Hội Làm vườn huyện Lai Vung và công tác phát triển mô hình kinh tế hợp tác
Huyện Lai Vung là một trong những địa phương có vùng chuyên canh cây ăn trái lớn của tỉnh Đồng Tháp, với 4.435ha, tập trung phần lớn các giống cây ăn quả thuộc họ cây có múi như: quýt hồng, quýt đường, cam soàn... ước tính sản lượng hằng năm cung cấp cho thị trường gần 85 ngàn tấn trái cây các loại.
Tuy nhiên, phần lớn diện tích còn canh tác theo kiểu nhỏ lẻ, không tập trung, ít ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất nên chi phí sản xuất khá cao, giá thành sản phẩm rất khó cạnh tranh.
Ông Nguyễn Hữu Dũng - Chủ tịch HLV huyện Lai Vung cho biết, xác định công tác xây dựng mô hình kinh tế hợp tác và chuyển giao khoa học, kỹ thuật đến với hội viên là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thời gian qua, HLV huyện tích cực phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức nhiều lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật, giúp hội viên trang bị được những kiến thức nền tảng về sản xuất trái cây an toàn theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP; kiến thức về phát triển kinh tế hợp tác trong thời kỳ hội nhập – sản xuất và tiêu thụ trái cây trong nền kinh tế thị trường; vận động nhà vườn chuyển đổi diện tích vườn tạp sang những loại cây trồng có hiệu quả kinh tế cao; bước đầu manh nha xây dựng các mô hình chuỗi liên kết gắn với cung ứng vật tư đầu vào và bao tiêu đầu ra giữa doanh nghiệp và nhà vườn.
Từ những mô hình của HLV đã triển khai, đến nay đã tạo được sức lan tỏa lớn trong đại đa số bà con nhà vườn. Nhiều tổ hợp tác (THT), hợp tác xã (HTX) sản xuất trái cây an toàn được thành lập trên địa bàn huyện. Hiện tại, có 2 đơn vị của Hội là HTX quýt hồng Long Hậu được cấp chứng nhận sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP và THT sản xuất quýt đường xã Vĩnh Thới đạt tiêu chuẩn GlobalGAP.
Hội viên, nông dân không chỉ đổi mới tư duy, cách làm kinh tế, mà còn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ những hộ khó khăn, hộ nghèo vươn lên, biết sử dụng lao động một cách hợp lý, sử dụng đồng vốn hiệu quả, góp phần tích cực trong xây dựng nông thôn mới và xây dựng tổ chức Hội vững mạnh.
HLV huyện lai Vung còn phối hợp với các đoàn thể, địa phương làm tốt công tác xã hội ở địa phương. Trong năm 2014, Hội đã vận động được 98 triệu đồng tặng quà cho những hoàn cảnh khó khăn, học sinh nghèo hiếu học...
Ông Lê Văn Tâm - Chủ tịch HLV tỉnh nhận định: “Các mô hình của HLV huyện xây dựng luôn mang tính ứng dụng cao và gắn liền với thực tế sản xuất tại địa phương. Một trong những điểm mạnh khác của HLV huyện Lai Vung là mời gọi được các doanh nghiệp vật tư nông nghiệp về địa phương bao tiêu đầu vào cho nhà vườn, giúp cho chuỗi giá trị thực hiện ngày càng hiệu quả, từng bước bắt nhịp tốt với Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh.
Chia sẻ về định hướng phát triển trong giai đoạn tới, ông Nguyễn Hữu Dũng cho biết: Trong thời gian tới, Hội tiếp tục phát triển mô hình kinh tế hợp tác, ngoài ra đối với các sản phẩm đã được cấp chứng nhận sản xuất an toàn, chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa, Hội sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại, kêu gọi đầu tư cũng như mở rộng thị trường tiêu thụ.
Hội đã gửi một số sản phẩm trái cây thế mạnh của địa phương chào hàng ở thị trường miền Bắc. Tuy nhiên, để trái cây của địa phương được nâng tầm, chúng tôi nghĩ rằng xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất an toàn là yếu tố rất cần thiết mà Hội sẽ tập trung thực hiện trong thời gian này.
Có thể bạn quan tâm

Nuôi kết hợp một ao tôm, một ao cá rô phi không những mang lại hiệu quả kinh tế cao do khống chế được dịch bệnh trên tôm mà còn góp phần đa dạng hóa sản phẩm thủy sản xuất khẩu của Việt Nam. mô hình này đang được Công ty CP tập đoàn thủy sản Minh Phú (Minh Phú) tích cực triển khai.

Sau 5 tháng triển khai, “Chuỗi liên kết cá tra – Tafishco” – mô hình thí điểm đầu tiên ở ĐBSCL và trong cả nước đã mang lại nhiều tín hiệu rất khả quan. Vụ mùa đầu tiên đã được thu hoạch với mỗi kg cá công ty bao tiêu với giá 24.300đ/kg, sau khi trừ chi phí, nông dân đạt lợi nhuận trên 2.000đ – mức lợi nhuận được xem là tốt nhất trong vài năm trở lại đây.

Ngay từ đầu năm 2014, các ngành của huyện Quảng Xương (Thanh Hóa) đã chỉ đạo các xã, doanh nghiệp và ngư dân ở các địa phương ven biển chủ động khắc phục khó khăn, tập trung chuyển đổi cơ cấu nghề, áp dụng các công nghệ mới vào khai thác thủy sản, góp phần nâng cao đời sống của bà con ngư dân.

Năm 2014, tỉ lệ thiệt hại trên tôm nuôi của tỉnh Sóc Trăng khá cao (trên 41%), tuy nhiên sản lượng vẫn đạt trên 80.000 tấn theo kế hoạch đề ra. Kết quả ấy là do người nuôi tôm đã chuyển đổi cơ cấu giống từ nuôi tôm sú sang tôm thẻ chân trắng một cách hợp lý.

Ngày đầu tuần tháng 1, sau chuyến đi biển cuối năm gặp trục trặc về máy móc, tàu câu mực lớn nhất Đà Nẵng ĐNa 90567 được ngư dân Trần Văn Mười cho lên đà bảo dưỡng. Phút rảnh rỗi, Trần Văn Mười tâm sự: “Tuy năm nay mất mùa mực, song giá mực cao hơn năm ngoái khoảng 25.000 đồng/kg, nên thu nhập cũng khá cao so với các nghề khác.