Hội chợ triển lãm giao lưu công nông nghiệp Hậu Giang 2015 Kết nối công nông

Khách hàng quan tâm hơn đến các sản phẩm sản xuất tại tỉnh Hậu Giang.
Trong những năm gần đây, đặc biệt càng gần về cuối năm, cùng với động thái mạnh mẽ của nhiều doanh nghiệp, siêu thị, trung tâm mua sắm trong việc triển khai các chương trình khuyến mại hoành tráng, người dân Hậu Giang đã quen dần với việc đón nhận “tin vui” từ các đợt đưa hàng Việt về nông thôn, hội chợ… Không nằm ngoài mục đích ý nghĩa lần này, Hội chợ triển lãm giao lưu công nông nghiệp Hậu Giang 2015 là sự khởi đầu cho các hoạt động kích cầu mua sắm khi năm mới đang gần kề.
Chen chân dạo một vòng khu vực hội chợ, dễ nhận thấy hàng hóa trưng bày tại hội chợ khá phong phú, chủ yếu là hàng được sản xuất trong nước.
Sau khi mua sắm tay xách hai túi căng đầy, chị Võ Thị Mai, ở xã Vị Đông, huyện Vị Thủy, vui vẻ cho biết: “Đúng vào dịp gia đình cần phải mua sắm nhiều thứ để phục vụ nhu cầu sinh hoạt thì có hội chợ.
Hàng hóa trưng bày tại hội chợ đều ghi xuất xứ cụ thể nên tôi lựa chọn, mua về dùng”.
Đáng chú ý, theo ghi nhận của chúng tôi, hội chợ không đơn thuần là một hoạt động thương mại, giải trí.
Không chỉ có người dân nô nức, những doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tham gia cũng tỏ ra rất phấn khởi.
Trừ một vài cơ sở nhỏ chuyên kinh doanh giày dép, dây nịt, đồng hồ, thời trang… còn đặt nặng yếu tố bán lẻ ra, nét chuyển biến nổi trội của các doanh nghiệp tham gia hội chợ lần này là quan tâm đến việc xúc tiến, quảng bá thương hiệu.
Các doanh nghiệp cho rằng, mục tiêu chính của việc tham dự hội chợ không phải là bán hàng mà hầu hết đều mong muốn giới thiệu sản phẩm, tư vấn - hướng dẫn tiêu dùng và quan trọng hơn là có cơ hội tiếp cận trực tiếp người tiêu dùng.
Như chị Nguyễn Kim Thùy, cơ sở kinh doanh chả cá, cá thát lát tẩm gia vị Kỳ Như, ở xã Thạnh Hòa, huyện Phụng Hiệp, chia sẻ: “Là một cơ sở mới, chúng tôi luôn tìm kiếm cơ hội đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng.
Mang đến hội chợ lần này, cơ sở Kỳ Như muốn gửi đến khách hàng sản phẩm chả cá và cá thát lát tẩm ướp gia vị.
Chỉ trong vài giờ tiếp nhận gian hàng, khách hàng đã đến và đặt câu hỏi về giá cả, điều kiện bảo hành, khả năng cung cấp của cơ sở.
Như vậy đủ thấy nhu cầu và khả năng tiêu thụ tại tỉnh, người dân đã hiểu hơn về sản phẩm sản xuất của chúng tôi”.
Cũng theo chị Thùy, chị quan tâm nhiều hơn đến vấn đề làm sao đưa cái tên Kỳ Như vào trong tâm lý mua sắm của người tiêu dùng.
Còn cô Nguyễn Thị Thu Thủy, gian hàng hủ tiếu dai Sa Đéc đến từ tỉnh Đồng Tháp, phấn khởi chia sẻ: “Cứ mỗi đợt hội chợ, cơ sở của tôi lại mang hàng hóa đến để quảng bá.
Điều chúng tôi nhận ra là từ khi có cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, bà con đã nhận thấy dùng hàng Việt an toàn, chất lượng hơn, giá cả phù hợp nên sản phẩm của cơ sở sản xuất đã thu hút sự quan tâm và được người tiêu dùng lựa chọn nhiều.
Đây chính là kỳ vọng lớn nhất của những doanh nghiệp nhỏ như chúng tôi”.
Bên cạnh các gian hàng trưng bày sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, còn có sự xuất hiện của các cơ sở sản xuất giống cây trồng uy tín trong tỉnh.
Sự có mặt của gian hàng Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh làm cho khu vực hội chợ thêm phần sinh động.
Tại gian hàng, có hơn 25 sản phẩm từ cây, con giống mang về từ khắp các huyện để trưng bày.
Khách tham quan dễ dàng tìm cho mình từ cá thát lát giống, bồ câu giống cho đến các giống lúa chất lượng cao…
“Đây là cơ hội tốt cho các đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức kinh tế quảng bá, xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm mới.
Đặc biệt là sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp chất lượng cao.
Cũng trong hội chợ lần này, các doanh nghiệp thuộc nhiều ngành hàng từ kinh doanh giống cây trồng cho đến thực phẩm, may mặc, đồ dùng gia đình, quà tặng, hàng thủ công mỹ nghệ, đồ gỗ… đã tổ chức nhiều hình thức khuyến mại dành cho người tiêu dùng.
Khởi động cho những tháng cuối năm, ngành công thương sẽ dồn sức vào công tác bình ổn thị trường, kiểm soát giá cả, không để xảy ra tình trạng sốt giá và mang đến cho người dân nhiều cơ hội mua sắm hơn”, ông Huỳnh Thanh Phong, Giám đốc Sở Công thương Hậu Giang, cho biết.
Có thể bạn quan tâm

Tết năm nay trên quê hương Năm Căn (Cà Mau) sẽ có nhiều đổi mới. Dọc theo những con đường bê-tông về các xã, đi vào từng ấp, hai bên đường cây ăn trái được trồng xen canh. Đây là chủ trương của huyện vận động Nhân dân tận dụng đất trống vườn nhà trồng rau màu, cây ăn trái. Phía sau những vườn cây, rau màu là những đầm tôm, rừng đước mênh mông.

Âu thuyền Thọ Quang những ngày cuối năm nhộn nhịp hẳn lên. Trên các cầu cảng, ngư dân khẩn trương vá lưới, buộc chì, buộc phao. Dưới tàu, các máy trưởng kiểm tra lại máy móc, các thiết bị liên lạc, máy dò cá… chuẩn bị sẵn sàng trước giờ vươn khơi. Trên các cầu cảng, nhiều xe chở dầu, lương thực, thực phẩm, nước uống đậu kín chờ bốc xuống tàu.

Trong 2 năm 2013-2014, Trung tâm Giống thủy sản Nghệ An đã thực hiện thành công dự án “Ứng dụng KHCN xây dựng mô hình nuôi thương phẩm cá chiên trong lồng bè trên thủy vực lớn” cho hiệu quả kinh tế cao, mở ra một hướng mới cho việc bảo tồn, phát triển các loài thủy sản bản địa có giá trị, đồng thời khai thác, sử dụng hiệu quả tiềm năng diện tích mặt nước của các hồ chứa.

Thực tiễn nuôi tôm thời gian qua tại các địa phương ở Cà Mau đã chỉ ra rằng: nếu nông dân thực hiện xen canh, cắt vụ luân canh với các loài cá phi, cá bổi, các loại cá đồng, sò huyết, vọp, cá kèo… sẽ có được những vụ tôm đạt kết quả tốt hơn và cũng tăng thêm thu nhập từ những đối tượng nuôi phụ đó.

Theo Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), với mục tiêu nhanh chóng đưa đồng vốn hỗ trợ theo Nghị định 67 đến với chủ tàu/ngư dân tại các địa phương vùng biển, chi nhánh BIDV tại tất cả các địa phương đã đến với từng chủ tàu/ngư dân có nhu cầu để hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ, thủ tục vay vốn, đảm bảo đơn giản, công khai và minh bạch.