Hiệu Quả Từ Mô Hình Xen Canh Dừa Và Mít

Khai thác tốt tiềm năng đất đai trong trồng trọt đã giúp nông dân xã Phú An, huyện Cai Lậy (Tiền Giang) tăng hiệu quả kinh tế trên cùng đơn vị diện tích canh tác, trong đó có mô hình trồng dừa dứa, dừa Mã Lai xen canh mít Thái của ông Phạm Minh Thông ở ấp 1.
Ông Thông hiện có 1,1 ha đất vườn xen canh 200 gốc dừa dứa, dừa Mã Lai với 1.000 gốc mít Thái đang bước vào giai đoạn cho trái ổn định. Lúc mới chuyển đổi từ ruộng sang vườn, ông trồng cam sành nhưng sau 3 vụ thu hoạch vườn cam bị bệnh vàng lá tấn công khiến năng suất giảm, cây chết dần.
Qua góp ý của người bạn, ông chọn cây dừa thay thế. Cùng với việc chọn giống dừa phù hợp, ông trồng xen 1.000 gốc mít Thái để tận dụng diện tích đất trống trong vườn. Từ cách chuyển đổi linh hoạt này mà sau 3 năm, vườn cây bắt đầu mang lại thu nhập ổn định cho gia đình.
Theo ông Thông, ưu điểm của cây dừa dứa và dừa Mã Lai là dễ trồng, mau cho thu hoạch, cho trái sai. Riêng dừa dứa ngoài đặc tính nước ngọt thanh thì còn có hương thơm lá dứa, được thị trường ưa chuộng. Lúc mới chuyển đổi, ông không tránh khỏi lo lắng nhưng với tinh thần ham học hỏi, thông qua báo đài và học tập thực tế từ các nông dân khác, ông đã tích lũy kiến thức, am hiểu cách trồng, chăm sóc.
Kinh nghiệm của ông là giữ cho cây dừa không thiếu nước sẽ đạt yêu cầu về năng suất. Khi dừa bắt đầu cho trái nên thường xuyên rửa bẹ, phun thuốc sát trùng để trừ sâu hại. Khâu bón phân rất quan trọng nhưng cũng không nặng vốn đầu tư như những loại cây trồng khác.
Tuy hiệu quả kinh tế mang lại ổn định nhưng để 2 loại cây trồng này phát triển tốt cần có sự chuẩn bị chu đáo từ khâu thiết kế vườn đến chọn giống, chăm sóc, phòng trừ dịch hại. Nắm vững kiến thức khoa học - kỹ thuật, kết hợp thực tế sản xuất nên những vấn đề phát sinh trong thực tiễn được ông khắc phục hiệu quả, vườn cây luôn phát triển tươi tốt, cho năng suất cao.
Ông nhận xét: “Sau thời gian chuyển đổi, tôi thấy mô hình xen canh dừa và mít cho thu nhập khả quan hơn những loại cây trồng khác. 2 loại cây này thích hợp để trồng xen, tận dụng hết diện tích đất vườn, lượng phân bón và thu hoạch từ loại cây này có thể hỗ trợ cho loại cây kia khi giá bán dao động. Đặc biệt cây dừa cho thu hoạch quanh năm, giá ổn định, tuổi thọ cây cao và không tốn nhiều công chăm sóc”.
Trung bình mỗi tháng, vườn dừa của ông Thông cho thu hoạch 1.000 trái, thương lái thu mua tại vườn 5.000 đồng/trái. Riêng năm 2013, ông còn thu hoạch 1 tấn mít Thái ở thời điểm giá bán từ 15.000 - 18.000 đồng/kg. Hiệu quả từ mô hình xen canh dừa và mít đã đem về cho gia đình ông thu nhập khoảng 100 triệu đồng/năm.
Bên cạnh phát triển vườn cây của gia đình, ông còn sẵn sàng giới thiệu và hướng dẫn kỹ thuật cho những nông dân khác ở trong xã để nâng cao hiệu quả kinh tế vườn một cách bền vững.
Có thể bạn quan tâm

Tận dụng con nước khi lũ về và diện tích đất canh tác bên bờ sông Hậu, nhiều nông dân xã Bình Thạnh Đông (Phú Tân - An Giang) đã mạnh dạn đào ao nuôi tôm càng xanh mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Những năm qua ở Thanh Hoá, chăn nuôi các loại gia súc, như: Trâu, bò thịt, bò sữa, dê... để sinh sản, lấy thịt, lấy sữa đang là hướng đi đúng, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều địa phương. Tuy nhiên, việc thiếu vùng trồng nguyên liệu làm thức ăn cho chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi gia súc đang là một trong những nguyên nhân khiến khả năng sinh sản và cho thịt của con nuôi bị hạn chế.

Chi cục Bảo vệ thực vật tăng cường việc dự báo các đợt rầy nâu di trú để hướng dẫn nông dân xuống giống né rầy đồng loạt, tập trung; phấn đấu trong vụ lúa này có khoảng 90% diện tích gieo sạ được áp dụng kỹ thuật “3 giảm, 3 tăng” nhằm giảm chi phí sản xuất và tăng lợi nhuận.

Sẽ có khoảng 30.000 cây cà phê được người chơi “Nông trại Nescafé” gửi đến nông dân, bên cạnh 7 triệu cây giống mà dự án Nescafé Plan đã cung cấp từ năm 2011. Là khẳng định vừa được Nescafé thông tin đến báo chí thông qua việc ra mắt trò chơi trực tuyến thú “Nông trại Nescafé” cho những người yêu cà phê trên khắp Việt Nam.

Ông Lê Văn Nhỏ, nông dân sản xuất giỏi ở xã Tân Phú, huyện Cai Lậy đã 4 năm gắn bó với mô hình này chia sẻ: Thời gian qua, làm chương trình công nghệ sinh thái, tôi thấy rất hiệu quả, giảm được chi phí thuốc trừ sâu do giữ được côn trùng có ích. Theo tôi, để xây dựng nông thôn mới, chúng ta nên tham gia mô hình công nghệ sinh thái cho đồng ruộng tươi đẹp…”.