Hộ Tư Nhân Đầu Tiên Thụ Tinh Nhân Tạo Cho Cá Nheo

Theo Chi cục Thủy sản Yên Bái, vừa qua, gia đình anh Trần Đức Phương ở thôn 6, xã Vân Hội, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái đã dùng phương pháp thụ tinh nhân tạo cho cá nheo và đạt kết quả cao, tỷ lệ trứng nở thành cá nheo giống đạt trên 80%.
Với thành công này, gia đình anh trở thành hộ tư nhân đầu tiên ở miền Bắc sản xuất được cá nheo giống.
Được sự giúp đỡ về kỹ thuật của các kỹ sư nông nghiệp thuộc Chi cục Thủy sản Yên Bái, năm 2012 gia đình anh Phương bắt đầu tiến hành biện pháp thụ tinh nhân tạo cho cá nheo. Sau khi cá nheo mẹ được tiêm thuốc kích thích rụng trứng và cho thụ tinh nhân tạo, trứng được cho vào bể ấp, ngày hôm sau nhiều trứng đã nở thành cá nheo con. Tuy nhiên, tỷ lệ cá nở còn thấp do không kiểm soát được nhiệt độ môi trường, nhiệt độ nước, ánh sáng... nên ảnh hưởng đến quá trình thụ tinh, tỷ lệ trứng nở chỉ đạt khoảng 30%.
Rút kinh nghiệm thực tế từ mùa ấp trứng năm trước, năm nay, gia đình anh tiếp tục đầu tư hàng trăm triệu đồng để xây dựng khu nhà chuyên dùng cho cá nheo đẻ, xây dựng đường ống dẫn nước, bể tạo áp lực nước, bể ươm, hệ thống làm lạnh và kiểm soát nhiệt độ môi trường không khí, nhiệt độ nước, ánh sáng... nhằm tạo ra môi trường như tự nhiên cho cá đẻ, thụ tinh được thuận lợi.
Ngày 22/3, gia đình anh Phương bắt đầu tiến hành cho thụ tinh cá nheo sông bằng phương pháp nhân tạo và tỷ lệ trứng nở đạt gần 80%. Ngày 25/3, anh Phương tiếp tục cho ấp trứng và điều chỉnh thông số nhiệt độ, áp lực nước... và tỷ lệ cá nở đã đạt trên 80%. Toàn bộ số cá nheo con sau khi nở đều có tỷ lệ sống rất cao, đạt trên 95%, và sinh trưởng rất tốt.
Gia đình anh Phương bắt đầu nuôi cá nheo thương phẩm từ tháng 6/2011 với gần 4.000 con. Gia đình anh đã kéo dẫn trên 2km đường ống nước từ rừng về ao nuôi nên môi trường nước luôn sạch, tạo dòng chảy liên tục nên không bị ô nhiễm, tạo điều kiện cho cá phát triển nhanh.
Trong quá trình chăm sóc, anh phát hiện trong ao có cá nheo con nên cho rằng cá đẻ được trong ao.
Anh Phương nhận định do hệ thống cung cấp nước ra vào cho ao gần giống với môi trường tự nhiên ở sông, suối nên cá nheo đã sinh sản được. Hiện nay, đàn cá nheo trong ao của gia đình anh có gần 3.000 con.
Ông Trần Đức Lâm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Yên Bái khẳng định Sở sẽ tiếp tục hỗ trợ gia đình anh Phương về mặt kỹ thuật để hoàn thiện quá trình ươm giống và có kế hoạch nhân rộng mô hình này trong toàn tỉnh.
Có thể bạn quan tâm

Hải sản về nhiều nên giá cả giảm so những ngày cận Tết Nguyên đán Giáp Ngọ từ 10-15%. Cụ thể: cá thu loại 2-4 kg/con có giá từ 110 đến 150.000 đồng/kg, cá hố loại hơn 1kg/con có giá từ 100-120.000 đồng/kg, mực ống loại lớn, có giá dao động trong khoảng từ 250 - 280.000 đồng/kg…

2 tháng đầu năm 2014, ngư trường thuận lợi, lượng cá cơm xuất hiện dày, số lượng hải sản khai thác tăng. Tháng 2/2014, toàn tỉnh Bình Thuận khai thác hơn 9.200 tấn hải sản các loại, lũy kế 2 tháng đầu năm khai thác được 17.300 tấn, tăng 4,9% so với cùng kỳ năm trước.

Tình hình dịch cúm gia cầm xảy ra ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước đã làm cho người tiêu dùng e ngại sử dụng các sản phẩm gia cầm, khiến mặt hàng này bị giảm sức mua và rớt giá. Người nuôi và các tiểu thương mua bán ở các chợ đều lo thua lỗ, hoặc phá sản.

Từ nhiều năm qua, huyện Tiên Lãng (Hải Phòng) được đánh giá là điểm sáng phát triển cây trồng vụ đông với diện tích chiếm gần 1/3 diện tích cây vụ đông toàn thành phố. Kết thúc năm 2013, nông dân Tiên Lãng có một vụ đông thắng lợi với tổng giá trị sản lượng đạt gần 600 tỷ đồng (tăng 20% so với vụ đông năm 2012). Cây vụ đông bước đầu trở thành vụ sản xuất hàng hoá, đem lại thu nhập cao, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.

Vùng chuyên canh cây hồ tiêu ở xã Xuân Thọ (huyện Xuân Lộc, Đồng Nai) có diện tích khá lớn với gần 500 hécta. Năm nay, nhờ thời tiết thuận lợi nhiều nông dân đang bước vào vụ thu hoạch với niềm vui trúng mùa, được giá.