Hoàng Su Phì tập trung các giải pháp triển khai sản xuất vụ Mùa

Chủ động ứng phó với thiên tai:
Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, trong những năm gần đây, trên địa bàn huyện Hoàng Su Phì xuất hiện rất nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan, phức tạp. Điển hình như: Rét đậm, rét hại, khô hạn, giông, lốc..., các hiện tượng thời tiết cực đoan xảy ra với mật độ dày hơn, gây ra những thiệt hại lớn cho sản xuất nông nghiệp và đời sống của người dân. Chỉ tính riêng trong vụ Xuân năm 2015, tình hình thời tiết diễn biến khắc nghiệt, đầu năm hạn hán kéo dài, đến thời điểm cuối tháng 4, tháng 5, đầu tháng 6 thời tiết khô hạn, kèm theo nắng nóng kéo dài đã làm thiệt hại trên 393 ha ngô bị ảnh hưởng, sản lượng ước thiệt hại 1.085 tấn.
Để phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch về sản xuất nông nghiệp của tỉnh giao năm 2015. Huyện chủ động xây dựng phương án sản xuất “Lấy vụ Mùa bù vụ Xuân” với giải pháp khắc phục chống hạn, khôi phục sản xuất bù lại diện tích, sản lượng cây trồng vụ Xuân bị thiệt hại do thời tiết khô hạn, nắng nóng kéo dài. Bằng các biện pháp như: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền; triển khai thực hiện các giải pháp kỹ thuật để nhân dân chủ động đầu từ thâm canh, tăng diện tích gieo trồng các cây trồng vụ Mùa, vụ Thu – đông như: Lúa, ngô, đậu tương nhằm nâng cao năng suất, sản lượng bù lại diện tích, sản lượng cây trồng đã bị thiệt hại ở vụ Xuân năm 2015. Phấn đấu tổng sản lượng lương thực có hạt cả năm đạt 36.734,9 tấn (lúa 22.410,4 tấn, ngô 14.324,5 tấn), đạt 100% kế hoạch huyện giao, tăng 116,9 tấn so với kế hoạch tỉnh giao.
Phấn đấu hoàn thành kế hoạch gieo trồng:
Theo kế hoạch, vụ Mùa năm nay, toàn huyện có kế hoạch gieo trồng trên 10 nghìn ha cây trồng các loại. Tính đến hết tháng 7, nhân dân đã cấy lúa mùa được 3.111,8ha, đạt 86,92% kế hoạch; cây ngô được 473ha, đạt 47,3% kế hoạch (bao gồm cả kế hoạch bù vụ Xuân); cây đậu tương được 1.673ha, đạt 58,2% KH; cây lạc trồng được 115ha, đạt 42,2% kế hoạch. Những diện tích cây trồng chưa đảm bảo kế hoạch, người dân đang tiếp tục gieo trồng, dự kiến trồng xong vào trung tuần tháng 8. Thời điểm này, bà con nông dân trên địa bàn đang tích cực chăm sóc, bón phân và phòng trừ sâu bệnh nhằm đảm bảo tốt các điều kiện cho cây phát triển. Bên cạnh đó, bà con cũng đang tiến hành nạo vét, khơi thông kênh mương để dẫn đảm bảo nước tưới cho cây trồng.
Đồng chí Nguyễn Quang Duẩn, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp huyện cho biết: Trước những diễn biến bất lợi của thời tiết, để chủ động phòng, ngừa và đẩy nhanh tiến độ sản xuất vụ Mùa theo kế hoạch, các cấp, các ngành, địa phương trong huyện thường xuyên kiểm tra, đôn đốc người dân đẩy tiến độ gieo cấy lúa mùa và trồng cây màu ngay khi có nước; rà soát các diện tích có nguy cơ hạn cao chuyển sang trồng các cây màu có giá trị kinh tế cao. Về cơ cấu giống, đối với cây lúa tập trung gieo trồng bằng các loại giống lúa lai năng suất cao như: Cương ưu 725, Kim ưu 725; cây ngô tập trung gieo trồng các giống ngô lai CP999, NK66; cây đậu tương gieo trồng giống đậu tương chủ lực là DT84. Hiện, ngành Nông nghiệp và chính quyền các xã, thị trấn đang tập trung vận động, hướng dẫn người dân tích cực chăm bón, làm cỏ, phòng trừ sâu bệnh gây hại đối với những diện tích đã gieo trồng; chủ động theo dõi sát sao tình hình thời tiết, tăng cường kiểm tra các loại cây trồng để kịp thời phát hiện sâu bệnh và có hướng xử lý, đảm bảo các loại cây trồng cho năng suất cao vào cuối vụ.
Có thể thấy, vụ Mùa năm nay nhiều địa phương của huyện Hoàng Su Phì triển khai sản xuất chậm thời vụ là do hậu quả của nắng nóng kéo dài. Tuy nhiên, bằng các chủ trương, biện pháp phù hợp, cùng sự nỗ lực của người dân, tin tưởng rằng sản xuất vụ Mùa ở Hoàng Su Phì sẽ có một vụ mùa bội thu cả về năng suất và sản lượng.
Có thể bạn quan tâm

Qua tổng hợp của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, đến cuối năm 2012 diện tích thanh long toàn tỉnh Bình Thuận đạt 19.419 ha; trong 6 tháng đầu năm 2013 nông dân các huyện, thị xã đã trồng mới 717 ha, nâng diện tích thanh long lên 20.136 ha, vượt so với quy hoạch đến năm 2015 là 5.136 ha thanh long.

Toàn tỉnh Vĩnh Long hiện có 13 cơ sở, vùng sản xuất đạt tiêu chuẩn GlobalGAP. Trong đó, có 4 cơ sở cây ăn trái, 2 cơ sở rau màu và 7 cơ sở thủy sản. Nông sản đạt chứng nhận GlobalGAP trên cây ăn trái chủ yếu trên bưởi Năm Roi, cam sành, nhãn, chôm chôm, mận, xoài,…

Với giá bán 3.800-6.000 đồng/kg dưa hấu, vụ dưa hấu cuối cùng trong năm của bà con đất cồn (thuộc xã An Thủy - Ba Tri, Bến Tre) được đánh giá là có lãi khá cao. Do đặc thù của vùng đất, từ nhiều năm nay, bà con đất cồn không trồng vụ dưa hấu Tết vì “đụng hàng” với dưa của miền Đông và các tỉnh lân cận.

Sau nhiều năm năng suất tôm trên đất trồng lúa kém hiệu quả, ông Ngô Văn Hùng, ấp Rau Dừa, xã Hưng Mỹ, huyện Cái Nước (Cà Mau), sáng tạo bằng cách chia nhỏ vuông tôm để nuôi theo mô hình quảng canh cải tiến, kết quả năng suất tôm tăng trên 50%, lúa đạt trên 20 giạ/công.

Đến với ong là một sự tình cờ và gắn bó với nó như một cái duyên. Nhưng cái duyên đó đã mang lại thu nhập cao cho gia đình ông Phùng Văn Bắt, thôn Đoàn Kết, xã Hòa Sơn, huyện Hữu Lũng (Lạng Sơn).