Hiệu Quả Từ Nuôi Ba Ba

Hiện nay, cùng với nuôi tôm, nhiều nông dân trong huyện Phú Tân (Cà Mau) đa dạng hoá cây trồng, vật nuôi để tăng thu nhập. Anh Thái Văn Việt ở ấp Thọ Mai, xã Phú Mỹ thực hiện mô hình nuôi ba ba thương phẩm. Mô hình này thành công đã giúp cho anh cải thiện điều kiện kinh tế, cuộc sống ổn định hơn.
Anh Thái Văn Việt có diện tích đất sản xuất gần 1 ha. Do nuôi tôm kém hiệu quả nên trước đây cuộc sống gia đình anh gặp không ít khó khăn. Qua tìm hiểu thông tin và nhận thấy một số nơi người dân nuôi ba ba thương phẩm mang lại hiệu quả kinh tế cao, anh Việt quyết định dùng số vốn dành dụm được xây hồ nuôi ba ba.
Năm 2011, anh xây 3 hồ bê-tông trên sân nhà và nuôi thử nghiệm 300 con ba ba giống. Chỉ hơn 18 tháng nuôi và chăm sóc anh thu hoạch và bán ba ba thịt. Giá bán trung bình 350.000 đồng/kg ba ba loại nhất.
Để tiết kiệm chi phí, anh Việt còn cho ba ba đẻ trứng để gây giống cho lần nuôi tiếp theo. Chẳng những vậy, anh Việt còn cung cấp ba ba giống cho các hộ lân cận. Mỗi năm gia đình anh thu lợi nhuận khoảng 80 triệu đồng từ ba ba thịt và ba ba giống.
Anh Việt cho biết, trong quá trình nuôi ba ba, anh tận dụng cá đặt lú dưới sông, cá phi trong vuông làm thức ăn cho chúng. Ba ba dễ cho ăn, chỉ cần đóng 1 bàn bằng cây gỗ khoảng 8 tấc vuông, kê khỏi mặt nước là chúng bò lên ăn mồi.
Anh dùng cây thả chà cho chúng bám, xây hồ nhỏ kề một bên làm đường cho ba ba bò qua đẻ. Hồ nhỏ anh bỏ một ít cát vàng được xử lý sạch phèn và một lớp trấu cho chúng đẻ, lấy trứng vào ấp bằng bóng đèn hoặc cho chúng tự ấp nở. Khi chúng nở, anh mang ba ba con sang ao khác nuôi.
Ba ba là loài động vật rất dễ nuôi, sử dụng hồ xây gạch nuôi quanh năm, vệ sinh ao hồ 1 lần trong suốt quá trình nuôi và chỉ thay nước, thức ăn là cá tạp, ít tốn công chăm sóc. Người nuôi chỉ cần một ít vốn ban đầu từ 5-7 triệu đồng là có thể thực hiện được mô hình nuôi ba ba.
Nhờ tận dụng tốt tiềm năng đất đai cộng với tính cần cù, chịu khó mà gia đình anh Thái Văn Việt đã có cuộc sống khá hơn, cất được nhà ở khang trang với đầy đủ tiện nghi sinh hoạt.
Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Mỹ Nguyễn Thanh Mộng cho biết, hiện xã phú Mỹ có 3 hộ xây hồ nuôi ba ba đều đạt hiệu quả. Hội Nông dân xã khuyến khích bà con nhân rộng mô hình này, nhất là hộ đất ít, nhằm tạo điều kiện phát triển kinh tế, góp phần giảm nghèo trong thời gian tới.
Có thể bạn quan tâm

Vài năm trở lại đây, sản xuất nông nghiệp của huyện Yên Bình (Yên Bái) luôn có những bước tiến mạnh mẽ. Cơ cấu cây trồng, vật nuôi chuyển dịch đúng hướng, đặc biệt trong chăn nuôi thủy sản. Yên Bình đã đưa tiềm năng, lợi thế mặt nước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần quan trọng vào công cuộc xóa đói giảm nghèo.

Nuôi cá nước lạnh (cá tầm và cá hồi vân) là một trong những thế mạnh của tỉnh Lâm Đồng. Trong đề án quy hoạch nuôi cá nước lạnh, tỉnh Lâm Đồng đặt mục tiêu đến năm 2020, toàn tỉnh sản xuất được 3.000 tấn cá nước lạnh thương phẩm. Nhưng đến nay, việc phát triển loại cá này đang gặp rất nhiều khó khăn.

Thời gian gần đây, tại vùng biển tỉnh Quảng Bình rộ lên tình trạng khai thác tận diệt thủy sản, phổ biến là sử dụng chất nổ đánh bắt cá.

Theo báo cáo của Hiệp hội Nghề nuôi và Chế biến Thủy sản tỉnh An Giang (AFA), tình hình sản xuất kinh doanh thủy sản của tỉnh trong 3 tháng đầu năm vẫn tiếp tục trầm lắng, giá nguyên liệu vẫn giữ ổn định ở mức thấp, diện tích nuôi và sản lượng tăng ít so cùng kỳ, tình hình dịch bệnh phát sinh đã ảnh hưởng sản xuất của nông dân.

Đến nay đã mấy năm, người dân xã Lộc Bình (Phú Lộc - Thừa Thiên Huế) vẫn còn tiếc “đứt ruột” khi những viên ngọc trai bị bế tắc đầu ra.