Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Hoà Bình Bảo Tồn Giống Lợn Bản Địa

Hoà Bình Bảo Tồn Giống Lợn Bản Địa
Ngày đăng: 16/06/2014

Lợn bản địa là giống thuần chủng được các dân tộc Mường, Dao trong tỉnh Hoà Bình chăn nuôi đã từ lâu đời. Đặc điểm của giống lợn này có lông dày - xù, tai nhỏ, chân nhỏ, mõm dài - thon gọn, khả năng tăng trọng và sinh sản thấp, khối lượng cơ thể nhỏ, thời gian nuôi kéo dài, chịu được kham khổ, chống chịu được thời tiết khí hậu thay đổi bất thường, đặc biệt là chất lượng thịt thơm ngon, dễ chế biến, được nhiều người ưa chuộng, đáp ứng nhu cầu sử dụng sản phẩm chất lượng cao cho thị trường trong và ngoài tỉnh.

Theo đồng chí Phạm Vinh Xương, Chi cục phó Chi cục Thú y: Cũng như các giống lợn bản địa khác, lợn bản địa Hòa Bình đang trong tình trạng báo động về quản lý con giống, chất lượng giống cận huyết, đồng huyết do lợn tự phối giống lẫn nhau trong cùng bầy đàn. Số lượng lợn bản địa thuần bị giảm đi nghiêm trọng và có nguy cơ mất giống do sự lai tạp giao thoa với các giống lợn khác.

Thêm vào đó là những báo động về dịch bệnh đe dọa và phương thức nuôi lạc hậu, không có sự kiểm soát. Tuy rằng nhiều xã vùng sâu, xa, cao của tỉnh vẫn còn bảo tồn giống lợn bản địa nhưng việc nuôi chỉ mang tính tự cung, tự cấp. Vấn đề xây dựng và giữ thương hiệu vẫn chưa được quan tâm để phát triển sản xuất một cách bền vững, hiệu quả.

Với số lượng thống kê ước gần 30.000 con, lợn bản địa phân bố chủ yếu ở các xã vùng cao của 11 huyện, thành phố, nhiều nhất ở huyện Đà Bắc với 14.350 con, Cao Phong có 7.140 con chủ yếu tại xã Yên Thượng, Yên Lập, Thung Nai, Nam Phong, Dũng Phong, Xuân Phong; Kim Bôi 2.245 con tập trung ở xã Đú Sáng, Bình Sơn, Bắc Sơn, Hạ Bì. Vài năm gần đây trong tỉnh xuất hiện những hộ, nuôi lợn bản địa quy mô nhỏ đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Không ít hộ đã chuyển từ nuôi lợn lai sang nuôi lợn bản địa, từ phương thức nhỏ sang phương thức lớn để cung cấp nhiều sản phẩm cho thị trường. Một số xã Cao Sơn (Đà Bắc) đã đưa chăn nuôi lợn bản địa vào Nghị quyết trong kế hoạch phát triển kinh tế của xã, coi đây là mũi nhọn đột phá trong phát triển kinh tế.

Bằng hướng đi này đã tận dụng được thế mạnh về giống, đất đai vườn đồi rộng và cách nuôi phù hợp với người dân. Từ đó xuất hiện và hình thành nhiều gia trại chăn nuôi lợn bản địa thả rông có sự quản lý đem lại thu nhập cao như hộ anh Khương Đức Thụ ở xóm Sèo, xã Cao Sơn, Trần Viết Ngân ở xóm Chu, xã Trung Minh (thành phố Hòa Bình)…

Có một thực tế là tập quán thả rông là phương thức chăn nuôi truyền thống đối với giống lợn bản địa tạo cho chúng khả năng tự kiếm thức ăn, tự đấu tranh sinh tồn với cuộc sống hàng ngày. Các biện pháp kỹ thuật chăm sóc nuôi dưỡng, thú y, phòng - chống dịch bệnh chưa được chú ý nhiều, đặc biệt đối với vùng sâu, xa. Do đó, năng suất, chất lượng sản phẩm chăn nuôi của giống lợn này chưa ổn định.

Nhằm bảo tồn, tiến tới khai thác, phát triển giống lợn bản địa Hòa Bình, Viện Chăn nuôi (Bộ NN & PTNT), tổ chức Jica Nhật Bản đang phối hợp với ngành NN & PTNT tỉnh ta xúc tiến xây dựng và triển khai dự án Thành lập ngân hàng gen đông lạnh cho các giống lợn bản địa của tỉnh Hòa Bình nói riêng và của Việt Nam nói chung nhằm phát triển hệ thống chăn nuôi lợn bền vững bảo vệ đa dạng sinh học. Dự án hướng tới các mục tiêu hỗ trợ cụ thể, trong đó có hỗ trợ kỹ thuật, thức ăn, hỗ trợ quảng bá thương hiệu sản phẩm hàng hóa.

Hy vọng rằng trong tương lai gần, dự án được tổ chức, thực hiện tại tỉnh sẽ góp phần bảo tồn giống lợn bản địa tại địa phương, phát huy những ưu điểm, khắc phục nhược điểm và nâng cao chất lượng của giống, khai thác có hiệu quả cung cấp sản phẩm sạch, có chất lượng cao cho thị trường trong, ngoài nước.

Đồng thời giúp định hướng phát triển, xây dựng thương hiệu cho giống lợn bản địa Hòa Bình. Ngoài ra, các nhà khoa học cũng đang nghiên cứu tìm ra các PERV tồn tại trong nguồn gen giống lợn bản địa nuôi dân dã của tỉnh. Đây là một dạng tế bào gốc để cấy ghép thay thế một số bộ phận của con người trong tương lai.


Có thể bạn quan tâm

Xúc Tiến Thương Mại Xúc Tiến Thương Mại "Kích" Tăng Trưởng Rau Quả Xuất Khẩu

Con số mà ông Hương cập nhật đến hết tháng 5/2014 cho thấy, kim ngạch xuất khẩu rau quả cả nước trong 5 tháng đã đạt 472 triệu USD, tăng 28% so với cùng kỳ 2013. Với con số này, rau quả Việt Nam tiếp tục giữ vững uy tín và vị thế tại những thị trường chủ lực như: Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Nga, Đài Loan, Hàn Quốc, Singapore…

16/07/2014
Lợi Nhuận 143 Triệu Đồng/vụ/máy Gặt Đập Liên Hợp Lợi Nhuận 143 Triệu Đồng/vụ/máy Gặt Đập Liên Hợp

Diện tích thu hoạch mỗi vụ trong năm từ 90-120ha/máy, nếu tính trung bình khoảng 100ha/máy ở 2 vụ chính là Đông xuân và Hè thu, thì với giá thu hoạch lúa bằng máy khoảng 300.000 đồng/công, sẽ cho nguồn thu mỗi máy/vụ là 300 triệu đồng.

17/07/2014
Ưu Tiên Nông Sản Thực Phẩm An Toàn Ưu Tiên Nông Sản Thực Phẩm An Toàn

Từ năm 2008, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành tiêu chuẩn VietGAP áp dụng trên các loại nông thủy sản Việt Nam. Ngành nông nghiệp Đồng Tháp cũng từng bước triển khai áp dụng cho người nông dân thực hành sản xuất theo tiêu chuẩn GAP để tiến đến tiêu chuẩn GlobalGAP và một số tiêu chuẩn bắt buộc khác của các nhà nhập khẩu.

05/12/2014
Trồng Cây Tam Thất Cần Thận Trọng Khi Tăng Diện Tích Trồng Cây Tam Thất Cần Thận Trọng Khi Tăng Diện Tích

Tuy cây tam thất có giá trị kinh tế cao, điều kiện thổ nhưỡng ở xã Ninh Ích (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) phù hợp, nhưng người dân nơi đây cần phải thận trọng khi mở rộng diện tích trồng loài cây này bởi sản phẩm chưa có đầu ra ổn định.

17/07/2014
Đề Phòng Úng Ngập Lúa Mùa Do Bão Rammasun Đề Phòng Úng Ngập Lúa Mùa Do Bão Rammasun

Trưa 16/7, bão Rammasun đã đi vào Biển Đông. Theo dự báo, đây là cơn bão mạnh, sẽ gây mưa lớn 200-300 mm cho các tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ và Bắc Bộ. Khả năng gây ngập úng cho lúa mới cấy là rất cao, nhất là với vùng thung lũng miền núi phía bắc, vùng thấp trũng Đồng bằng sông Hồng.

17/07/2014