Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Hiu hắt đồng tôm

Hiu hắt đồng tôm
Ngày đăng: 25/04/2015

Thời điểm này những năm trước, những cánh đồng tôm Hoài Hải, Hoài Mỹ, Hoài Hương... náo nhiệt bao nhiêu thì nay hiu hắt bấy nhiêu.

Diện tích nuôi tôm giảm còn dưới 8,8%

Hoài Nhơn là huyện có phong trào nuôi tôm mạnh đứng thứ 2 ở Bình Định, chỉ sau huyện Tuy Phước. Nhiều năm gần đây, dịch bệnh xảy ra liên hoàn đã khiến nhiều hộ nuôi tôm phá sản, nên phong trào nuôi tôm ở đây ngày càng yếu dần.

Những con số thống kê cho thấy: Từ năm 2012 trở về trước, diện tích nuôi tôm hàng năm ở Hoài Nhơn luôn đạt trên 340 ha thì đến cuối năm 2014 chỉ còn 240 ha diện tích ao hồ được thả nuôi. Bước sang năm 2015, dù là thời điểm chính vụ nhưng mới chỉ có 30 ha được thả nuôi, diện tích giảm mạnh chỉ còn dưới 8,8%.

Ông Sử Văn Hưng, cán bộ Trạm Thú y huyện Hoài Nhơn cho biết: “Theo kế hoạch, vụ tôm đầu năm nay toàn huyện sẽ thả nuôi 120 ha. Thế nhưng dù đã qua lịch thời vụ hơn 1 tháng nhưng diện tích xuống giống mới chỉ đạt 30 ha. Nguyên nhân cơ bản do nhiều diện tích ở các vùng nuôi chuyên canh đang bị ô nhiễm nghiêm trọng. Bởi trong quá trình nuôi, hầu hết các hồ đều xả thải trực tiếp ra môi trường gây phát sinh dịch bệnh tràn lan”.

Theo ông Nguyễn Chí Công, Trưởng phòng Kinh tế huyện Hoài Nhơn, trong số 30 ha được thả nuôi, mới chỉ thời gian đầu mà hiện đã có khoảng 2,7 ha hồ tôm đã bị nhiễm bệnh đốm trắng và hội chứng chết sớm.

Riêng tại xã Hoài Hải, địa phương có phong trào nuôi tôm mạnh nhất huyện Hoài Nhơn với 80% dân số tham gia nhưng năm nay cũng mới chỉ có 13 ha được thả nuôi, số diện tích còn lại hầu như đang bị bỏ giá.

Ông Huỳnh Có, Chủ tịch UBND xã Hoài Hải trần tình: “Không kham nổi thua lỗ nên người dân nuôi tôm ở địa phương dần dà bỏ nghề hết rồi. Vùng nuôi tập trung của xã đang bị ô nhiễm nặng, khó có thể phục hồi. Hiện chỉ có khoảng 1/3 chủ hồ có điều kiện nâng đáy làm hồ nổi phủ bạt mới dám thả nuôi, số còn lại bỏ trống hồ”.

Nghịch lý giá tôm

Người nuôi tôm còn khốn đốn vì nghịch lý giá tôm. Trước đây, loại tôm có kích cỡ nhỏ (100 con/kg) luôn có giá thấp hơn tôm có kích cỡ lớn (50 - 70 con/kg). Do đó, vừa để bán được cao giá, vừa rút ngắn thời gian tôm nằm trong hồ nhằm tránh rủi ro, họ cho tôm ăn mạnh chấp nhận chi phí cao hơn để tôm nhanh lớn.

Thế nhưng hiện nay, giá tôm có kích cỡ lớn lại bán được giá thấp hơn tôm nhỏ. Đầu tư cao, bán giá thấp, lại thấp thỏm lo dịch bệnh, bao nhiêu rủi ro bủa vây nên người nuôi ngày càng quay lưng với con tôm là điều chẳng lấy gì làm ngạc nhiên.

“Hiện nay, tôm 100 con/kg chỉ có giá hơn 90.000 đ/kg. Trong khi đó, chi phí đầu tư nuôi đạt 1 kg tôm đã lên đến 90.000 đ nên người nuôi không có lãi. Nghịch lý hơn, tôm có kích cỡ càng lớn giá càng thấp nên người nuôi không biết đâu mà lần. Trước đây, ngoài nuôi tôm tôi còn cung cấp thức ăn tôm cho người nuôi ở địa phương. Bây giờ tôi không nuôi cũng không cung cấp thức ăn nữa, bởi nhìn thấy chuyện nuôi tôm không còn sáng sủa gì nên không dám mạo hiểm đồng vốn”, ông Võ Thanh Hùng bộc bạch.

Để từng bước khắc phục tình trạng trên nhằm đưa nghề “mũi nhọn” ở Hoài Nhơn đi theo hướng bền vững, ông Nguyễn Chí Công, Trưởng phòng Kinh tế huyện Hoài Nhơn cho hay: "Hoài Nhơn đã triển khai lập dự án nâng cấp vùng nuôi tôm tại 2 xã Hoài Hải và Hoài Mỹ. Đồng thời phối hợp với Dự án CRSD (Nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững) nâng cấp hạ tầng, chuyển giao quy trình nuôi tôm VietGAP ở khu A, thôn Công Lương, xã Hoài Mỹ.

Đến nay, BQL Dự án đã tổ chức tập huấn, hướng dẫn người nuôi áp dụng các biện pháp thực hành nuôi tốt, nuôi nhiều đối tượng khác trên cùng diện tích, thực hành ghi chép nhật ký kỹ thuật nuôi an toàn sinh học; phương pháp thu mẫu, chẩn đoán, xử lý bệnh trên tôm nuôi và hướng dẫn quản lý sức khỏe thủy sản nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP.

“Chúng tôi lo ngại nhất nguồn tôm giống, bởi công tác kiểm dịch còn rất lơ mơ. Dự án CRSD đã tổ chức điều tra truy xuất nguồn gốc con giống tại các vùng nuôi trong dự án, phổ biến lợi ích sử dụng giống sạch góp phần hạn chế dịch bệnh, hạn chế thiệt hại cho người nuôi”, ông Nguyễn Chí Công nói.


Có thể bạn quan tâm

Huyện Tiên Yên (Quảng Ninh) chuẩn bị tốt cho vụ tôm hè Huyện Tiên Yên (Quảng Ninh) chuẩn bị tốt cho vụ tôm hè

Theo số liệu thống kê của huyện Tiên Yên (Quảng Ninh), diện tích nuôi tôm trên toàn huyện chủ yếu tập trung ở 3 xã Hải Lạng, Đông Ngũ và Đông Hải. Trong đó so với năm 2014, trong khi diện tích nuôi ở xã Hải Lạng giữ nguyên như cũ là trên 680ha thì ở 2 xã còn lại đều tăng mạnh: Đông Ngũ tăng gấp 3 lần với 28ha; Đông Hải tăng gấp 10 lần với 100ha.

21/04/2015
Thủy sản Cà Mau kỳ quyết với những giải pháp Thủy sản Cà Mau kỳ quyết với những giải pháp

Quý I, tổng sản lượng thủy sản đạt 130 ngàn tấn, tăng 10% so với cùng kỳ; diện tích nuôi tôm công nghiệp đến nay là 8.707ha, tăng 556ha so với đầu năm. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt 174 triệu USD, giảm 44% so với cùng kỳ.

21/04/2015
Chuyện nuôi bò sữa ở vùng đất thép Củ Chi Chuyện nuôi bò sữa ở vùng đất thép Củ Chi

Chuyện chỉ có ở Củ Chi: "ép" nông dân tiêm phòng cho bò thì mới thu mua sữa; ai nuôi bò nhiều được hỗ trợ tiền làm chuồng, hầm bi-ô-ga; hỗ trợ 50% kinh phí khi người nuôi bò mua máy vắt sữa, máy cắt cỏ...

21/04/2015
Sản lượng vú sữa ước đạt hơn 100 tấn Sản lượng vú sữa ước đạt hơn 100 tấn

Theo Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Tân Yên (Bắc Giang), năm nay 20 ha vú sữa ở xã Hợp Đức cho sản lượng ước đạt hơn 100 tấn.

21/04/2015
Cách phòng, trị dừa bị nứt trái Cách phòng, trị dừa bị nứt trái

Bệnh viện cây ăn quả ĐBSCL (Sofri) cho biết: khi thấy trái dừa nứt trên cây hay thấy trái rụng, lấy dao bằm vỏ thấy khu vực đầu trái có nhiều vết thâm đen là do nấm đã tấn công vào mầu dừa (đài trái nằm giữa cuống và trái).

21/04/2015