Hiệu Quả Từ Mô Hình Trồng Lạc TB 25 Tại Xã Keo Lôm

Tháng 9/2012, Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư huyện Điện Biên Đông triển khai trên địa bàn xã Keo Lôm, Dự án Hỗ trợ mô hình trồng lạc giống mới TB 25. Đây là một trong những hợp phần của Chương trình 135/CP giai đoạn II nhằm hỗ trợ nhân dân các dân tộc vùng cao trên địa bàn huyện phát triển trồng trọt. Dự án mở ra hướng mới cho việc phát triển cơ cấu cây trồng, tận dụng và cải tạo đất nông nghiệp trên địa bàn.
Xã Keo Lôm có diện tích sản xuất đất nông nghiệp lớn, người dân cần cù trong lao động sản xuất, tuy nhiên hiện nay, Keo Lôm vẫn là một trong những xã đặc biệt khó khăn, người dân thiếu sáng tạo, phần lớn chưa được tiếp cận các phương thức sản xuất mới, giống mới có chất lượng tốt, chưa áp dụng các tiến bộ KH- KT vào sản xuất. Chăn nuôi, trồng trọt chủ yếu vẫn dùng giống địa phương nên chất lượng sản phẩm không cao, hiệu quả kinh tế thấp. Hướng dẫn người dân trên địa bàn huyện nói chung, nhân dân các dân tộc xã Keo Lôm nói riêng áp dụng tiến bộ KH - KT trong lao động sản xuất, canh tác các loại giống cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế cao luôn được Huyện ủy, UBND huyện xác định là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách.
TB25 là giống lạc mới, bên cạnh cho năng suất, chất lượng cao còn có tác dụng cải tạo đất, ruộng khai hoang mới (tạo độ xốp, tăng lượng đạm trong đất sau canh tác). Dự án Hỗ trợ mô hình trồng lạc giống mới TB25 được triển khai tại xã Keo Lôm từ trung tuần tháng 9 năm nay, với 14 hộ thuộc bản Xì Cơ tham gia trồng, tổng diện tích 5ha. Tham gia Dự án, các hộ dân được Trạm Khuyến nông - Khuyến nghư hỗ trợ 100% lạc giống, phân bón và thuốc trừ sâu. Bên cạnh đó, bà con còn được cán bộ khuyến nông huyện chuyển giao kỹ thuật canh tác: kỹ thuật trồng, chăm sóc lạc tại ruộng, nương; cách phát hiện và diệt trừ sâu bệnh trên cây lạc…
Hiện tại, 100% diện tích trồng lạc của các hộ tham gia Dự án phát triển tốt, năng suất ước đạt 18 - 20 tạ/ha. Với giá bán lạc thương phẩm trên địa bàn là 12.000 đồng/kg thì sau khi trừ chi phí đầu vào (trường hợp nông dân không được hỗ trợ giống, phân bón, thuốc trừ cỏ, sâu bệnh) người trồng sẽ thu lãi 8 - 10 triệu đồng/ha. Theo kết quả kiểm tra của cán bộ kỹ thuật Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư huyện thì diện tích lạc mô hình có tỷ lệ củ 3 hạt đạt từ 35 - 40%.
Ông Nguyễn Thanh Lâm, Trưởng trạm Khuyến nông - Khuyến ngư huyện cho biết: điểm ưu việt của giống lạc TB25 là sau thu hoạch có thể lựa chọn giống trồng cho vụ sau mà năng suất cây lạc không giảm, điều này sẽ góp phần giảm chi phí và chủ động về giống cho nông dân. Ông Lâm cho biết thêm: Gống lạc TB25 có những ưu việt: thời gian sinh trưởng ngắn (từ 90 - 100 ngày), chống chịu bệnh gỉ sắt, đốm nâu, khả năng thích ứng rộng, có thể gieo trồng ở nhiều vùng sinh thái khác nhau, tỷ lệ hạt gieo nảy mầm đạt trên 95%... Đặc biệt, giống lạc TB25 phù hợp, thích ứng cao với khí hậu thổ nhưỡng xã Keo Lôm.
Ông Vàng A Của, bản Xì Cơ, xã Keo Lôm, chủ một hộ đang tham gia mô hình trồng lạc TB25 với diện tích 6.500m2 cho biết: Quy trình kỹ thuật trồng lạc TB25 không khó, mức đầu tư ban đầu không cao nhưng cây lạc có sức sống mạnh mẽ, tỷ lệ củ 3 hạt cao hơn hẳn so với giống lạc địa phương, chắc chắn sẽ cho hiệu quả kinh tế cao. Còn ông Lầu A Dia, cũng là thành viên Dự án cho biết: Căn cứ diễn biến thực tế có thể thấy giống lạc TB25 sẽ cho hiệu quả kinh tế cao, gia đình tôi dự tính sẽ dành 3ha trồng lạc TB25 vào vụ xuân tới
Có thể bạn quan tâm

Nông dân xã Hiệp Xương (Phú Tân - An Giang) đang vào vụ thu hoạch rau muống lấy hạt. Các hộ trồng cho biết, hiện nay giá mỗi ký hạt rau muống khoảng 40.000 đồng, năng suất đạt 320 kg/công, trừ chi phí, nông dân thu lãi 4,5 triệu đồng/công. Hạt rau muống chủ yếu được bạn hàng từ các chợ Châu Ma, Vàm Xáng (Châu Phú), Chợ Vàm (Phú Tân) đến tận nơi thu mua.

Mới 23 tuổi nhưng Nguyễn Ngọc Phú đã là chủ một trang trại nuôi lươn tại huyện Củ Chi, TP.HCM với lợi nhuận hơn 12 triệu đồng mỗi tháng. Ðây là mô hình nuôi lươn trong bể xi măng lần đầu được thử nghiệm thành công tại huyện Củ Chi.

Nhiều DN đang mua điều tươi với giá rất cao, nếu chế biến để bán ngay sẽ lỗ, còn lưu kho đợi giá tăng mới bán thì nhiều rủi ro

Hiện đang là thời điểm thích hợp để đưa các giống thủy sản vào nuôi trồng, vì vậy thời gian qua Chi cục Thủy sản tỉnh đã tích cực chỉ đạo nông dân tập trung chuẩn bị các điều kiện về ao nuôi, con giống, thức ăn nhằm phát triển chăn nuôi thủy sản ngay từ đầu vụ, nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế cho các hộ nuôi trồng thủy sản.

Ngày 2-3, tại thành phố Long Xuyên (An Giang), Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Hiệp hội nghề cá Việt Nam, đại diện các tỉnh khu vực ĐBSCL đã tham dự đại hội thành lập Hiệp hội Cá tra Việt Nam.