Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Hối Hả Thu Hoạch Lúa Hè Thu

Hối Hả Thu Hoạch Lúa Hè Thu
Ngày đăng: 04/09/2014

Thời điểm này, nhiều cánh đồng lúa hè thu trên địa bàn tỉnh đã và đang chín rộ. Những ngày qua, nông dân khẩn trương thu hoạch theo phương thức “cuốn chiếu” để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do bão lũ gây ra. Thực tế ở nhiều nơi cho thấy vụ này năng suất lúa đạt rất cao…

Mùa vàng

Nhìn chiếc máy gặt đập liên hợp đang thu hoạch ruộng lúa chín vàng của mình, bà Phạm Thị Chi (khu 5, thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc) phấn khởi: “Vụ ni tôi làm gần 3 sào lúa trên cánh đồng Ba Đại này, tất cả đều gieo sạ bằng giống ngắn ngày Thiên ưu 8. Hè thu này năng suất bình quân 1 sào chắc chắn sẽ không dưới 400kg lúa khô, tăng khoảng 80kg so với cùng vụ sản xuất năm ngoái”.

Ông Hồ Ngọc Mẫn – Trưởng phòng NN&PTNT Đại Lộc cho biết, hè thu 2014 nông dân trên địa bàn huyện canh tác tổng cộng 4.375ha lúa, trong đó 70 - 80% diện tích cơ cấu bằng những loại giống mới trung và ngắn ngày như HT1, TH3-5, Q5, TBR45, BC15.

Ông Mẫn nói: “Qua số liệu thống kê tại nhiều địa phương trong những ngày qua thì dự kiến vụ này năng suất lúa bình quân toàn huyện sẽ đạt ít nhất 60 tạ/ha, tăng 2 tạ/ha so với hè thu 2013”.

Những ngày qua, lội trên nhiều cánh đồng lúa ở huyện Quế Sơn, chúng tôi nhận thấy niềm vui được mùa đến với nhiều nông dân. Nhìn mấy chục bao lúa tươi chất ven bờ, ông Ngô Quang Ngọc ở thôn Trung Vĩnh (xã Quế Xuân 1, huyện Quế Sơn) hồ hởi: “Vừa ruộng của mình, vừa ruộng đi thuê của những người già yếu trong xóm, vụ này vợ chồng tôi làm cả thảy 12 sào lúa. Hiện nay, 85% diện tích đã được thu hoạch.

Nhờ nhiều yếu tố thuận lợi nên năng suất đạt khá cao, phơi phóng xong có tệ chi mỗi sào cũng thu về 370kg lúa khô, tăng 60kg so với hè thu năm trước”. Theo ông Lê Hữu Châu – Phó phòng NN&PTNT Quế Sơn, mùa lúa này nông dân địa phương gieo sạ 3.013ha lúa.

Khảo sát tại nhiều vùng cho thấy năng suất bình quân đạt khoảng 52 tạ/ha, tăng 3 tạ/ha so với hè thu năm ngoái. “52 tạ/ha đó là con số bình quân chung toàn huyện chứ riêng 1.500ha lúa thuộc các xã vùng đông như Quế Xuân 1, Hương An, Quế Phú, Quế Xuân 2 thì đạt đến 61 tạ/ha, tăng 7 tạ/ha so với vụ hè thu 2013” – ông Châu nói.

Ông Lê Muộn – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, hè thu 2014 toàn tỉnh sản xuất 44.000ha lúa, trong đó có 38.500ha chủ động tưới và 5.500ha phụ thuộc vào nước trời.

Ông Muộn nói: “Nhờ bố trí khung thời vụ hợp lý, cơ cấu nhiều loại giống mới có chất lượng cao, chủ động đối phó với tình trạng khô hạn, nhiễm mặn và đặc biệt là cơ quan chuyên môn tập trung chuyển giao mạnh mẽ các tiến bộ của khoa học – kỹ thuật cho nông dân nên vụ lúa này được mùa trên diện rộng.

Theo số liệu thống kê mới nhất của các huyện, thành phố thì năng suất lúa bình quân toàn tỉnh đạt 51,5 tạ/ha, tăng hơn 6 tạ/ha so với vụ hè thu năm ngoái. Riêng 38.500ha lúa chính vụ đạt đến 56,5 tạ/ha”.

Gặt theo kiểu “cuốn chiếu”

Vụ này, bà Trần Thị Lan ở thôn Tân Phong (xã Quế Lộc, huyện Nông Sơn) sản xuất 4 sào lúa. Do số diện tích đó xuống giống không cùng trà nên hiện nay lúa không chín đồng loạt. Vì thế, việc thu hoạch phải thực hiện theo phương thức “cuốn chiếu”.

Bà Lan nói: “Ở đây thuộc vùng trũng thấp, hễ mưa lớn kéo dài vài tiếng đồng hồ là nước ngập trắng đồng. Do vậy, bây giờ thấy đám lúa nào chín khoảng 85% là vợ chồng tôi cùng 2 đứa con lập tức khiêng máy ra đồng gặt thủ công chứ không chờ tất cả đều chín mới tiến hành thu hoạch một lúc. Sợ mưa lũ bất thường nên không thể đủng đỉnh được”.

Ngày 10.9 phải cơ bản thu hoạch xong 40.500ha lúa

Ông Lê Muộn – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, theo dự báo, trong thời gian tới tình hình mưa lũ sẽ diễn biến rất phức tạp.

Vì vậy, ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương cần phải quyết liệt chỉ đạo, đôn đốc nông dân khẩn trương thu hoạch lúa với phương châm “xanh nhà hơn già đồng” để giảm thiểu thiệt hại do tình trạng ngập úng gây ra.

Trong tổng số 44.000ha lúa trên toàn tỉnh thì bằng mọi giá phải gặt xong 40.500ha trước ngày 10.9, còn lại 3.000ha lúa nước ở một số huyện miền núi và 500ha thuộc khu tưới của hồ chứa Thạch Bàn (huyện Duy Xuyên) phải kéo dài thời gian thu hoạch đến ngày 25.9 vì xuống giống trễ vụ.

Tại nhiều địa phương khác của “rốn lũ” Nông Sơn, nhà nông cũng ra quân thu hoạch lúa với khí thế hết sức khẩn trương. Ông Nguyễn Văn Lanh – Phó phòng NN&PTNT Nông Sơn cho biết, hè thu 2014 nông dân trên địa bàn huyện gieo sạ gần 800ha lúa. Tính đến thời điểm này người dân đã thu hoạch được 70% diện tích.

Ông Lanh nói: “Để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, hiện nay ngành nông nghiệp huyện và chính quyền cơ sở đang tích cực vận động nhân dân khẩn trương thu hoạch các chân ruộng đã chín. Theo dự kiến, khoảng 5 ngày nữa là Nông Sơn sẽ gặt xong 30% diện tích lúa còn lại”.

Có mặt trên các cánh đồng của huyện Thăng Bình cũng thấy nông dân tất tả gặt lúa hè thu. Bà Phan Thị Hạnh – một người dân ở xã Bình Trung nói: “Những ngày gần đây, chiều nào trời cũng mưa dông kèm theo gió mạnh. Vì thế, thấy 3 sào lúa chín được 80 - 85% là tôi liền thuê máy gặt đập liên hợp thu hoạch.

Nếu chậm trễ, lỡ mưa gió làm lúa ngã rạp thì không chỉ sản lượng tụt giảm mà việc thu hoạch sẽ gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại”. Ông Nguyễn Xuân Vũ – Phó phòng NN&PTNT Thăng Bình cho hay, trong tổng số 7.300ha lúa trên toàn huyện thì đến giờ này nông dân đã gặt được 45% diện tích.

“Hiện nay, trên địa bàn huyện có khoảng 100 chiếc máy gặt đập liên hợp đang tham gia thu hoạch lúa cả ngày lẫn đêm, nhờ vậy tiến độ diễn ra rất nhanh. Theo dự kiến, trước ngày 10.9, Thăng Bình sẽ gặt xong toàn bộ 7.300ha lúa vừa nêu” – ông Vũ nói.


Có thể bạn quan tâm

Hội Nông dân cần nắm bắt tình hình nông dân thường xuyên Hội Nông dân cần nắm bắt tình hình nông dân thường xuyên

Để thực hiện có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ trọng tâm là tuyên truyền, vận động, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên, nông dân (ND), Hội ND các cấp phải coi việc nắm bắt và báo cáo kịp thời tình hình ND là hoạt động thường xuyên, liên tục.

16/11/2015
Bí quyết nuôi bò lớn nhanh, ít bệnh Bí quyết nuôi bò lớn nhanh, ít bệnh

Nhờ chí thú và ham học hỏi trong chăn nuôi bò, chỉ sau 2 năm gia đình anh Phạm Dũng, thôn Bến Đền Tây, xã Điện Quang, thị xã Điện Bàn (Quảng Nam) đã thoát nghèo.

16/11/2015
Khó khăn trong xét nghiệm chất cấm trên heo Khó khăn trong xét nghiệm chất cấm trên heo

Đại diện của Chi cục Chăn nuôi TP.HCM nêu khó khăn: Khi phát hiện chất cấm, phải giữ heo từ 5-7 ngày chờ kiểm tra. Điều này thường khiến heo bị giảm đề kháng, hay bị lở mồm, long móng.

16/11/2015
Cần đưa ngay vàng ô vào danh mục chất cấm Cần đưa ngay vàng ô vào danh mục chất cấm

Đại biểu Đinh Thị Phương Khanh (Long An) là người đưa ra đề xuất kiên quyết tại nghị trường, rằng không phải cứ đợi gây hậu quả chết người mới xử lý hình sự những đối tượng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, mà cần xử lý ngay nếu bắt quả tang được hành vi này.

16/11/2015
Trộn chất Vàng ô vào thức ăn chăn nuôi hành vi vô nhân đạo Trộn chất Vàng ô vào thức ăn chăn nuôi hành vi vô nhân đạo

Đây là hành vi vô đạo đức của những người sản xuất, bởi ngay trên bao bì đựng chất này đã ghi rõ chỉ được phép sử dụng trong công nghiệp nhuộm vải, giấy, xây dựng, nghiêm cấm sử dụng tạo màu trong chế biến thực phẩm và sản xuất thức ăn chăn nuôi...

16/11/2015