Hỗ Trợ Phát Triển Chăn Nuôi, Ổn Định Đầu Ra Sản Phẩm

Câu lạc bộ (CLB) nuôi chim cút ở Hoài Nhơn (Bình Định) được thành lập từ năm 2004, từ 5 thành viên ban đầu, đến nay đã phát triển lên 16 thành viên, nuôi tổng số trên 100 ngàn con chim cút lấy trứng. Số hộ nuôi nhiều nhất là ở xã Hoài Thanh Tây, với 5 hộ, mỗi hộ nuôi từ 5.000 con trở lên.
Anh Trần Đình Thậm - chủ trang trại nuôi chim cút ở xã Hoài Hương, Chủ nhiệm CLB - cho biết: Trước đây bà con chỉ nuôi theo hình thức tự phát, nhỏ lẻ, nên hiệu quả kinh tế không cao; việc trao đổi kinh nghiệm chăm sóc, phòng trị bệnh cho vật nuôi gặp không ít khó khăn. Để phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa bền vững, được sự quan tâm của Hội Nông dân Hoài Nhơn, CLB nuôi chim cút được thành lập.
Các thành viên cùng hỗ trợ nhau về kỹ thuật chăn nuôi, liên kết tìm đầu ra sản phẩm, tăng hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi… Hàng quý, CLB tổ chức họp hội viên một lần nhằm đánh giá những thuận lợi, khó khăn trong chăn nuôi, kịp thời giải quyết những vấn đề phát sinh, vướng mắc; cùng chia sẻ thông tin thị trường, tiến bộ kỹ thuật mới trong chăn nuôi...
Tiêu biểu như gia đình chị Nguyễn Thị Minh, ở xã Hoài Thanh Tây. Khi chưa tham gia CLB, chị nuôi trên 2.000 con chim cút, do thiếu kinh nghiệm nên trong quá trình nuôi lượng chim cút bị hao hụt khá nhiều, đầu ra sản phẩm khó khăn.
Từ khi tham gia CLB, có được chỗ dựa tinh thần vững chắc, gia đình chị đã mạnh dạn đầu tư cả trăm triệu đồng mở rộng quy mô chuồng trại, chăn nuôi bài bản hơn. Hiện gia trại của chị nuôi khoảng 12.000 con chim cút, trong đó có 11.000 con cút đẻ trên 9.000 trứng/ngày.
Với giá bán sỉ 480 đồng/trứng cút thường, sau khi trừ tất cả chi phí chăn nuôi, công xá… gia đình chị có thu nhập gần 1 triệu đồng/ngày; nếu bán trứng cút lộn thì thu nhập tăng 30%, chưa kể thu nhập thêm 4 triệu đồng/tháng từ bán phân cút. Để cung ứng trứng cút lộn và cút giống cho các hộ chăn nuôi trong và ngoài tỉnh, gia đình chị đã đầu tư 2 buồng ấp trứng, mỗi buồng ấp 5.000 trứng/lần. Thu nhập bình quân từ nuôi chim cút (sau khi trừ chi phí) của gia đình chị Minh trên 200 triệu đồng/năm.
Theo đánh giá chung của các thành viên CLB, cái được lớn nhất khi tham gia CLB là có sự chia sẻ thông tin tốt hơn. Trước đây, cứ mạnh ai nấy làm nên hiệu quả không cao, khi đã vào CLB thì mọi người đều tự tin hơn trong chăn nuôi, sẵn sàng trao đổi kinh nghiệm chăm sóc, phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi... nên hiệu quả kinh tế từ nuôi chim cút ở Hoài Nhơn luôn khá cao và ổn định.
Có thể bạn quan tâm

Nhằm cải tạo môi trường trong chăn nuôi, giúp nông dân giảm bớt chi phí sản xuất, năm 2014 huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa đã triển khai xây dựng mô hình đệm lót sinh học trong chăn nuôi. Đến nay, toàn huyện có hơn 200 hộ sử dụng đệm lót sinh học, tập trung ở các xã Thiệu Phú, Thiệu Viên, Thiệu Minh, Thiệu Vũ...

Giá gà nhập khẩu vào các siêu thị rẻ, lượng nhập lớn, trong khi đó giá thức ăn chăn nuôi cao, nhiều rủi ro trong dịch bệnh là nguyên nhân khiến người nuôi gà theo mô hình trang trại, gà công nghiệp trong tỉnh Nghệ An đang bị “lép vế”.

Những năm gần đây, huyện Phú Bình (Thái Nguyên) đã có nhiều biện pháp nhằm giúp người dân nâng cao hiệu quả trong chăn nuôi gà như: Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với các ngành có liên quan của tỉnh, Trung ương mời chuyên gia chăn nuôi đầu ngành về tập huấn, hướng dẫn, xây dựng quy trình chăn nuôi gà, quản lý tốt đầu vào, như thức ăn, thuốc thú y, con giống.

Sau hơn một năm triển khai thực hiện, Dự án Phát triển chăn nuôi bò sữa tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2013 – 2020 đã bắt đầu bộc lộ những khó khăn nhất định. Sự kỳ vọng về giảm nghèo bền vững từ nghề nuôi bò sữa vì thế cũng khó đạt được như mong đợi.

Trước những khó khăn của ngành chăn nuôi trong cả nước, đặc biệt là thời gian tới khi các Hiệp định thương mại tự do (FTA) chính thức có hiệu lực thì nhiều sản phẩm từ thịt gia súc, gia cầm nhập của các nước có thuế bằng 0% sẽ ồ ạt vào thị trường Việt Nam, sẽ tác động mạnh vào ngành chăn nuôi trong nước, Bộ NN&PTNT đang chỉ đạo các tỉnh, thành phố thực hiện đề án tái cơ cấu ngành chăn nuôi với mục tiêu nâng cao giá trị sản phẩm và sức cạnh tranh. Tuy nhiên, việc triển khai ở một số địa phương còn nhiều bất cập…