Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Hỗ Trợ Nuôi Bò Sinh Sản Mô Hình Giảm Nghèo Hiệu Quả Ở Đản Ván

Hỗ Trợ Nuôi Bò Sinh Sản Mô Hình Giảm Nghèo Hiệu Quả Ở Đản Ván
Ngày đăng: 06/03/2015

Là một trong những xã còn nhiều khó khăn của huyện Hoàng Su Phì, những năm qua, xã Đản Ván được thụ hưởng nhiều chương trình hỗ trợ của Nhà nước về con giống, cây trồng để phát triển sản xuất, nâng cao mức sống. Trong đó, dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo chăn nuôi bò sinh sản từ chương trình xóa đói giảm nghèo của Sở Lao động – TBXH là một trong những chính sách đem lại nhiều hiệu quả thiết thực, ý nghĩa, góp phần trực tiếp vào kết quả giảm nghèo tại địa phương.

Nhờ được hỗ trợ bò sinh sản, nhiều hộ nghèo ở xã Đản Ván có điều kiện phát triển chăn nuôi, xóa đói giảm nghèo.

Dự án được triển khai từ cuối năm 2012 với nguồn kinh phí 160 triệu đồng, qua đó 20 hộ nghèo thuộc 2 thôn: Lủng Khum và Thính Nà, xã Đản Ván được bình xét hỗ trợ 20 con bò sinh sản (định mức hỗ trợ 8 triệu đồng/hộ).

Ngoài ra, các hộ tham gia dự án còn được hỗ trợ 2 triệu đồng để làm chuồng trại và trồng cỏ chăn nuôi. Trong quá trình thực hiện dự án, người chăn nuôi được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cỏ; cách làm chuồng trại, kỹ thuật chọn con giống, chăm sóc và phối giống cho bò... Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ khuyến nông, thú y xã thường xuyên tuyên truyền, giúp người dân tiêm phòng và phòng, chống đói rét cho đàn bò.

Nuôi bò sinh sản là mô hình chăn nuôi cho hiệu quả kinh tế cao, nhưng không phải hộ dân nào cũng có điều kiện đầu tư mua con giống về nuôi. Thiếu vốn, thiếu tư liệu sản xuất nên cái nghèo vẫn luôn đeo bám họ bao lâu nay.

Việc hỗ trợ bò sinh sản từ dự án nhằm giúp các hộ nghèo có điều kiện vươn lên phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo là rất cần thiết. Gia đình anh Sùng Văn Khún, thôn Thính Nà là một trong những hộ như thế. Anh Khún cho biết, từ cuối năm 2012 gia đình anh vinh dự là một trong số ít hộ của thôn được bình xét hỗ trợ 1 con bò sinh sản, với giá trị hơn 8 triệu đồng.

Nhờ chăm sóc tốt, áp dụng chăn nuôi đúng KHKT mà cán bộ xã hướng dẫn, đồng thời chú trọng tới trồng cỏ làm thức ăn cho bò nên đến nay con bò mẹ ban đầu đã sinh được 2 con bê. Anh Khún chia sẻ: Từ ngày được hỗ trợ bò sinh sản, kinh tế gia đình anh được cải thiện đáng kể. Từ một hộ nghèo, không có con giống để sản xuất, giờ đây gia đình anh đã có đàn bò để chăm sóc, đây sẽ là cơ hội để gia đình anh vươn lên thoát nghèo bền vững.

Cùng thôn với anh Khún, gia đình anh Sùng Văn Vu cũng được hỗ trợ 1 con bò sinh sản. Nhờ chăm sóc tốt mà chỉ sau hơn 1 năm bò đã sinh ra 1 bê con. Hiện nay, con bê được hơn 4 tháng tuổi và đang phát triển rất tốt. Theo anh Vu, chính sách hỗ trợ bò sinh sản cho hộ nghèo là sự hỗ trợ rất kịp thời và hiệu quả, mang lại lợi ích kinh tế thiết thực, tạo động lực cho gia đình anh vươn lên thoát nghèo.

Đánh giá về hiệu quả của dự án hỗ trợ bò sinh sản tại địa phương, đồng chí Vi Trung Luyến, Chủ tịch UBND xã Đản Ván cho biết: Sau hơn 2 năm thực hiện, dự án đã thật sự trở thành “cứu cánh” và là động lực giúp cho nhiều hộ nghèo vươn lên phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Đến nay, tổng đàn bò của các hộ trong dự án là 37 con, trong đó: Bò cái sinh sản là 20 con, số bò bê sinh ra là 17 con. Qua rà soát đã có 10/20 hộ nghèo được hưởng lợi từ dự án đã thoát được nghèo, từng bước vươn lên phát triển kinh tế gia đình. Trong thời gian tới, chính quyền xã sẽ phối hợp với Phòng Lao động – TBXH huyện để tiếp tục chuyển giao số bò bê mới sinh cho các hộ nghèo khác trong xã có điều kiện vươn lên thoát nghèo.

Với việc triển khai thực hiện một cách tích cực, đúng tiêu chí, đối tượng hưởng thụ, dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo chăn nuôi bò sinh sản đã tạo được niềm tin và sự hưởng ứng tích cực của người dân, tạo sức bật đối với những hộ nghèo của xã Đản Ván. Từ những hiệu quả thiết thực, dự án đã giúp các hộ nghèo dần có cuộc sống ấm no, ổn định, từng bước tiến tới giảm nghèo bền vững theo đúng mục tiêu của dự án.


Có thể bạn quan tâm

Hỗ trợ Phú Yên phòng, chống dịch bệnh thủy sản Hỗ trợ Phú Yên phòng, chống dịch bệnh thủy sản

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xuất cấp (không thu tiền) 20 tấn hóa chất Sodium Chlorite 20% thuộc hàng dự trữ quốc gia để hỗ trợ cho tỉnh Phú Yên phòng, chống dịch bệnh thủy sản.

21/07/2015
Kiếm bạc triệu nhờ cá đặc sản Kiếm bạc triệu nhờ cá đặc sản

Vào đầu mùa mưa, trên sông Đồng Nai xuất hiện nhiều loại cá đặc sản, như: cá lăng vàng, cá leo, cá chình, cá chạch, cá chốt chuột... Đây là thời điểm các ngư dân đánh bắt trên sông tranh thủ “săn” cá đặc sản, và có đêm họ kiếm được cả chục triệu đồng.

21/07/2015
Tôm hùm lại bị ép giá Tôm hùm lại bị ép giá

Tôm hùm nuôi thương phẩm xuất khẩu hiện có giá từ 1,3 - 1,4 triệu đồng/kg, giảm khoảng 600.000 đồng so với năm ngoái. Với giá này, người nuôi không có lãi, thậm chí lỗ đối với những hộ nuôi cầm cự đến cuối vụ.

21/07/2015
Nuôi trồng thủy sản vì sao chưa thể thực hiện đại trà VietGAP? Nuôi trồng thủy sản vì sao chưa thể thực hiện đại trà VietGAP?

Áp dụng tiêu chuẩn VietGAP trong sản xuất nông nghiệp được coi là cơ sở cho việc chứng minh nguồn gốc, bảo đảm chất lượng sản phẩm phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu. Tuy nhiên, tại BR-VT, việc thực hiện đại trà VietGAP trong nuôi trồng thủy sản (NTTS) vẫn còn nhiều vướng mắc. Điều đó ảnh hưởng không nhỏ đến việc khai thác nguồn lợi từ thế mạnh NTTS.

21/07/2015
Đầm Hà (Quảng Ninh) làm giàu từ phát huy thế mạnh thuỷ sản Đầm Hà (Quảng Ninh) làm giàu từ phát huy thế mạnh thuỷ sản

Với lợi thế có đường bờ biển dài (21km), vùng bãi triều rộng trên 5.500ha, trên 2.900ha rừng ngập mặn, diện tích mặt biển trên 12.000ha cùng nguồn lợi thuỷ, hải sản tự nhiên phong phú, những năm qua, phát triển thuỷ sản tại Đầm Hà (Quảng Ninh) được coi là một trong những mũi nhọn kinh tế, không những đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân mà còn góp phần giúp cho huyện ven biển này có những bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội.

21/07/2015