Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Hiệu Quả Từ Mô Hình Trồng Thanh Long Ruột Đỏ

Hiệu Quả Từ Mô Hình Trồng Thanh Long Ruột Đỏ
Ngày đăng: 30/07/2013

Trên cở sở học tập kinh nghiệm từ mô hình đã cho hiệu quả tại tỉnh Bình Thuận, Phòng Nông nghiệp và phát triển Nông thôn huyện Ninh Hải đã triển khai thí điểm mô hình trồng thanh long ruột đỏ tại xã Xuân Hải. Tuy bước đầu được trồng thí điểm trên diện tích 3 sào với 5 hộ tham gia, thế nhưng do hiệu quả cao hơn so với cây trồng khác nên thanh long ruột đỏ đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của nhiều người dân địa phương.

Tại hội nghị tổng kết mô hình trồng thí điểm thanh long ruột đỏ tại xã Xuân Hải vừa diễn ra, những hộ tham gia mô hình tỏ ra phấn khởi bởi hiệu quả của cây trồng này mang lại. Ông Trần Cam, ở thôn Thành Sơn, xã Xuân Hải phấn khởi cho biết: "Trước đây, đất đai ở nhà không trồng được cây gì cả, do đất sỏi đá, nghèo dinh dưỡng nên phải bỏ hoang. Cuối năm 2010, được Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện chọn thực hiện trồng thí điểm thanh long ruột đỏ, gia đình tôi đã tiến hành trồng 500 gốc, trên diện tích 1 sào. Được sự hỗ trợ về phân, giống và hướng dẫn về kỹ thuật chăm sóc, cây thanh long phát triển rất tốt. Hiện nay cây đã cho trái và cứ khoảng 20 ngày thu hoạch 1 đợt, trung bình mỗi đợt thu trên 7 tạ. Qua 2 lứa thu, với giá bán tại vườn từ 15.000 đến 20.000 đồng/kg, gia đình đã thu về hơn 20 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi gần 10 triệu đồng, so với cây trồng khác thì giá trị kinh tế cao hơn nhiều".

Bà Hà Thị Hòa  còn vui hơn khi nói đến loại cây trồng này:"Lúc đầu gia đình tôi cũng lo, bởi không có vốn đúc trụ để trồng, hơn nữa cây thanh long ruột đỏ là cây trồng còn quá mới mẻ . Tuy nhiên, khi được chọn tham gia mô hình trồng với diện tích 650 m2, được hỗ trợ kinh phí và được hướng dẫn tận tình về kỹ thuật nên cây phát triển tốt, hiện đã cho thu hoạch, hiệu quả kinh tế tương đối cao so với các loại cây trồng khác. Do là cây trồng mới nên khi trái chín là thương lái đến tận vườn để thu mua với giá cao, gia đình cũng vui lắm".

Mặc dù vậy nhưng bà Hòa cũng không giấu được vẻ lo lắng của mình, bà cho rằng: về lâu dài người dân sẽ làm giàu từ cây trồng này, nhưng đối với những hộ không có điều kiện kinh tế thì không thể trồng được, bởi chi phí ban đầu không nhỏ. Nếu như mở rộng diện tích trồng từ 800 đến 1.000 gốc thì chi phí làm trụ cũng mất gần một trăm triệu đồng, chưa tính các chi phí khác. Về lâu dài, chính quyền địa phương tạo nên điều kiện cho vay để người dân có vốn đầu tư mở rộng diện tích... Bên cạnh đó, cần có sự giúp đỡ của các ngành chức năng trong việc xác nhận nguồn gốc xuất xứ, xây dựng thương hiệu trái thanh long ruột đỏ, có như vậy mới tránh được vòng luẩn quẩn cung - cầu, được mùa- mất giá... gây thua lỗ cho người trồng.

Ông Trần Hữu Nhân, Trưởng phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện cho biết: Cây thanh long ruột đỏ là cây trồng thích nghi với khí hậu và thổ nhưỡng ở tỉnh ta, trong đó có xã Xuân Hải, hơn thế nữa đây là loại cây trồng chưa phổ biến, thị trường tiêu thụ rộng nên việc huyện chọn thanh long ruột đỏ để trồng là quyết định đúng, phù hợp chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở địa phương. Thanh long ruột đỏ là loại trái cây có màu sắc đẹp, có vị ngọt đặc trưng, mỗi năm thu hoạch từ 7 đến 8 đợt. Đặc biệt, cây thanh long có tuổi đời dài đến 15 năm mới phải trồng lại, nên người dân rất yên tâm trong việc đầu tư đối với loại cây trồng này.

Thực tế tại địa phương cho thấy, sản phẩm quả thanh long ruột đỏ đang rất được thị trường ưa chuộng. Hiện không chỉ được các  thương lái thu mua tại vườn với giá 15 ngàn đồng/kg, mà siêu thị CoopMart Thanh Hà cũng đã liên hệ với địa phương, đặt vấn đề hoàn thiện thủ tục xác nhận nguồn gốc xuất xứ sản phẩm để đưa vào tiệu thụ, đồng thời cùng với người trồng thống nhất phương án thu mua với giá cả ổn định ở mức (40.000 đồng/kg). Với hiệu quả đó, chắc chắn trong thời gian tới, người dân địa phương sẽ có thêm điều kiện để mở rộng sản xuất, nhân rộng mô hình này nhằm nâng cao thu nhập, ổn định  sản xuất.


Có thể bạn quan tâm

Để Nông Dân Chăn Nuôi Bò Sữa Phát Triển Bền Vững Để Nông Dân Chăn Nuôi Bò Sữa Phát Triển Bền Vững

Chăn nuôi bò sữa ở Việt Nam chỉ mới đáp ứng 25% nhu cầu thị trường nhưng người nông dân chăn nuôi bò sữa lại đang có xu hướng chuyển sang những ngành kinh doanh khác do ở những khu vực chăn nuôi bò sữa chủ yếu hiện nay, quỹ đất dành cho chăn nuôi không còn nhiều lại đang có xu hướng đô thị hóa, dẫn đến lợi nhuận thu được từ việc sử dụng đất để trồng cỏ nuôi bò dần dần sẽ không hấp dẫn bằng kinh doanh các ngành nghề khác…

09/01/2013
Những Mô Hình Nuôi Rắn Giảm Nghèo Ở Đồng Tháp Những Mô Hình Nuôi Rắn Giảm Nghèo Ở Đồng Tháp

Nông dân ngày nay rất sáng tạo, có nhiều mô hình sản xuất đạt hiệu quả cao. Trong đó có nhiều mô hình nuôi rắn giúp nông dân làm giàu, phát triển kinh tế gia đình.

09/01/2013
Sản Xuất Cá Tra Từng Bước Vận Hành Theo Cơ Chế Thị Trường Ở Đồng Tháp Sản Xuất Cá Tra Từng Bước Vận Hành Theo Cơ Chế Thị Trường Ở Đồng Tháp

Tính đến nay, diện tích nuôi cá tra toàn tỉnh Đồng Tháp là 1.943 ha, đạt 89,3% kế hoạch năm. Sản lượng cá tra 386.910 tấn, đạt 110,46% kế hoạch, năng suất trung bình 366 tấn/ha.

10/01/2013
Giá Cá Điêu Hồng Tăng Mạnh Trở Lại Ở Tiền Giang Giá Cá Điêu Hồng Tăng Mạnh Trở Lại Ở Tiền Giang

Theo các hộ nuôi lồng bè ở xã Thới Sơn và phường Tân Long (TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang), giá cá điêu hồng thương phẩm bất ngờ tăng mạnh trở lại, giúp người nuôi cá thu được lãi cao.

10/01/2013
Nhiều Mô Hình Nuôi Tôm Nước Lợ Thành Công Ở Quảng Nam Nhiều Mô Hình Nuôi Tôm Nước Lợ Thành Công Ở Quảng Nam

Nhờ đầu tư khoa học, sản xuất đúng quy trình kỹ thuật, nhiều mô hình nuôi tôm nước lợ trên địa bàn tỉnh Quảng Nam cho hiệu quả kinh tế cao.

13/01/2013