Hoa Quả Việt Lên Ngôi

Tại Hà Nội, hoa quả trong nước đang có sức tiêu thụ mạnh so với hàng nhập từ Trung Quốc khiến tiểu thương ở chợ Long Biên chuyển hướng kinh doanh.
“Tẩy chay” hoa quả Trung Quốc
Khảo sát tại chợ đầu mối Long Biên, điểm trung chuyển và buôn bán hoa quả sầm uất nhất Hà Nội, quy mô quầy bán hoa quả Trung Quốc teo tóp dần và có phần lép vế hơn so với các quầy hàng ngồn ngộn hoa quả Việt Nam nhập về từ các tỉnh phía nam như: xoài, bưởi, thanh long, quýt ngọt…
Giải thích cho sự lên ngôi nhiều loại quả trong nước ở chợ đầu mối này, chị Nguyễn Thị Kim Dung, tiểu thương chợ Long Biên cho rằng, ngay cả giới tiểu thương cũng “dị ứng” với hoa quả Trung Quốc. Khi người tiêu dùng rất e ngại, thậm chí là “tẩy chay” do tâm lý lo ngại không đảm bảo vệ sinh, khiến tiểu thương gặp nhiều khó khăn trong kinh doanh. Người tiêu dùng lựa chọn sử dụng hoa quả trong nước khiến nhiều loại hàng bán rất chạy.
Cũng theo chị Dung, nguồn hàng của Việt Nam bây giờ phong phú hơn. Tiểu thương luôn có hàng chục mối hàng khác nhau, khâu vận chuyển không còn khó khăn nữa. Mùa nào thì có loại quả ấy, dồi dào quanh năm, giá cả không quá chênh lệch, nên tiểu thương quay lại kinh doanh hàng trong nước, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
“Mùa này nhiều nhất là xoài, thanh long có sức mua rất lớn. Ngày thường bán khoảng 1 - 2 tấn nhưng đến ngày tuần (rằm và mùng một âm lịch) lượng hàng bán được có thể lên tới hàng chục tấn”, chị Dung khoe. Trong khi đó, hoa quả Trung Quốc bán rất chậm.
Đảo chiều… kinh doanh
Qua tìm hiểu, tại nhiều ki ốt chợ Long Biên, sức tiêu thụ các loại hoa quả Trung Quốc đang sụt giảm mạnh khiến không ít tiểu thương phải cơ cấu lại các mặt hàng kinh doanh trong ki ốt, ưu tiên nhiều diện tích hơn cho hoa quả trong nước.
Trao đổi với Thanh Niên, Phó trưởng ban Quản lý chợ đầu mối Long Biên, bà Nguyễn Thị Ánh Thịnh khẳng định, thị phần mặt hàng hoa quả trong nước đang có tỷ lệ áp đảo so với hàng Trung Quốc khi chiếm đến 70%. Hiện tại ở chợ Long Biên hàng Trung Quốc chủ yếu là táo, lê, dưa vàng, nho, lựu và hồng ngâm dù đang vào chính mùa nhưng lượng hàng nhập về chợ đã sụt giảm mạnh so với thời điểm hai năm về trước.
“Không hẳn là mất an toàn vệ sinh thực phẩm, vì hoa quả Trung Quốc vào chợ đều là hàng nhập khẩu chính ngạch thông qua doanh nghiệp, có đầy đủ giấy tờ chứng nhận kiểm dịch. Tuy nhiên, hàng nhập về bán chậm thì tiểu thương phải tìm đến nguồn hàng khác thôi”, bà Thịnh lý giải.
Cũng theo bà Thịnh, xu hướng tiểu thương liên kết với nhà vườn tiêu thụ hoa quả trong nước ở chợ Long Biên đang có bước phát triển khi người tiêu dùng “ngại” hàng Trung Quốc.
Theo thông tin từ Sở Công thương TP.Hà Nội, thống kê đến hết tháng 7, các hoạt động xúc tiến thương mại đưa nông sản từ các vùng miền, có nguồn gốc suất xứ rõ ràng về tiêu thụ tại thị trường Thủ đô diễn ra sôi động, với nhiều hợp đồng được ký kết giữa các doanh nghiệp.
Riêng mặt hàng hoa quả, thành công nhất là hợp tác giữa các doanh nghiệp thương mại tại Hà Nội với Hiệp hội nho Ninh Thuận cùng doanh nghiệp ở nhiều tỉnh, thành phố để đưa sản phẩm vào tiêu thụ trong các hệ thống siêu thị lớn tại Thủ đô như Intimex, Fivimart, Hapro…
Trong tháng 11, Sở Công thương Hà Nội chủ trì, tổ chức chương trình quảng bá thương hiệu, đặc sản vùng miền Việt Nam, giúp các doanh nghiệp có nhiều cơ hội hợp tác, đầu tư, đưa sản phẩm chất lượng, an toàn tới người tiêu dùng.
Có thể bạn quan tâm

Để nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp, đem lại giá trị kinh tế cao và bù đắp một phần tổn thất trong vụ mía vừa qua, trong niên vụ mía 2011-2012, nông dân vùng mía nguyên liệu huyện Phụng Hiệp tập trung phát triển diện tích rau màu ngắn ngày xen với cây mía, đây được xem là mô hình “lấy ngắn nuôi dài” mang lại hiệu quả cao.

Những cơn mưa lớn xuất hiện đột ngột trong những ngày qua làm môi trường ao nuôi tôm biến động, tạo điều kiện thuận lợi cho các loài vi khuẩn, vi-rút phát triển gây bất lợi cho tôm nuôi, đặc biệt ở loại hình nuôi tôm công nghiệp (NTCN). Đồng thời cũng tạo điều kiện cho các loại bệnh lạ xuất hiện và phát sinh trên diện rộng như bệnh gan tụy.

Qua 10 năm đầu tư chăn nuôi heo, chị Nguyễn Dương (thôn Di Đông, xã Phú Hồ, huyện Phú Vang, Thừa Thiên - Huế) rút ra kinh nghiệm: Với điều kiện đất đai, thổ nhưỡng nơi đây, muốn thoát nghèo, làm giàu phải từ chăn nuôi.

Phế thải là nguồn gây ô nhiễm môi trường trầm trọng, việc không xử lý hoặc xử lý rác thải không đúng quy trình, bằng những công nghệ lạc hậu, tốn kém năng lượng và chi phí nhân công đang là trở ngại lớn cho nhiều địa phương

Nuôi heo rừng là mô hình đang được các ngành chức năng nghiên cứu nhân rộng để giúp người dân nhanh chóng thoát nghèo, từng bước vươn lên thành khá giàu.