Hiệu Quả Từ Trồng Mít Thái Siêu Sớm

Những năm gần đây, nhiều gia đình ở huyện Châu Thành (Đồng Tháp) mạnh dạn thay đổi cơ cấu cây trồng, chuyển sang trồng mít Thái siêu sớm mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Mít Thái siêu sớm là giống ăn quả dễ trồng, ít công chăm sóc, thời gian sinh trưởng ngắn, cho thu hoạch nhanh, năng suất cao, đặc biệt hiện nay rất được thị trường ưa chuộng.
Theo bà con nông dân, nhờ mít Thái siêu sớm có được nhiều ưu điểm so với mít thường nên giá cả cũng cao và ổn định hơn mít thường. Hiện tại, mít Thái tại vườn được thương lái mua ở mức khá cao, dao động 15 - 16 ngàn đồng/kg, tùy vào chất lượng của mít. Với mức giá ổn định như hiện nay, trung bình mỗi năm nhà vườn có thể lãi trên 50 triệu đồng/công.
Là một nông dân mạnh dạn chuyển đổi sang trồng mít Thái siêu sớm của địa phương, anh Nguyễn Quang Hiền, ngụ ấp Tân Phú, xã Tân Phú Trung bộc bạch: “Trước đây, 6 công nhãn của tôi hằng năm cũng cho thu nhập ổn định, nhưng từ khi dịch chổi rồng tấn công, gia đình tôi thất thu mấy năm liền.
Nhận thấy mít Thái siêu sớm có giá trị kinh tế cao nên tôi đã mạnh dạn chuyển sang trồng mít. Hiện nay, trung bình mỗi năm doanh thu từ vườn mít nhà tôi ước đạt gần 300 triệu đồng. Nếu so với nhãn và một số cây ăn quả khác thì trồng mít hiệu quả kinh tế hơn, lại nhẹ công chăm sóc và thu hoạch”.
Cũng theo anh Hiền, so với các loại cây ăn trái khác, mít siêu sớm có nhiều ưu điểm, cây mít 2 năm tuổi trở lên cho thu hoạch bình quân mỗi năm khoảng 100kg trái. Tuy nhiên, để cây cho năng suất cao, cần chú trọng bón phân chuồng kết hợp phân hóa học, liều lượng hợp lý, nhằm hạn chế xơ đen, trái nứt.
Tuổi thọ của mít không quá 10 năm tuổi, do đó muốn cây phát triển tốt nên tỉa bớt trái non và không để rong xanh bám vào cây, phải thường xuyên cắt cành hư và chà rửa những vết rong bám vào thân cây. Trung bình 10 ngày phun thuốc 1 lần, nhằm phòng trừ sâu đục cuống và tăng cường thuốc dưỡng để trái non phát triển tốt.
Toàn huyện Châu Thành hiện có trên 43ha trồng mít Thái siêu sớm, tập trung nhiều ở xã Tân Phú Trung, An Phú Thuận và rải rác ở một số địa bàn khác. Bước đầu nhận thấy, mít siêu sớm mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhà vườn, nhưng khâu sản xuất còn chịu nhiều ảnh hưởng của thị trường và dịch bệnh.
Ông Phạm Văn Tâm, Trưởng Trạm Bảo Vệ Thực vật huyện Châu Thành cho biết: “Mít Thái giống siêu sớm mang lại hiệu quả thiết thực, giúp nhiều bà con vươn lên thoát nghèo. Tuy nhiên, loại trái cây này bị nhiều dịch bệnh như xì mủ, xơ đen làm ảnh hưởng đến năng suất cũng như chất lượng mà ngành chuyên môn vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu.
Hiện tại, ngành đã cử cán bộ kỹ thuật bám sát địa bàn theo dõi dịch bệnh để giúp người dân phòng trị. Trong tương lai, muốn phát triển bền vững loại mít này, đòi hỏi sự liên kết giữa các ngành có liên quan chặt chẽ hơn, nhất là kiểm soát được dịch bệnh và tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm”.
Có thể bạn quan tâm

Dự báo vụ hè thu năm nay, hàng trăm hecta lúa, hoa màu ở huyện Ba Tơ bị hạn nghiêm trọng. Huyện đang khẩn trương tu sửa, nạo vét, khắc phục khẩn cấp các công trình thủy lợi để đưa vào sử dụng, phục vụ nước tưới cho vụ hè thu và lên phương án chuyển đổi cây trồng để né hạn.

Hiện giá hành tây chỉ còn hơn 4.000 kg loại 1 nhưng rất khó bán, thị trường ế ẩm khiến các thương lái không còn mặn mà với loại mặt hàng này. Theo nhiều nông hộ, nếu bán được hành với giá 4.000 đ/kg, mỗi sào nhà vườn vẫn thua lỗ khoảng 10 triệu đồng.

Gần 3 năm qua nghề câu mực khơi xa ở xã Bình Chánh (Bình Sơn) liên tiếp bị mất mùa, mất giá khiến nhiều ngư dân phải chuyển đổi sang nghề lưới vây. Thế nhưng mùa biển năm nay ngư dân trúng đậm mùa mực, giá thu mua lại tăng lên 30% nên ai nấy cũng phấn khởi.

Vào thời điểm này, bà con ngư dân Quảng Yên (Quảng Ninh) đang tích cực bám biển để khai thác vụ cá nam và khẩn trương thu hoạch tôm nuôi vụ xuân - hè để chuẩn bị thả nuôi vụ thu - đông. Phát huy lợi thế nuôi trồng và đánh bắt thuỷ sản, 6 tháng đầu năm nay, tổng sản lượng thuỷ sản toàn thị xã đạt 8.364 tấn, tăng 14,8% so với cùng kỳ năm 2013. Trong đó, sản lượng khai thác 6.071 tấn và sản lượng nuôi trồng 2.293 tấn.

Trước đó vào tháng 7-2013, dự án đã chọn 162 con bò cái giống lai Sind có trọng lượng từ 200kg trở lên của các hộ chăn nuôi ở hai huyện nói trên để gieo tinh nhân tạo giống bò nhập khẩu Red Angus. Kết quả, thụ thai gần 100% và năm hộ đợt đầu thu được 11 con bê lai Red Angus.