Hiệu Quả Từ Mô Hình Xen Canh Dừa Và Mít

Khai thác tốt tiềm năng đất đai trong trồng trọt đã giúp nông dân xã Phú An, huyện Cai Lậy (Tiền Giang) tăng hiệu quả kinh tế trên cùng đơn vị diện tích canh tác, trong đó có mô hình trồng dừa dứa, dừa Mã Lai xen canh mít Thái của ông Phạm Minh Thông ở ấp 1.
Ông Thông hiện có 1,1 ha đất vườn xen canh 200 gốc dừa dứa, dừa Mã Lai với 1.000 gốc mít Thái đang bước vào giai đoạn cho trái ổn định. Lúc mới chuyển đổi từ ruộng sang vườn, ông trồng cam sành nhưng sau 3 vụ thu hoạch vườn cam bị bệnh vàng lá tấn công khiến năng suất giảm, cây chết dần.
Qua góp ý của người bạn, ông chọn cây dừa thay thế. Cùng với việc chọn giống dừa phù hợp, ông trồng xen 1.000 gốc mít Thái để tận dụng diện tích đất trống trong vườn. Từ cách chuyển đổi linh hoạt này mà sau 3 năm, vườn cây bắt đầu mang lại thu nhập ổn định cho gia đình.
Theo ông Thông, ưu điểm của cây dừa dứa và dừa Mã Lai là dễ trồng, mau cho thu hoạch, cho trái sai. Riêng dừa dứa ngoài đặc tính nước ngọt thanh thì còn có hương thơm lá dứa, được thị trường ưa chuộng. Lúc mới chuyển đổi, ông không tránh khỏi lo lắng nhưng với tinh thần ham học hỏi, thông qua báo đài và học tập thực tế từ các nông dân khác, ông đã tích lũy kiến thức, am hiểu cách trồng, chăm sóc.
Kinh nghiệm của ông là giữ cho cây dừa không thiếu nước sẽ đạt yêu cầu về năng suất. Khi dừa bắt đầu cho trái nên thường xuyên rửa bẹ, phun thuốc sát trùng để trừ sâu hại. Khâu bón phân rất quan trọng nhưng cũng không nặng vốn đầu tư như những loại cây trồng khác.
Tuy hiệu quả kinh tế mang lại ổn định nhưng để 2 loại cây trồng này phát triển tốt cần có sự chuẩn bị chu đáo từ khâu thiết kế vườn đến chọn giống, chăm sóc, phòng trừ dịch hại. Nắm vững kiến thức khoa học - kỹ thuật, kết hợp thực tế sản xuất nên những vấn đề phát sinh trong thực tiễn được ông khắc phục hiệu quả, vườn cây luôn phát triển tươi tốt, cho năng suất cao.
Ông nhận xét: “Sau thời gian chuyển đổi, tôi thấy mô hình xen canh dừa và mít cho thu nhập khả quan hơn những loại cây trồng khác. 2 loại cây này thích hợp để trồng xen, tận dụng hết diện tích đất vườn, lượng phân bón và thu hoạch từ loại cây này có thể hỗ trợ cho loại cây kia khi giá bán dao động. Đặc biệt cây dừa cho thu hoạch quanh năm, giá ổn định, tuổi thọ cây cao và không tốn nhiều công chăm sóc”.
Trung bình mỗi tháng, vườn dừa của ông Thông cho thu hoạch 1.000 trái, thương lái thu mua tại vườn 5.000 đồng/trái. Riêng năm 2013, ông còn thu hoạch 1 tấn mít Thái ở thời điểm giá bán từ 15.000 - 18.000 đồng/kg. Hiệu quả từ mô hình xen canh dừa và mít đã đem về cho gia đình ông thu nhập khoảng 100 triệu đồng/năm.
Bên cạnh phát triển vườn cây của gia đình, ông còn sẵn sàng giới thiệu và hướng dẫn kỹ thuật cho những nông dân khác ở trong xã để nâng cao hiệu quả kinh tế vườn một cách bền vững.
Có thể bạn quan tâm
Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (Sở Khoa học- Công nghệ) vừa chuyển giao kỹ thuật trồng nấm bào ngư và nấm linh chi cho nông dân với nguyên liệu chính sản xuất phôi nấm từ mạt cưa. Mô hình đã tạo sự quan tâm của rất nhiều nông dân, bởi ít tốn công và chi phí đầu tư.

Thời gian gần đây giá khoai lang xuất khẩu ở Vĩnh Long, Đồng Tháp, TP Cần Thơ… liên tục giảm khiến hàng loạt hộ bị lỗ.

Những năm qua, nhờ phát triển diện tích cây màu mà đời sống của người dân xã Hồng Minh (Hưng Hà - Thái Bình) được nâng lên rõ rệt. Trong đó, phải kể đến những giá trị và hiệu quả mà cây đậu tương mang lại cho vùng đất này.

Vừa bước vào niên vụ mía 2015 - 2016, trên địa bàn thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) đã có 150ha mía bị bệnh trắng lá. Người trồng mía đang lo ngại nếu trời mưa xuống khả năng bệnh trắng lá mía sẽ bùng phát trở lại.

Vụ Hè Thu 2015, với sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông khuyến ngư (KNKN) tỉnh Bình Định và Trạm Khuyến nông huyện Phù Cát, nông dân xã Cát Tài (Phù Cát) tiếp tục thực hiện mô hình (MH) cánh đồng mẫu lớn sản xuất đậu phụng với hình thức liên kết sản xuất theo chuỗi gắn với bao tiêu sản phẩm, diện tích 30 ha, bằng giống đậu L14; Công ty TNHH Công nghệ thực phẩm Tất Thắng (ở tỉnh Đắk Nông) ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm.