Hộ nuôi trồng thủy sản Tuần Giáo ứng phó mùa mưa lũ
Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Tuần Giáo, năm 2014 do ảnh hưởng của cơn lũ đầu tháng 7, 280 hécta hoa màu và một số diện tích thủy sản đã bị lũ cuốn trôi, làm thiệt hại hàng chục tấn cá. Bắt đầu vào mùa mưa năm nay, nhiều hộ đã bán bớt lượng cá để tránh thất thoát. Bên cạnh đó, nhiều hộ đã chủ động kè hệ thống ao, hồ; gia cố thêm các đường thoát nước để bảo vệ diện tích nuôi thủy sản trong mùa mưa. Rút kinh nghiệm từ những năm trước, ngay từ đầu năm 2015, Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão huyện đã phối hợp với UBND các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch phòng chống thiệt hại cho người nuôi trồng thủy sản. Bên cạnh đó khuyến cáo các hộ dân đóng cọc và rào lưới cao từ 1 – 1,5m để bảo vệ cá khi nước lũ tràn qua.
Anh Lò Văn Túi, bản Ta, xã Quài Tở, chia sẻ: Gia đình có trên 2ha để thả các loại cá thương phẩm: trắm, trôi, mè, chép... Đầu tháng 6 hàng năm, gia đình anh lại thu hoạch đồng loạt để bán đề phòng có lũ. Sau khi thu hoạch cá, gia đình tiến hành vệ sinh ao, gia cố hệ thống thoát nước, căng lưới cao trên 1m để bảo vệ cá giống. Anh cho rằng mặc dù là hộ nuôi thủy sản có kinh nghiệm nhiều năm, song những năm gần đây thời tiết diễn biến bất thường nên công tác phòng chống là khâu quan trọng để giảm thiểu thiệt hại do mưa lũ gây ra. Thông thường đỉnh điểm của lũ là từ đầu tháng 7 đến cuối tháng 8 hàng năm, nên vào thời điểm đó không nên tăng diện tích nuôi cũng như số lượng cá trong ao.
Cũng ở bản Ta, ông Lò Văn Tâm có ao trên 7.000m2 chuyên thả cá rô phi đơn tính, cá trắm. Do nuôi theo hình thức công nghiệp nên sau 5 - 6 tháng cá đã cho thu hoạch. Thông thường cứ sau mùa mưa, cá rất dễ nhiễm bệnh, do môi trường nuôi bị nước ngập; các bệnh cá thường gặp là đốm ở thân, ở mang nếu không phát hiện kịp thời cá sẽ chết nhiều, ảnh hưởng đến năng suất. Theo kinh nghiệm của gia đình ông thì thu hoạch sớm để bán vừa đề phòng thiệt hại do mưa lũ gây ra, vừa không bị mất giá. Bởi nếu bán chạy lũ thì chỉ được với giá bằng 1/3 so với ngày thường.
Bà Phạm Thị Tuyên, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Tuần Giáo cho biết: Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thuỷ văn, những năm trở lại đây, thời tiết tiếp tục diễn biến phức tạp, do tác động của biến đổi khí hậu. Để giảm thiểu thiệt hại cho các hộ nuôi trồng thủy sản, ngay từ đầu năm, Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tham mưu cho huyện xây dựng các văn bản chỉ đạo kịp thời các xã có diện tích nuôi thủy sản lớn có kế hoạch ứng cứu trong mùa mưa. Các cấp chính quyền xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức trong việc bảo vệ diện tích nuôi, hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại.
Có thể bạn quan tâm

Thống kê của Trạm Thú y huyện, tổng đàn heo hiện có của huyện gần 14.000 con. Nhiều hộ nuôi heo cho biết, thời gian này rất thích hợp cho việc tái đàn để phục vụ thị trường sắp tới. Tuy nhiên, số lượng con giống ở địa phương đang khan hiếm và dự báo sẽ tăng giá, người nuôi sẽ đầu tư chi phí cao, ảnh hưởng đến lợi nhuận khi xuất chuồng.

Thời tiết khô hạn kéo dài ảnh hưởng đến sản xuất và chăn nuôi trên diện rộng. Trước thực trạng đó, nông dân địa phương đã có nhiều phương án nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại trong sản xuất, như: chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng diện tích cây hoa màu, đậu các loại; chủ động di chuyển đàn gia súc từ vùng cao xuống đồng bằng, nhằm tận dụng nguồn nước và các loại phụ phẩm nông nghiệp.

Mô hình liên kết sản xuất cà chua bi được triển khai thực hiện vào vụ Đông năm 2013 tại xã Mộc Bắc, huyện Duy Tiên (Hà Nam). Đây là địa phương đầu tiên được UBND tỉnh chọn xây dựng thí điểm mô hình liên kết sản xuất cà chua bi, do Công ty Trách nhiệm hữu hạn (TNHH) Chế biến nông sản Hội Vũ cung ứng và bao tiêu sản phẩm.

Mùa khai thác mới đã bắt đầu với những người trồng CS. Tuy nhiên, năm nay họ bước vào mùa cạo mới với nhiều lo toan về giá cả, thị trường tiêu thụ...

Nếu như nhiều hộ dân khác thường có tâm lý coi cây bơ là cây trồng phụ xen trong vườn, rẫy thì chị Nguyễn Thị Mộng Vân ở thôn Đức Thành, xã Đức Mạnh (Đắk Mil - Đắk Nông) lại có cái nhìn khác.