Hỗ Trợ Nuôi Bò Sinh Sản Mô Hình Giảm Nghèo Hiệu Quả Ở Đản Ván

Là một trong những xã còn nhiều khó khăn của huyện Hoàng Su Phì, những năm qua, xã Đản Ván được thụ hưởng nhiều chương trình hỗ trợ của Nhà nước về con giống, cây trồng để phát triển sản xuất, nâng cao mức sống. Trong đó, dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo chăn nuôi bò sinh sản từ chương trình xóa đói giảm nghèo của Sở Lao động – TBXH là một trong những chính sách đem lại nhiều hiệu quả thiết thực, ý nghĩa, góp phần trực tiếp vào kết quả giảm nghèo tại địa phương.
Nhờ được hỗ trợ bò sinh sản, nhiều hộ nghèo ở xã Đản Ván có điều kiện phát triển chăn nuôi, xóa đói giảm nghèo.
Dự án được triển khai từ cuối năm 2012 với nguồn kinh phí 160 triệu đồng, qua đó 20 hộ nghèo thuộc 2 thôn: Lủng Khum và Thính Nà, xã Đản Ván được bình xét hỗ trợ 20 con bò sinh sản (định mức hỗ trợ 8 triệu đồng/hộ).
Ngoài ra, các hộ tham gia dự án còn được hỗ trợ 2 triệu đồng để làm chuồng trại và trồng cỏ chăn nuôi. Trong quá trình thực hiện dự án, người chăn nuôi được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cỏ; cách làm chuồng trại, kỹ thuật chọn con giống, chăm sóc và phối giống cho bò... Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ khuyến nông, thú y xã thường xuyên tuyên truyền, giúp người dân tiêm phòng và phòng, chống đói rét cho đàn bò.
Nuôi bò sinh sản là mô hình chăn nuôi cho hiệu quả kinh tế cao, nhưng không phải hộ dân nào cũng có điều kiện đầu tư mua con giống về nuôi. Thiếu vốn, thiếu tư liệu sản xuất nên cái nghèo vẫn luôn đeo bám họ bao lâu nay.
Việc hỗ trợ bò sinh sản từ dự án nhằm giúp các hộ nghèo có điều kiện vươn lên phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo là rất cần thiết. Gia đình anh Sùng Văn Khún, thôn Thính Nà là một trong những hộ như thế. Anh Khún cho biết, từ cuối năm 2012 gia đình anh vinh dự là một trong số ít hộ của thôn được bình xét hỗ trợ 1 con bò sinh sản, với giá trị hơn 8 triệu đồng.
Nhờ chăm sóc tốt, áp dụng chăn nuôi đúng KHKT mà cán bộ xã hướng dẫn, đồng thời chú trọng tới trồng cỏ làm thức ăn cho bò nên đến nay con bò mẹ ban đầu đã sinh được 2 con bê. Anh Khún chia sẻ: Từ ngày được hỗ trợ bò sinh sản, kinh tế gia đình anh được cải thiện đáng kể. Từ một hộ nghèo, không có con giống để sản xuất, giờ đây gia đình anh đã có đàn bò để chăm sóc, đây sẽ là cơ hội để gia đình anh vươn lên thoát nghèo bền vững.
Cùng thôn với anh Khún, gia đình anh Sùng Văn Vu cũng được hỗ trợ 1 con bò sinh sản. Nhờ chăm sóc tốt mà chỉ sau hơn 1 năm bò đã sinh ra 1 bê con. Hiện nay, con bê được hơn 4 tháng tuổi và đang phát triển rất tốt. Theo anh Vu, chính sách hỗ trợ bò sinh sản cho hộ nghèo là sự hỗ trợ rất kịp thời và hiệu quả, mang lại lợi ích kinh tế thiết thực, tạo động lực cho gia đình anh vươn lên thoát nghèo.
Đánh giá về hiệu quả của dự án hỗ trợ bò sinh sản tại địa phương, đồng chí Vi Trung Luyến, Chủ tịch UBND xã Đản Ván cho biết: Sau hơn 2 năm thực hiện, dự án đã thật sự trở thành “cứu cánh” và là động lực giúp cho nhiều hộ nghèo vươn lên phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.
Đến nay, tổng đàn bò của các hộ trong dự án là 37 con, trong đó: Bò cái sinh sản là 20 con, số bò bê sinh ra là 17 con. Qua rà soát đã có 10/20 hộ nghèo được hưởng lợi từ dự án đã thoát được nghèo, từng bước vươn lên phát triển kinh tế gia đình. Trong thời gian tới, chính quyền xã sẽ phối hợp với Phòng Lao động – TBXH huyện để tiếp tục chuyển giao số bò bê mới sinh cho các hộ nghèo khác trong xã có điều kiện vươn lên thoát nghèo.
Với việc triển khai thực hiện một cách tích cực, đúng tiêu chí, đối tượng hưởng thụ, dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo chăn nuôi bò sinh sản đã tạo được niềm tin và sự hưởng ứng tích cực của người dân, tạo sức bật đối với những hộ nghèo của xã Đản Ván. Từ những hiệu quả thiết thực, dự án đã giúp các hộ nghèo dần có cuộc sống ấm no, ổn định, từng bước tiến tới giảm nghèo bền vững theo đúng mục tiêu của dự án.
Có thể bạn quan tâm

Hiện nay, năng suất bình quân của cây mía tại Đồng Nai đạt khoảng trên 59 tấn/hécta/năm. Tuy nhiên, một số nông dân trong tỉnh lại có “bí quyết” đẩy năng suất mía cao gấp 1,5 - 2 lần mức bình quân.

Cây cam sành ở nước ta được trồng nhiều ở các tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, Yên Bái, Vĩnh Long, Tiền Giang, Cần Thơ…

Theo kế hoạch, năm 2012, Hiệp hội càphê ca cao Việt Nam (Vicofa) sẽ hỗ trợ năm tỉnh Tây Nguyên và một số doanh nghiệp càphê trên địa bàn tổng cộng 296.000 cây giống càphê.

Nuôi cá trên ruộng lúa trong mùa nước nổi thay cho vụ lúa Thu đông kém hiệu quả ngày càng được nhiều nông dân áp dụng ở huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang). Mô hình này góp phần thay đổi tập quán từ sản xuất độc canh 3 vụ lúa/năm, chuyển sang hình thức luân canh lúa - cá mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Tận dụng phần đất trống giữa các hàng dừa và mặt nước sẵn có trong vườn, chàng trai 31 tuổi Lê Chí Dũng ở ấp Tiên Đông - xã Tiên Long (Châu Thành, Bến Tre) đã thành công với mô hình nuôi ếch. Hiện cây dừa đang ở giai đoạn đâm “lưỡi mèo” nhưng vẫn có nguồn thu nhập đảm bảo ổn định cuộc sống gia đình…