả xong nợ. Nhưng vì giá thức ăn, thuốc thú y ngày càng tăng cao, giá sản phẩm lại thấp, nếu cứ tiếp tục chăn nuôi sẽ thua lỗ nặng”. Theo tính toán của ông Hiệp, hiện nay nếu chăn nuôi với quy mô 1.000 con lợn thịt, 100 con lợn nái thì doanh thu trên 3 tỷ đồng, trong khi đó chỉ riêng chi phí thức ăn lên đến gần 3 tỷ đồng... Đến nay, ông Hiệp cũng như nhiều chủ TT vẫn còn nợ vốn vay ngân hàng.

Điều mà ông Ái Hiệp cũng như nhiều chủ TT trăn trở nữa, quá trình sản xuất, từ đầu tư kinh phí xây dựng chuồng trại đến quy trình kỹ thuật, đầu ra cho sản phẩm chủ yếu đều do các chủ hộ chăn nuôi “tự bơi”, chưa có sự hỗ trợ tích cực từ phía các cơ quan chức năng… Những rào cản trên khiến các chủ TT ít có lãi, thậm chí thua lỗ. Đó cũng chính là hạn chế làm giảm sức cạnh tranh của sản phẩm nội địa với các nước khác.

“Việc chuyển đổi tập quán sản xuất nhỏ lẻ sang nuôi tập trung chuyển biến rất chậm, ngoài thiếu đất, thiếu vốn còn do ý thức của người dân còn thấp. Bà con chủ yếu chăn nuôi mang tính tận dụng phụ phẩm trong gia đình để làm thức ăn, thiếu kiến thức, chưa mạnh dạn đầu tư công nghiệp. Người dân chưa chịu khó tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật chăn nuôi. Trong khi các trang trại hầu như không bị dịch, thì các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ lại thường xảy ra dịch bệnh cũng là lý do khiến người dân ngại nuôi…” (Ông Hồ Vang, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT nhận xét)


Có thể bạn quan tâm

Phát Triển Nghề Nuôi Cá Lồng Bè Phát Triển Nghề Nuôi Cá Lồng Bè

Được sự hỗ trợ lãi suất vốn vay của Nhà nước, nhiều nông dân ở Quảng Nam đã đầu tư phát triển mô hình nuôi cá nước ngọt trong lồng bè. Hướng nuôi này đã mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho nhiều hộ dân.

01/08/2013
Dịch Bệnh Trên Tôm Nuôi Tăng Ở Cà Mau Dịch Bệnh Trên Tôm Nuôi Tăng Ở Cà Mau

Theo báo cáo của Chi cục Thú y Cà Mau, diện tích tôm nuôi bị dịch bệnh ngày càng tăng nhanh. Tình hình dịch bệnh diễn biến ngày càng phức tạp và lan nhanh trên diện rộng, đặc biệt là bệnh hoại tử gan tụy. Nếu như năm 2010 có 38,54 ha thì đầu năm 2012 đến nay diện tích bị bệnh hoại tử gan tụy là 551,56 ha, tăng gấp 13 lần năm 2010.

11/08/2012
Nhiều Hộ Dân Trắng Tay Vì Cá Chết Chưa Rõ Nguyên Nhân Nhiều Hộ Dân Trắng Tay Vì Cá Chết Chưa Rõ Nguyên Nhân

Trong 2 ngày 12 và 13/6, 4 hộ nuôi cá ở xã Xuân Yên (Nghi Xuân - Hà Tĩnh) bị trắng tay vì cá trong hồ bỗng dưng chết hàng loạt mà chưa rõ nguyên nhân.

15/06/2013
Số Hộ Nuôi Cá Tra Thua Lỗ Ngày Càng Tăng Số Hộ Nuôi Cá Tra Thua Lỗ Ngày Càng Tăng

Tại ĐBSCL, nếu giai đoạn 2002 - 2005 có 25% số hộ nuôi bị thua lỗ thì trong 3 năm gần đây, tỷ lệ này lên đến gần 50%. Đây là kết quả nghiên cứu mới nhất do ĐH Cần Thơ công bố.

12/04/2013
Quản Lý Bất Cập, Ngành Chăn Nuôi Tụt Hậu Quản Lý Bất Cập, Ngành Chăn Nuôi Tụt Hậu

Trong chăn nuôi, đặc biệt là heo và gia cầm, các tiến bộ khoa học kỹ thuật như con giống, dinh dưỡng, chăm sóc, quản lý có vai trò quan trọng trong việc nâng cao sản lượng và chất lượng sản phẩm. Với gia cầm, ngoại trừ cúm H5N1, những yếu tố này đã giúp tạo sự phát triển ổn định những năm qua, đạt năng suất cao.

01/08/2013