Hiệu Quả Từ Nuôi Cá Lồng Trên Lòng Hồ Thủy Điện Bá Thước

Sau khi Nhà máy Thủy điện Bá Thước 2 đi vào vận hành, nhiều hộ dân huyện Bá Thước sống ven lòng hồ thủy điện đã tận dụng mặt nước phát triển nghề nuôi cá lồng, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập, góp phần xóa đói, giảm nghèo.
Theo giới thiệu của cán bộ phòng nông nghiệp huyện, chúng tôi đến thăm mô hình nuôi cá lồng của gia đình ông Trương Công Suất, ở làng Côn, xã Ái Thượng, ông cho biết: “Sau khi Nhà máy Thủy điện Bá Thước 2 đi vào vận hành, gia đình tôi đầu tư đóng 5 lồng bè, thả từ 300 đến 400 con cá.
Mỗi năm nuôi 1 lứa, sau khi thu hoạch bán với giá 90.000 đồng/kg, tổng lợi nhuận bình quân gia đình thu được 6 triệu đồng/lồng”.
Còn gia đình anh Trương Văn Đức, ở làng Mí, xã Ái Thượng, sau khi được tham gia lớp tập huấn kỹ thuật nuôi cá do xã tổ chức, anh đã mạnh dạn đầu tư nuôi 5 lồng cá, mỗi lồng 50 con. Bình quân mỗi năm gia đình anh lãi từ 25 đến 30 triệu đồng.
Anh Đức chia sẻ: “Ban đầu gia đình tôi vẫn còn băn khoăn. Nhưng khi đầu tư vào nuôi, được sự giúp đỡ kỹ thuật nuôi cá và làm lồng bè từ huyện và xã nên tôi đã yên tâm đầu tư. Thức ăn cho chúng đơn giản, chủ yếu là lá chuối, ngô, sắn... Song, điều quan trọng nhất trong quá trình nuôi đó là phải bảo vệ, giữ được sạch nguồn nước nuôi nhằm tránh dịch bệnh cho cá...”
Huyện Bá Thước ban đầu chỉ có vài chục lồng, bè nuôi cá nhỏ lẻ, sau gần 2 năm Nhà máy Thủy điện Bá Thước 2 đi vào vận hành, đến nay hơn 400 hộ dân ở 5 xã ven lòng hồ thủy điện, gồm: Tân Lập, Lương Ngoại, Ái Thượng, Lâm Sa, Ban Công đã nhân rộng mô hình nuôi cá lồng (chủ yếu cá trắm) lên gần 500 lồng nuôi. Xã có số hộ nuôi nhiều nhất là Ái Thượng với trên 200 lồng nuôi.
Nếu như trước đây bà con đóng lồng nuôi theo cách truyền thống bằng tre, luồng, thì nay nhờ được hướng dẫn kỹ thuật nuôi cá bằng lưới quây đã giảm được chi phí đầu tư và đem lại hiệu quả cao hơn. Từ đó nhiều hộ đã áp dụng phương pháp nuôi mới này, có hộ nuôi đến 4 - 5 lồng.
Ông Lê Trung Lương, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bá Thước, cho biết: Sau khi Nhà máy Thủy điện Bá Thước 2 đi vào hoạt động, mặt nước dâng đến cao trình 41m, rất thuận lợi cho việc nuôi trồng thủy sản ven lòng hồ.
Huyện đã có chủ trương xin quản lý mặt nước lòng hồ để nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nghề nuôi cá lồng. Đồng thời, xây dựng kế hoạch, mở các lớp tập huấn kỹ thuật, cũng như có các cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các hộ nhằm nhân rộng nghề nuôi cá lồng, tạo thêm việc làm cho người dân, góp phần tăng thu nhập, xóa đói, giảm nghèo ở địa phương.
Hiện nay, việc triển khai nuôi cá lồng trên hồ Thủy điện Bá Thước 2 không chỉ góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, cho nông dân mà còn khai thác được tiềm năng lòng hồ để tạo ra nguồn thực phẩm thủy sản sạch, chất lượng cao phục vụ tiêu thụ của thị trường, đồng thời bảo vệ môi trường.
Thời gian tới, huyện Bá Thước sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các quy trình nuôi trồng và khai thác thủy sản bền vững, đẩy mạnh công tác quản lý đi đôi với việc phát triển các dự án nuôi trồng thủy sản tập trung, thực hiện tốt công tác hỗ trợ vốn, kỹ thuật chăn nuôi cho nhân dân và nhân rộng ra một số xã khu vực lòng hồ Thủy điện Bá Thước 1.
Có thể bạn quan tâm

Gần 1 tháng qua, các doanh nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu trên địa bàn An Giang và các tỉnh lân cận đã ngưng mua cá nguyên liệu của nông dân, làm người nuôi điêu đứng. Đại diện một doanh nghiệp cho biết, do thị trường thế giới hạn chế nhập hàng; giá xuất khẩu chỉ tăng 30 cent, nhưng giá nguyên liệu lại tăng 2.500 đồng/kg, nên doanh nghiệp hạn chế sản xuất.

Nhưng do người dân chạy theo thị trường, không theo quy hoạch dẫn tới cung vượt cầu và hệ quả là điệp khúc trồng - chặt - trồng liên tục diễn ra, người nông dân rơi vào vòng luẩn quẩn. Hiện nhiều người dân đã quay lưng với cây cao su, loại cây một thời làm giàu cho hàng ngàn hộ dân trên địa bàn tỉnh.

Nhiều nông dân ở huyện Hòn Đất (Kiên Giang) đã mạnh dạn phá bỏ thế độc canh cây lúa, chuyển sang trồng xen canh rau màu mang lại hiệu quả cao.

Phần lớn diện tích lúa hè thu ở Huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng) đang ở giai đoạn từ 40-45 ngày tuổi. Đây là giai đoạn lúa đang chuẩn bị làm đòng. Bón phân đón đòng cho lúa ở giai đoạn này có tác động rất lớn đến năng lúa của cả vụ.

Những lý do làm cho nông dân nghèo, giá nông sản thấp và sức cạnh tranh của ngành nông nghiệp yếu có thể kể: không có ai giúp nông dân đi bán hàng, không có nhiều công ty nông nghiệp kinh doanh chuyên nghiệp và không có ai bày cho nông dân biết chuyện làm ăn…