Hỗ Trợ Phát Triển Chăn Nuôi, Ổn Định Đầu Ra Sản Phẩm

Câu lạc bộ (CLB) nuôi chim cút ở Hoài Nhơn (Bình Định) được thành lập từ năm 2004, từ 5 thành viên ban đầu, đến nay đã phát triển lên 16 thành viên, nuôi tổng số trên 100 ngàn con chim cút lấy trứng. Số hộ nuôi nhiều nhất là ở xã Hoài Thanh Tây, với 5 hộ, mỗi hộ nuôi từ 5.000 con trở lên.
Anh Trần Đình Thậm - chủ trang trại nuôi chim cút ở xã Hoài Hương, Chủ nhiệm CLB - cho biết: Trước đây bà con chỉ nuôi theo hình thức tự phát, nhỏ lẻ, nên hiệu quả kinh tế không cao; việc trao đổi kinh nghiệm chăm sóc, phòng trị bệnh cho vật nuôi gặp không ít khó khăn. Để phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa bền vững, được sự quan tâm của Hội Nông dân Hoài Nhơn, CLB nuôi chim cút được thành lập.
Các thành viên cùng hỗ trợ nhau về kỹ thuật chăn nuôi, liên kết tìm đầu ra sản phẩm, tăng hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi… Hàng quý, CLB tổ chức họp hội viên một lần nhằm đánh giá những thuận lợi, khó khăn trong chăn nuôi, kịp thời giải quyết những vấn đề phát sinh, vướng mắc; cùng chia sẻ thông tin thị trường, tiến bộ kỹ thuật mới trong chăn nuôi...
Tiêu biểu như gia đình chị Nguyễn Thị Minh, ở xã Hoài Thanh Tây. Khi chưa tham gia CLB, chị nuôi trên 2.000 con chim cút, do thiếu kinh nghiệm nên trong quá trình nuôi lượng chim cút bị hao hụt khá nhiều, đầu ra sản phẩm khó khăn.
Từ khi tham gia CLB, có được chỗ dựa tinh thần vững chắc, gia đình chị đã mạnh dạn đầu tư cả trăm triệu đồng mở rộng quy mô chuồng trại, chăn nuôi bài bản hơn. Hiện gia trại của chị nuôi khoảng 12.000 con chim cút, trong đó có 11.000 con cút đẻ trên 9.000 trứng/ngày.
Với giá bán sỉ 480 đồng/trứng cút thường, sau khi trừ tất cả chi phí chăn nuôi, công xá… gia đình chị có thu nhập gần 1 triệu đồng/ngày; nếu bán trứng cút lộn thì thu nhập tăng 30%, chưa kể thu nhập thêm 4 triệu đồng/tháng từ bán phân cút. Để cung ứng trứng cút lộn và cút giống cho các hộ chăn nuôi trong và ngoài tỉnh, gia đình chị đã đầu tư 2 buồng ấp trứng, mỗi buồng ấp 5.000 trứng/lần. Thu nhập bình quân từ nuôi chim cút (sau khi trừ chi phí) của gia đình chị Minh trên 200 triệu đồng/năm.
Theo đánh giá chung của các thành viên CLB, cái được lớn nhất khi tham gia CLB là có sự chia sẻ thông tin tốt hơn. Trước đây, cứ mạnh ai nấy làm nên hiệu quả không cao, khi đã vào CLB thì mọi người đều tự tin hơn trong chăn nuôi, sẵn sàng trao đổi kinh nghiệm chăm sóc, phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi... nên hiệu quả kinh tế từ nuôi chim cút ở Hoài Nhơn luôn khá cao và ổn định.
Có thể bạn quan tâm

Việt Nam vừa hoàn tất quá trình đàm phán và ký kết Hiệp định thương mại tự do với EU. Thuận lợi rõ ràng nhất là mặt hàng nông sản Việt Nam có thể tiếp cận thị trường này với thuế suất 0%, trong khi nông nghiệp vẫn là thế mạnh của Việt Nam.

Ở thôn 2 xã Trà Linh (Nam Trà My), các hội viên phụ nữ đã mạnh dạn đứng ra vay vốn ưu đãi của Nhà nước để trồng cây sâm Ngọc Linh. Dám nghĩ, dám làm và quyết tâm thoát nghèo nên hiện tại nhiều chị em nắm trong tay khối tài sản hàng tỷ đồng.
Sở KH-CN vừa tổ chức nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu biện pháp phòng trừ bệnh hại trên cây hoa lily tại Quảng Nam”, do Th.S Nguyễn Văn Tân - Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh chủ nhiệm.

Cà Mau là tỉnh có thế mạnh về đánh bắt thủy sản. Tuy nhiên, hoạt động khai thác của ngư dân hiện nay vẫn tồn tại nhiều hạn chế. Trong định hướng phát triển, tỉnh sẽ tiếp tục chuyển đổi cơ cấu nghề, tập trung khai thác các đối tượng có giá trị kinh tế, có khả năng xuất khẩu như: tôm, mực, cá ngừ, cá thu, nhóm cá nổi lớn.

Đây là mục tiêu đặt ra tại Quyết định 3195/QĐ-BNN-TCTS do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành phê duyệt Quy hoạch phát triển cá nước lạnh đến năm 2020, tầm nhìn 2030.