Hiệu Quả Từ Nuôi Vịt Sinh Sản An Toàn Sinh Học Ở Phú Yên

Sau một thời gian triển khai, mô hình nuôi vịt sinh sản an toàn sinh học với giống vịt thuần chủng Khaki Campell do Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư (KN-KN) tỉnh Phú Yên thực hiện đã bước đầu mang lại một số kết quả khả quan.
Theo Sở NN-PTNT, hiện tổng đàn gia cầm toàn tỉnh khoảng 3,3 triệu con, trong đó hơn 70% là vịt, mỗi năm cung ứng cho thị trường gần 120 triệu quả trứng, là một trong những nghề chính của nhiều hộ gia đình ở các vùng nông thôn. Tuy nhiên, việc chăn nuôi nhỏ lẻ, tự phát, thiếu kiến thức, kinh nghiệm của các hộ đã đẩy mức độ rủi ro của nghề này lên cao.
Đặc biệt, trong những năm gần đây, khi tình hình dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp, giá cả lên xuống thất thường, nhiều hộ nuôi vịt đối mặt với khó khăn. Ông Nguyễn Đức ở xã Hòa Vinh (Đông Hòa) cho biết, gia đình ông đã có thâm niên hơn chục năm nuôi vịt, nhưng mấy năm gần đây nghề này càng khó khăn bởi dịch bệnh thường xuyên xảy ra, nhất là con giống khan hiếm, các hộ nuôi phải mua giống từ các tỉnh lân cận về nên chi phí tăng cao, con giống lại không đảm bảo…
Theo ông Nguyễn Văn Lâm, Chi cục phó Chi cục Thú y tỉnh, mặc dù trên địa bàn tỉnh chưa từng xảy ra dịch cúm gia cầm, nhưng bệnh tả, tụ huyết trùng… vẫn xảy ra trên đàn gia cầm. Nguyên nhân là do người nuôi không tuân thủ quy định tiêm phòng, con giống kém chất lượng dẫn đến sức đề kháng yếu.
Trước thực trạng trên, Trung tâm KN-KN tỉnh đã triển khai mô hình chăn nuôi vịt sinh sản an toàn sinh học với mục tiêu tuyên truyền người dân thực hiện nuôi vịt an toàn sinh học, thay thế đàn vịt hiện có của địa phương bằng vịt giống Khaki Campell thuần chủng nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, hạn chế dịch bệnh và cung ứng nguồn thực phẩm sạch cho người tiêu dùng. Ông Nguyễn Lực, cán bộ phụ trách chăn nuôi thuộc Trung tâm KN-KN, cho biết: Qua tìm hiểu, tại các vùng nuôi vịt trọng điểm của tỉnh như Đông Hòa, Phú Hòa… hiện nay, vịt được nuôi chủ yếu là giống địa phương và giống vịt chuyên trứng Khaki Campell đang bị thoái hóa dần.
Vì vậy sức đề kháng dịch bệnh thấp, hiệu quả kinh tế không cao. Từ thực tế này, Trung tâm KN-KN tỉnh thực hiện mô hình chăn nuôi vịt sinh sản an toàn sinh học với giống vịt Khaki Campell đã được phục tráng để làm điểm, từ đó sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình, dần chuyển đổi phương thức chăn nuôi vịt chạy đồng sang chăn nuôi vịt an toàn sinh học, mang lại hiệu quả kinh tế cho người nuôi, góp phần hạn chế dịch bệnh lây lan…
Mô hình này có tổng kinh phí 100 triệu đồng, được thực hiện tại thôn Phú Khê và Bàn Thạch, xã Hòa Xuân Đông (Đông Hòa). 4 hộ tham gia mô hình, mỗi hộ được hỗ trợ 500 con vịt giống và 30% chi phí thức ăn cho đàn vịt từ khi nở đến khi sinh sản (5 tháng tuổi). Các hộ tham gia mô hình có trách nhiệm hướng dẫn kỹ thuật nuôi cho các hộ nuôi vịt khác có nhu cầu.
Sau hơn nửa năm thực hiện, mô hình bước đầu mang lại kết quả khả quan. Ông Trần Hoa ở thôn Phú Khê, một trong những hộ tham gia mô hình chăn nuôi vịt sinh sản an toàn sinh học, cho biết: So với các giống vịt địa phương mà gia đình tôi nuôi lâu nay thì tỉ lệ sống của đàn vịt thuần chủng giống Khaki Campell đạt cao hơn. Số vịt loại thải khi đưa vào sinh sản chỉ khoảng 10%...
Gần đây, nhiều nông dân đã đến tìm hiểu, học tập mô hình nuôi vịt sinh sản an toàn sinh học của gia đình tôi. Theo ông Nguyễn Lực, sau nửa năm thực hiện, mô hình đã thu được những kết quả khả quan, tỉ lệ sống của đàn vịt nuôi đạt khoảng 93%, trọng lượng vịt nuôi khi vào kỳ sinh sản đạt từ 1,8 - 1,9 kg/con, trọng lượng trứng đạt khoảng 0,06 kg/trứng, tỉ lệ vịt trống/mái là 1/10 con, năng suất trứng dự kiến hơn 300 trứng/vịt mái…
Ông Nguyễn Đình Nhơn, Giám đốc Trung tâm KN-KN tỉnh cho biết: Mô hình chăn nuôi vịt sinh sản an toàn sinh học được thực hiện với mục tiêu tuyên truyền cho người chăn nuôi biết được hiệu quả thực tế của việc chăn nuôi an toàn sinh học, sử dụng con giống sạch bệnh, góp phần hạn chế dịch bệnh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường… Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tổng kết mô hình và tuyên truyền, nhân rộng cho nông dân ở các địa phương khác học tập, làm theo.
Có thể bạn quan tâm

Hiện tại, tổng đàn heo nái chăn nuôi gia công của CP có khoảng 200 ngàn con với năng suất bình quân 23,5 heo con cai sữa/heo nái/năm, tương đương 4,7 triệu heo con nuôi làm giống và nuôi thịt hàng năm. Được biết, lượng thịt heo của toàn hệ thống CP cung ứng cho thị trường xấp xỉ bằng lượng heo thịt của tỉnh Đồng Nai.

Anh Lê Văn Hiệp (sinh năm 1979, xã An Phước, huyện Long Thành - Đồng Nai) được biết đến như một người “mê” làm giàu và có nhiều sáng kiến để phát triển kinh tế.

Đây là cách nuôi mới, thay đổi kỹ thuật xử lý chất thải, nhằm phát triển chăn nuôi nhưng vẫn đảm bảo tốt yếu tố môi trường. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều tranh cãi về tính hiệu quả và tác động khác của mô hình giữa các cơ quan quản lý nhà nước, những hộ chăn nuôi với các nhà khoa học. Hội thảo đánh giá thực trạng chăn nuôi trên đệm lót sinh học do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN - PTNT) tổ chức ngày 27-11-2014 đã phân tích rõ mặt được và chưa được của mô hình.

Bất chấp những khuyến cáo của doanh nghiệp và ngành chức năng, người trồng hành tím ở Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng vẫn quyết định trữ hành để chờ giá. Hệ quả là 30.000 tấn hành tím thương phẩm đến nay vẫn chưa có nơi tiêu thụ, đang trong giai đoạn hư hỏng.

Thời gian qua, ngành nông nghiệp tỉnh Hậu Giang và các địa phương đã xây dựng được 4.215ha các mô hình nhân giống lúa chất lượng cao, sản xuất lúa chất lượng cao, “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”.