Hồ Tiêu Việt Nam Vững Vàng Trên Thương Trường Quốc Tế

So với những mặt hàng nông sản xuất khẩu, hồ tiêu là ngoại lệ thú vị khi giá luôn ở mức cao suốt 8 năm, đặc biệt là 3 năm gần đây. Hồ tiêu Việt Nam chiếm 30% sản lượng và hơn 50% thị phần giao dịch toàn cầu, điều quan trọng hơn là vai trò và vị trí ngành hồ tiêu Việt Nam từng bước được nâng cao khi các nước bắt đầu lấy giá bán của Việt Nam để tham khảo.
Mới đây, Hiệp hội Hồ tiêu thế giới - IPC đề nghị chuyển trụ sở từ Indonesia, quốc gia có lượng hồ tiêu nhiều nhất trước đây, sang Việt Nam.
Chạm ngưỡng 1 tỷ USD
6 tháng đầu năm 2014, hồ tiêu vẫn là mặt hàng xuất khẩu có sự phát triển rất mạnh khi tăng 36,2% về khối lượng và tăng 47,8% về giá trị với 111.000 tấn hồ tiêu xuất khẩu, kim ngạch đạt 790 triệu USD.
Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), với tiến độ này, cuối năm nay, kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu sẽ vượt ngưỡng 1 tỷ USD với lượng xuất khoảng 125.000 - 130.000 tấn. Kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu năm 2013 gần 900 triệu USD. Như vậy, ngành hàng “bé” như hạt tiêu có cơ hội tham gia vào câu lạc bộ nhóm hàng nông sản xuất khẩu 1 tỷ USD mà 10 năm trước ít ai nghĩ tới.
Nhưng giờ đây, hồ tiêu Việt Nam đã chiếm tỷ trọng áp đảo với 30% lượng xuất khẩu và trên 50% thị phần giao dịch thế giới. Vì vậy, VPA tự tin cho rằng, nếu các doanh nghiệp và nông dân đồng lòng thêm một bước nữa thì mặt hàng hồ tiêu Việt Nam sẽ đủ sức điều tiết giá cả thị trường thế giới.
Bởi trong xuất khẩu, đây không phải là mặt hàng nông sản duy nhất có sản lượng và giao dịch chiếm áp đảo, nhưng hồ tiêu lại là ngành hàng đầu tiên mà Việt Nam từng bước xác lập được vai trò và tầm ảnh hưởng trên thị trường giao dịch quốc tế.
Có thể nói, giai đoạn 2011 - 2014 là thời kỳ phát triển “thịnh vượng” nhất trong lịch sử phát triển ngành hồ tiêu Việt Nam. Theo IPC, với sản xuất và thương mại hồ tiêu toàn cầu như hiện nay, có thể dự báo năm 2015 và đến năm 2020, hồ tiêu Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng và lợi thế cạnh tranh với các nước cả về năng suất và giá thành, nhất là với Indonesia và Brazil, những quốc gia từng có sản lượng cao nhất thế giới trước khi Việt Nam nổi lên chiếm lĩnh.
Giám đốc điều hành IPC, ông Kannan, cho rằng, dù trong hoàn cảnh nào, Việt Nam vẫn là quốc gia sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất thế giới. Điều đáng nói, 3 - 4 năm qua, tác động của suy thoái kinh tế tài chính thế giới khiến việc xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản bị sa sút, không ít DN thua lỗ, nhưng ngành hàng hồ tiêu vẫn tăng trưởng mạnh, nhiều kỷ lục về lượng xuất, giá trị kim ngạch và giá bán liên tiếp xác lập qua từng năm.
Khẳng định vai trò
Từ việc chưa có chỗ đứng và thường bị các nhà đầu cơ chi phối giá cả, đến nay vị thế hồ tiêu Việt Nam ngày càng vững vàng trên thương trường quốc tế. Cộng đồng hồ tiêu thế giới nhìn Việt Nam với con mắt tôn trọng, lắng nghe và cùng chia sẻ.
Suốt những năm 1990, Singapore chiếm ưu thế trong giao dịch hồ tiêu với lượng nhập khẩu lớn, lên đến 44.000 tấn/năm, trong đó Indonesia là nguồn cung cấp chính với 50% lượng nhập của Singapore. Nhưng sau đó thương mại hồ tiêu Singapore đã sụt giảm mạnh, xuống còn 10.000 tấn năm 2010. Theo VPA, mức giảm này chủ yếu là do nhà nhập khẩu đã mua hàng trực tiếp từ các nước sản xuất, nhất là Việt Nam.
Hiện nay, thị phần xuất khẩu hồ tiêu Việt Nam vào châu Âu chiếm 34%, châu Á 36%, châu Mỹ 20% và châu Phi 10%. Thời gian gần đây Singapore đã có sự thay đổi trong thương mại, nên lượng hồ tiêu nhập vào Singapore tăng trở lại, đạt 20.200 tấn năm 2013, nhưng nguồn cung chủ yếu đã chuyển qua Việt Nam, khi lượng hồ tiêu cung cấp cho Singapore chiếm đến 60%, Indonesia chỉ còn 28%.
Những nước hàng đầu về sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu trước đây như Brazil, Indonesia đã và đang liên kết trong việc xuất nhập khẩu với Việt Nam lên đến hàng chục ngàn tấn/năm.
Giám đốc điều hành IPC, ông Kannan, cũng chính thức đề nghị chuyển trụ sở từ Indonesia sang Việt Nam bởi vị thế và vai trò của hồ tiêu Việt Nam ngày càng có nhiều ảnh hưởng trên thị trường quốc tế.
Sắp tới đây, Việt Nam sẽ là nước chủ nhà đăng cai Hội nghị quốc tế về hồ tiêu do IPC phối hợp với Bộ Nông nghiệp - PTNT tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh.
Điều đáng nói, chất lượng, chủng loại mặt hàng hồ tiêu ngày càng phong phú. Từ chỗ chủ yếu xuất khẩu tiêu đen, nay đã xuất khẩu thêm tiêu trắng, tiêu bột, tiêu gia vị thực phẩm tới bàn ăn người tiêu dùng các nước ở châu Âu, Trung Đông, Bắc Mỹ… làm gia tăng giá trị sản phẩm, thu nhập và lợi nhuận ngày càng cao.
Có thể bạn quan tâm

Điện Biên có ưu thế phát triển sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là hàng nông sản. Tuy nhiên, thị trường tiêu thụ chủ yếu phụ thuộc vào cánh thương lái, tư nhân thu mua nhỏ lẻ nên hiệu quả kinh tế chưa cao. Chính vì vậy, vấn đề tìm “đầu ra” cho nông sản, tránh tình trạng “được mùa mất giá” luôn là “bài toán” khó với nông dân Điện Biên.

Đối với những hộ nông dân xã Chiềng Đông, quanh năm lam lũ trồng lúa, cây ngô, cây sắn thì đây là lần đầu áp dụng hình thức chăn nuôi bán công nghiệp nên không ít bỡ ngỡ. Với tổng số tiền 270 triệu đồng dành cho mô hình, Trạm đã cấp 2.000 con gà giống; mỗi hộ được cấp 50 con gà giống (nhập từ Công ty Cổ phần Giống nông nghiệp Điện Biên), 40 hộ tham gia mô hình được hỗ trợ 100% giống, thức ăn cám công nghiệp, thuốc và vắc xin phòng bệnh.

Sau hơn 1 năm “thử lửa”, cây cao su từng bước đã phủ xanh trên huyện vùng cao Tây Trà (Quảng Ngãi). Mặc dù mới “nhập cư” trên vùng đất này nhưng cây cao su đã thực sự mở ra hướng đi mới cho việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đem lại niềm hy vọng nâng cao đời sống cho bà con đồng bào Cor Tây Trà.

Sau 2 năm thực hiện chuyển giao công nghệ, hỗ trợ giống và tập huấn kỹ thuật trồng nấm ăn, nấm thương phẩm cho bà con một số xã trong huyện Điện Biên, giúp bà con phát triển mô hình trồng nấm tại nhà, đến nay mô hình trồng nấm hộ gia đình theo hướng dẫn của Trung tâm Nấm (thuộc Công ty Cổ phần Giống nông nghiệp Điện Biên) đã phát huy hiệu quả.

Từ năm 2010, giống thanh long này mới được một số gia đình ở huyện Xuyên Mộc đưa về trồng thử đến nay đã phát triển ra nhiều hộ trồng với quy mô lớn. Nhìn chung, giống thanh long “Long Định 1” thích nghi với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của tỉnh, sinh trưởng tốt, ra hoa tập trung và có tỷ đậu trái cao, chất lượng hơn hẳn giống thanh long thông thường.